Thứ Năm, 22/08/2019, 21:41 (GMT+7)
.
Đông Nam Á ồ ạt nhập quốc tịch cho VĐV nước ngoài:

Bức xúc cũng… bó tay!

Sau bóng đá, đến lượt bóng chuyền, điền kinh, bóng rổ ở khu vực Đông Nam Á ghi nhận Indonesia và Philippines là 2 quốc gia “máu lửa” nhất trong cuộc chạy đua nhập quốc tịch cho VĐV nước ngoài với tham vọng thâu tóm thành tích ngay tại đấu trường khu vực. Điều này tác động không nhỏ đến các nền thể thao láng giềng.

Điền kinh Philippines thâu tóm các cự ly ngắn ở Đông Nam Á nhờ VĐV người Mỹ gốc Philippines.
Điền kinh Philippines thâu tóm các cự ly ngắn ở Đông Nam Á nhờ VĐV người Mỹ gốc Philippines.

Không tốn công sức đào tạo, nhưng có thể thấy sau khi tuyên bố nhập quốc tịch cho cùng lúc 3 VĐV đến từ nước Mỹ, đội tuyển bóng chuyền nữ Philippines (chủ nhà của SEA Games 30 vào cuối năm nay) đã chính thức lên tiếng thách thức các đối thủ khác, kể cả với đội tuyển từng 2 lần vô địch châu Á là Thái Lan.

Ngoài chủ công Kalei Mau (sinh năm 1995, cao 1m88), người Mỹ gốc Philippines và được đào tạo từ Trường đại học Arizona, còn có cây chuyền hai Alohi Robins-Hardy (sinh năm 1995, cao 1m90) từng khoác áo CLB BIP đoạt ngôi á quân Cúp VTV9 Bình Điền. Gương mặt thứ ba chính là đối chuyền Mar-Jana Phillips (sinh năm 1995, cao 1m80) người Mỹ gốc Philippines, từng chơi bóng trong Trường đại học Juniata.

VĐV Quách Công Lịch (trái, Việt Nam) thường xuyên phải thi đấu với các VĐV người Mỹ gốc Philippines tại SEA Games.
VĐV Quách Công Lịch (trái, Việt Nam) thường xuyên phải thi đấu với các VĐV người Mỹ gốc Philippines tại SEA Games.

Các VĐV đến từ nền bóng chuyền hàng đầu thế giới và dù chỉ chơi cho các trường đại học tại Mỹ thì cũng vượt trội so với đa số VĐV thi đấu chuyên nghiệp ở Đông Nam Á. Điều này được chứng thực ở chính những giải đấu được tổ chức tại Philippines, Việt Nam hay Thái Lan mà các VĐV nói trên tham dự.

Tương tự như vậy, Philippines cũng sở hữu 2 VĐV nam chạy cự ly tốc độ hàng đầu Đông Nam Á là Eric Shauwn Cray và Trenten Anthony Beram đều là người Mỹ gốc Philippines, trước đây từng thi đấu ở nhiều giải chuyên nghiệp tại Mỹ và châu Âu. Malaysia cũng đang sở hữu VĐV bơi đường dài nổi tiếng Heidi Gan (sinh ra ở Australia).

Cho nên, việc họ đoạt HCV ở đấu trường SEA Games với trình độ vượt trội so với các VĐV khu vực không hề khó hiểu. Lâu nay VĐV Đông Nam Á khá bức xúc khi phải đương đầu với các VĐV nước ngoài được nhập quốc tịch Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore hay Malaysia, mà ồ ạt nhất chính là bóng đá.

Tiền vệ Thom Haye (trái, CLB Lecce) là ngoại binh mới nhập quốc tịch Indonesia và sẽ dự vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Tiền vệ Thom Haye (trái, CLB Lecce) là ngoại binh mới nhập quốc tịch Indonesia và sẽ dự vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.

Đội tuyển Philippines thậm chí từng ra sân ở Asian Cup, AFF Cup với đội hình 5 cầu thủ người Đức, 1 thủ môn Đan Mạch, 3 người Tây Ban Nha và tất nhiên đều có “gốc” Philippines (có ông bà hoặc cha, mẹ sinh ra tại Philippines). Đến mức, chính HLV Sven Goran-Eriksson nổi tiếng khi tiếp nhận vai trò HLV trưởng đội tuyển Philippines còn tỏ ra ngạc nhiên với lực lượng trong tay và cho biết ông tưởng tượng đang dẫn dắt một đội bóng ở… châu Âu chứ không phải ở Đông Nam Á!

Mới đây, báo Jakarta Globe tiết lộ Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) sẽ nhập quốc tịch cho… 8 cầu thủ mang 2 dòng máu Hà Lan và Indonesia để bước vào cuộc chạy đua ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á cùng các đối thủ UAE, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Trong số này, có cả những cầu thủ xuất thân từ các “lò” đào tạo nổi tiếng như Ajax Amsterdam (thủ môn Benjamin van Leer, trung vệ Tristan Gooijer), PSV (tiền vệ Vinnie Vermeer), cặp tiền vệ Thom Haye và Navarone Foor từng khoác áo đội U21 Hà Lan và hiện đang chơi cho CLB Lecce ở Italy và ở giải VĐQG Hà Lan , tiền vệ Joey Pelupessy (đang khoác áo CLB Sheffield Wednesday)…

Đội tuyển xứ vạn đảo mặc dù đã có khá nhiều cầu thủ nhập tịch nhưng vẫn muốn nâng chất cho lực lượng, với lại PSSI chỉ tốn không quá nhiều tiền để đào tạo nhưng vẫn có được “đội tuyển liên hợp quốc” thi đấu theo thời vụ (khi nào có giải mới tập trung).

Đoàn thể thao Việt Nam và nhiều nước khác từng phản ánh gay gắt, thậm chí là khiếu nại lên Hội đồng SEA Games về tính minh bạch của điền kinh Philippines, bóng bàn Singapore, bơi lội Malaysia, bóng đá Indonesia… và cho rằng như thế là thiếu tôn trọng luật chơi của khu vực. Việc nhập quốc tịch ồ ạt cho các VĐV nước ngoài gây ra cảnh cạnh tranh không lành mạnh, nhiều khi chênh lệch về đẳng cấp ở các môn mang tính chất đối kháng cá nhân.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.