Thứ Sáu, 16/04/2021, 10:12 (GMT+7)
.

Pencak Silat huyện Cái Bè: Đóng góp cho tỉnh nhiều vận động viên xuất sắc

Huyện Cái Bè có phong trào tập luyện bộ môn Pencak Silat khá phát triển, với nhiều võ sinh tập luyện thường xuyên và đóng góp cho thể thao tỉnh nhiều vận động viên (VĐV) xuất sắc.

Phong trào tập luyện Pencak Silat phát triển khá sớm ở huyện Cái Bè (năm 2009 đã có lớp tập luyện tại xã Hậu Mỹ Bắc A). Tuy nhiên, thời gian đầu phong trào tập luyện môn võ này gặp rất nhiều khó khăn.

Để phát triển thêm môn võ ở địa phương, năm 2012, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh (trước đây là Trung tâm Văn hóa - Thể thao) huyện Cái Bè tổ chức cho các huấn luyện viên trên địa bàn huyện tham gia lớp tập bộ môn Pencak Silat ở An Giang.

Các võ sinh tập luyện môn Pencak Silat ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Cái Bè.
Các võ sinh tập luyện môn Pencak Silat ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Cái Bè.

Nhờ đó, từ năm 2013 - 2018, phong trào tập luyện Pencak Silat trên địa bàn huyện được mở rộng ra các xã: Mỹ Hội, Đông Hòa Hiệp, Thiện Trung, Hậu Mỹ Phú, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hậu Thành và thị trấn Cái Bè, với hơn 300 võ sinh tham gia tập luyện mỗi ngày. Trong đó, các lớp tập luyện Pencak Silat ở xã Thiện Trí và xã Hậu Thành là đông nhất với hơn 50 võ sinh/lớp.

Lớp tập luyện Pencak Silat tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Cái Bè (thị trấn Cái Bè) do Chủ tịch Hội Pencak Silat tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Biết tổ chức từ nhiều năm nay có 32 học viên từ 6 đến hơn 20 tuổi tham gia tập luyện. Lớp tập luyện đều đặn tất cả các ngày trong tuần. Nhiều võ sinh đến với lớp cũng như bộ môn Pencak Silat đa phần qua lời bạn bè đã tập luyện kể lại.

Em Nguyễn Lê Tuấn Khanh (học sinh lớp 6, ở ấp An Hội, xã Đông Hòa Hiệp) chia sẻ: “Lúc mới tập, em rất bỡ ngỡ và có phần chán do môn võ này rất khác so với em tưởng tượng, mọi thứ đều khá lạ lẫm từ tên chiêu thức, các bài quyền cho đến các thế võ. Tuy nhiên, khi được thầy và các anh chị chỉ dẫn, em đã dần làm quen và thấy môn võ này có nhiều chiêu thức rất đẹp mắt và uyển chuyển”.

Lớp không chỉ có các võ sinh ở huyện Cái Bè, mà còn thu hút học sinh đến từ huyện Cai Lậy tham gia tập luyện. Em Trần Thị Ngọc Hà (học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Văn Sâm) chia sẻ: “Nhà em ở xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) khi đi học thấy lớp tập luyện võ Pencak Silat có nhiều chiêu thức đẹp nên đến đăng ký học. Việc học võ giúp em nâng cao thể lực, có sức khỏe tốt để học tập. Ngoài ra, em còn có thể tự vệ trước các tình huống xấu”.

Theo Chủ tịch Hội Pencak Silat tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Biết, dù đã phát triển rộng nhưng Pencak Silat vẫn không thu hút võ sinh mới bằng các môn võ khác trên địa bàn huyện Cái Bè. “Học sinh ngày nay phải học thêm quá nhiều nên không có thời gian tập luyện thể thao. Đây là khó khăn chung của phong trào tập luyện Pencak Silat cũng như nhiều môn võ khác. Lớp võ của tôi tổ chức liên tục tất cả các ngày trong tuần để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em có thể sắp xếp thời gian tập luyện. Tuy nhiên, nhiều em vẫn không thể đảm bảo giờ tập do phải đi học thêm” - ông Biết cho biết

Dù còn khó khăn trong tạo nguồn VĐV nhưng Pencak Silat là một trong những môn mang về nhiều thành tích cho thể thao huyện Cái Bè như đoạt 8 Huy chương Vàng tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Tiền Giang năm 2018. Cùng với đó, lớp năng khiếu tuyến 3 bộ môn Pencak Silat tổ chức tại huyện Cái Bè cũng cho thấy sự hiệu quả khi đóng góp từ 2 - 3 VĐV năng khiếu cho tỉnh. Nhiều VĐV đã phát triển thành các VĐV chủ lực mang về nhiều thành tích cho thể thao tỉnh như: Phạm Thành Tâm, Văn Công Quốc, Mai Thiên Hậu, Lê Thị Nguyên Gấm…

Nhằm phát triển phong trào tập luyện Pencak Silat ngày càng sâu rộng, hằng năm Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Cái Bè tổ chức Giải Pencak Silat mở rộng với hơn 100 VĐV đến từ các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… tham gia thi đấu, để môn võ này ngày càng gần gũi và phổ biến trên địa bàn huyện.

CAO THẮNG

.
.
.