Thứ Tư, 21/04/2021, 09:13 (GMT+7)
.

Người hâm mộ chính là người quyết định

(ABO) Việc 12 đại gia của bóng đá châu Âu công khai sáng lập một giải đấu mới là European Super League đang tạo nên những sự xáo trộn và có phần bối rối ở lục địa già.

Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, 12 câu lạc bộ (CLB) bao gồm: Manchester United, Manchester City, Arsenal, Chelsea, Tottenham, Liverpool, Juventus, AC Milan, Inter Milan, Real Madrid, Atletico Madrid và Barcelona đang dự định “ly khai” khỏi Champions League để tạo nên một sân chơi riêng cho mình.

Đến thời điểm hiện tại, Champions League vẫn đang là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh ở cấp độ CLB. Việc các “ông lớn” giàu thành tích nhất ở bóng đá châu Âu quyết định “ra riêng” là cú “tát” mạnh trực tiếp vào hệ thống bóng đá của châu Âu vốn đã được thành hình từ năm 1950 đến nay.

Tất nhiên, UEFA không dễ dàng chấp nhận sự ly khai của các CLB lớn khi mà gần như ngay lập tức có những phản ứng “mạnh mẽ” đến từ Ban lãnh đạo UEFA cũng như các liên đoàn thành viên. UEFA đã thông báo các đội tham dự European Super League sẽ bị cấm tham dự tất cả các giải đấu đấu do UEFA tổ chức từ cấp độ CLB cho đến đội tuyển quốc gia.

Các liên đoàn thành viên của UEFA như FA (Liên đoàn Bóng đá Anh) cũng có những động thái cứng rắn khi sẽ cấm thi đấu các đội bóng tham dự Premier League. Cùng với đó, UEFA còn muốn FIFA tham gia để có những chế tài rộng hơn ở cấp độ đội tuyển quốc gia có các cầu thủ tham dự European Super League.

Người hâm mộ chính là người quyết định trong cuộc tranh chấp giữa UEFA và European Super League. ẢNh: UEFA
Người hâm mộ chính là người quyết định trong cuộc tranh chấp giữa UEFA và European Super League. Ảnh: UEFA

Những hành động cứng rắn của UEFA chưa chắc sẽ hiệu quả và nhiều khả năng sẽ gây hiệu ứng ngược. Điều dễ nhận thấy nhất là các đội sáng lập European Super League là do không muốn tiếp tục tham dự Champions League nữa nên điều cấm đầu tiên của UEFA nhiều khả năng sẽ không có tính “răn đe”. Việc cấm các CLB và các cầu thủ tham dự các giải đấu của UEFA cũng như FIFA thì phần thiệt lớn nhất chưa chắc đã thuộc về các đội bị cấm.

Hãy thử tưởng tượng giải đấu lớn như Euro hay World Cup mà không có sự tham dự của những siêu sao như: Messi, Ronaldo, Kane, Pogba, Bruyne, Lukaku… thì có còn đủ sức hút để trở nên hấp dẫn. Với việc đã có thể tự tạo ra một giải đấu ở cấp CLB thì việc tổ chức giải đấu cấp đội tuyển quốc gia dành cho các siêu sao bóng đá sẽ là điều không khó đối với các “chóp bu” của các đội bóng lớn. Chưa kể, các đội tuyển quốc gia khi không thể triệu tập những cầu thủ tốt nhất của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chuyên môn cho nên việc cấm các cầu thủ sẽ khó được các liên đoàn thành viên thông qua.

Nếu nhìn sâu vào cuộc “ăn miếng, trả miếng” giữa UEFA và có thể sẽ có thêm FIFA với nhóm các đội bóng European Super League thì nguyên nhân chính là xung đột về lợi ích. 12 CLB thành lập European Super League chiếm phần lớn thị phần quảng cáo ở các giải bóng đá châu Âu. Lượng thương hiệu tài trợ và sức ảnh hưởng của các đội bóng kể trên không chỉ gói gọn ở châu Âu mà còn mở rộng ở toàn thế giới. Việc các đội bóng quyết định “ra chơi riêng” là để tối đa hóa giá trị kinh tế của mình.

Nhưng điều này lại ảnh hưởng trực tiếp đến UEFA và các liên đoàn thành viên. Một khoảng ngân sách lớn sẽ biến mất và chất lượng chuyên môn của các giải đấu cũng sẽ bị ảnh hưởng. European Super League nếu chính thức được tổ chức sẽ là một bước rẽ lớn nhiều khả năng làm thay đổi hoàn toàn thể thức tổ chức thi đấu của bóng đá châu Âu từ trước đến nay.

Còn một cuộc cạnh tranh khác thuộc phần chìm của “cuộc chiến phi pháp lý” này chính là cạnh tranh người hâm mộ. Phần lớn lượng “fan” hâm mộ bóng đá châu Âu và trên đoàn thế giới đều hướng về 12 CLB sáng lập European Super League. Bên cạnh những người ủng hộ, nhiều “fan ruột” của các CLB lớn đang phản đối việc thành lập một giải đấu mới nằm ngoài hệ thống thi đấu chung.

“Football is nothing without fans” (Bóng đá không là gì nếu không có khán giả) là câu nói nổi tiếng của Sir Matt Busby cựu HLV Manchester United sẽ là điều nhắc nhở đối với các bên trong cuộc tranh chấp giữa UEFA và  European Super League hiện tại. Sẽ không quá khi nói người hâm mộ chính là “trọng tài” quyết định thành bại của European Super League cũng như những biện pháp khống chế của UEFA.

Lượng người hâm mộ chính là “thỏi nam châm” thu hút giá trị kinh tế như: Bản quyền truyền hình, quảng cáo, tài trợ… nếu không còn người hâm mộ thì các CLB sẽ làm gì để “nuôi sống mình”. Do đó, bất kỳ quyết định hay chính sách nào chỉ quan tâm đến lợi ích đều sẽ không mang lại hiệu quả nếu không đặt người hâm mộ lên hàng đầu. Giải đấu thuộc bất kỳ cấp độ nào do ai tham gia hoặc liên đoàn nào tổ chức cũng sẽ “không là gì nếu không có khán giả”.

CAO THẮNG

.
.
.