Thứ Ba, 06/10/2020, 21:24 (GMT+7)
.

Chi hơn 1 tỷ bảng, Premier League như tách khỏi thế giới này

Trong khi cả thế giới vật lộn với cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, Premier League vẫn có thể ném 1,23 tỷ bảng để mua sắm cầu thủ. Dường như họ đang ở một thế giới khác.
 
Phiên chợ mùa hè ở Anh đã khép lại, sau khi hơn 1 tỷ bảng đã được 20 CLB Premier League chi ra cho 105 bản hợp đồng mới. Thật đáng kinh ngạc.
 
Chúng ta biết rằng bóng đá Anh, cũng như toàn thế giới, chao đảo vì đại dịch Covid-19. Doanh thu tụt giảm, mọi CLB buộc phải cắt giảm lương thưởng, sa thải nhân viên và một số đội thậm chí còn xin gói hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Tất cả nghĩ về một mùa hè chuyển nhượng ảm đạm.
 
Trên thực tế, nó đã xảy ra như vậy ở Ligue 1, Serie A, La Liga và Bundesliga. Cả bốn giải đấu này, sau khi cân đối thu chi, chi tiêu ròng đều dưới mức 50 triệu bảng. Cá biệt, La Liga và Bundesliga còn thu về khoản lợi nhuận nhỏ. Nghĩa là họ bán nhiều hơn mua.
 
Nhưng Premier League là một thế giới khác. Cuộc khủng hoảng tài chính không khiến các CLB ở giải đấu hàng đầu xứ sương mù ngừng mở ví. Với việc Arsenal chi ra 45 triệu bảng cho Thomas Partey, bản hợp đồng lớn vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, tổng chi tiêu của Premier League mùa hè này là 1,23 tỷ bảng. Lưu ý rằng tổng chi của ba giải Ligue 1, La Liga và Bundesliga cộng lại là 1,05 tỷ bảng, vẫn thấp hơn đáng kể.
 
Nếu trừ đi 412 triệu bảng từ việc bán đi, chi tiêu ròng của Premier League là 820 triệu bảng. Con số 1,23 tỷ bảng thấp hơn so với 1,4 tỷ bảng mùa hè 2019, nhưng thực chi một năm trước chỉ là 631 triệu đồng. Nhìn sâu hơn vào các bản hợp đồng, mùa hè này có tới 24 bản hợp đồng trị giá từ 20 triệu bảng trở lên, nhiều hơn 1 so với năm ngoái.
 
Cuộc chơi chuyển nhượng cũng không dành riêng cho những CLB lớn. Bạn sẽ bất ngờ nếu biết thực chi của đội bóng mới lên hạng Leeds là 96,4 triệu bảng, chỉ ít hơn Chelsea (155,9 triệu) và nhiều hơn mọi đội khác. Aston Villa, đội suýt xuống hạng mùa trước, cũng chi ra 74,1 triệu bảng, cao thứ 5 giải đấu.
 
Phong cách tiêu pha phóng tay của Premier League cũng thể hiện ở chi tiết, chỉ có ba CLB kiếm được chút lợi nhuận từ chuyển nhượng, là West Ham (100 nghìn bảng), Crystal Palace (2 triệu bảng) và Brighton (12,2 triệu bảng). Còn lại, đều chi vượt thu.
 
Trên khía cạnh bóng đá, hoạt động chuyển nhượng sôi nổi này giúp nâng cấp các đội bóng, khiến Premier League 2020/21 vốn đã rất thú vị sẽ còn hấp dẫn hơn nữa. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh cả xã hội đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính vì đai dịch Covid-19, có cái gì đó phải suy nghĩ.
 
Đáng buồn hơn khi rất nhiều đội trước đó đã cầu cứu chính phủ, bao gồm cả Liverpool và Tottenham, trước khi hai đội này rút lui vì vấp phải làn sóng chỉ trích từ người hâm mộ; hay những đội như Arsenal, mặc dù chi 77,4 triệu bảng cho việc mua sắm cầu thủ nhưng lại không có tiền để trả lương, dẫn đến hàng chục nhân viên bị sa thải, trong đó có Jerry Quy, người mang bộ đồ linh vật là chú khủng long Gunnersaurus.
 
Đáng buồn hơn, trong khi các đội bóng Premier League phóng tay mua sắm, nhiều CLB ở giải đấu thấp hơn đang lâm nguy. Mehmet Dalman, Chủ tịch Cardiff ở Championship nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính không có hồi kết có thể khiến một nửa số đội thuộc giải hạng 2 này có thể bị đem ra rao bán nếu không muốn rơi vào tình trạng phá sản.
 
Theo tính toán của Dalman, một đội như Cardiff tiêu tốn từ 2 đến 2,5 triệu bảng mỗi tháng để duy trì hoạt động trong khi không có nguồn thu từ bán vé, đồ lưu niệm và tour du lịch tham quan. Điều này không thể kéo dài mãi. Vậy mà, một mặt chi ra 1,23 tỷ bảng để mua cầu thủ, mặt khác, các CLB Premier League vẫn làm khó trong việc Championship sẽ được nhận khoản tiền cứu trợ 250 triệu bảng từ Liên đoàn bóng đá Anh.
 
Trong phần bình luận dưới bài viết “Cuộc khủng hoảng Covid-19 không làm vỡ bong bóng chi tiêu 1 tỷ bảng của Premier League” của tờ The Times, một độc giả bình luận rằng “đây là một trong những bài báo buồn nhất” ông từng đọc về bóng đá Anh, bởi nó chỉ cho thấy “sự tham lam và ảo tưởng”. Có lẽ, đó là nhận xét xác đáng.   
 
(Theo nhandan.com.vn)
 
 
.
.
.