Thứ Ba, 29/06/2021, 10:10 (GMT+7)
.
BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH NĂM 2020 - 2021:

Chuyện về người 40 năm gắn bó với thể thao Tiền Giang

(ABO) Đó là anh Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện - Thi đấu (ĐT-HL-TĐ) Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Tiền Giang đã có hơn 40 năm gắn bó cùng sự nghiệp thể thao Tiền Giang.

Trong suốt thời gian này, anh Trần Phát Tài đã trải qua nhiều vị trí công việc từ vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) cho đến cán bộ quản lý. Dù ở vị trí nào, anh cũng có những đóng góp cho thể thao tỉnh nhà bằng niềm đam mê và sự nhiệt huyết.

 THEO ĐUỔI ĐAM MÊ

Năm 1976, chàng thiếu niên 13 tuổi Trần Phát Tài được người cậu ruột tặng đôi vợt đánh bóng bàn và bắt đầu tập luyện bộ môn bóng bàn, lúc bấy giờ phong trào chơi môn thể thao này đang rất phát triển. Với niềm đam mê thể thao có sẵn, anh Tài tham gia tập luyện bóng bàn cùng với các bạn trong trường học thông qua các hoạt động do Đội Thiếu niên nhà trường phát động.

Anh chia sẻ: “Tôi đã “bám theo” các bạn cùng trang lứa và những đàn anh đi trước để tập luyện, vì bộ môn bóng bàn rất khó để “làm quen”. Dần dà, tôi bắt đầu yêu thích và quyết tâm theo đuổi bộ môn này để phát triển chuyên nghiệp”.

Lúc đó, anhTài còn tham gia tập luyện bóng bàn tại Câu lạc bộ Bóng bàn Châu Diều ở phường 1, TP. Mỹ Tho. Tại đây, anh được tập luyện cùng nhiều đàn anh có nhiều kinh nghiệm và sau này trở thành những VĐV bóng bàn chuyên nghiệp của tỉnh Tiền Giang như VĐV Mai Xuân Lộc hay nhiều VĐV bóng bàn khác.

Giám đốc Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh cùng với HLV Đội tuyển Bóng bàn chỉ đạo VĐV thi đấu.
Anh Trần Phát Tài (ở giữa) cùng với HLV Đội tuyển Bóng bàn chỉ đạo VĐV thi đấu.

Khi học tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, anh đã đoạt danh hiệu vô địch Bóng bàn cấp trường. Nhờ đó, anh đã vinh dự đại diện trường tham dự Giải Bóng bàn TP. Mỹ Tho và được tuyển chọn tham dự Giải Bóng bàn cấp tỉnh. Với thành tích nổi bật, anh Tài được tuyển chọn vào Đội tuyển trẻ Bóng bàn tỉnh Tiền Giang những năm 1980 - 1981. Trong giai đoạn này, anh cùng các đồng đội đã thi đấu và đoạt chức Vô địch Đồng đội Giải Bóng bàn trẻ khu vực VI vào năm 1981.

Mặc dù khi ấy, sự nghiệp VĐV đang trong giai đoạn phát triển nhưng anh có quyết định quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của mình sau này là thi vào học Cao đẳng TDTT ở TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem là quyết định có phần “ngược đời” khi đa phần các VĐV ưu tiên phát triển sự nghiệp VĐV trước, rồi mới tập trung cho việc học sau. "Do gia đình có truyền thống là giáo viên nên ai cũng mong muốn tôi ưu tiên việc học và theo nghề để có tương lai ổn định, vì đời VĐV rất ngắn và nhiều bấp bênh. Và việc theo học Cao đẳng TDTT là quyết định giúp tôi có thể tiếp tục niềm đam mê thể thao của mình nhưng vẫn đảm bảo cho tôi có việc làm ổn định nếu thất bại” - anh chia sẻ.

 "HỒI SINH" CHO BÓNG BÀN TIỀN GIANG

Với khả năng chuyên môn và tâm huyết với nghề, năm 1985 anh Trần Phát Tài được nhận vào công tác tại Sở TDTT Tiền Giang (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang). Và đến cuối năm 1986, anh đươc Ban Giám đốc Sở phân công nhiệm vụ làm Trưởng Bộ môn Bóng bàn.

Giai đoạn đó, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Tiền Giang chưa được thành lập nên công tác tuyển chọn, tạo nguồn VĐV trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tuyển chọn VĐV cho các cấp Đội tuyển Bóng bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn này được thực hiện thông qua các giải đấu Bóng bàn cấp tỉnh. Năm 1991, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Tiền Giang được thành lập anh được Ban Giám đốc Sở TDTT Tiền Giang giao nhiệm vụ làm HLV Trưởng Đội tuyển Bóng bàn tỉnh Tiền Giang.

Trong vai trò mới, anh đã phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Tiền Giang tham mưu Sở TDTT lập kế hoạch xây dựng lớp năng khiếu, củng cố các tuyến Đội tuyển Bóng bàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó, việc phát triển và tuyển chọn VĐV năng khiếu được hướng về các trường học nơi có nguồn VĐV năng khiếu có tiềm năng lớn, tạo nền tảng và mở ra giai đoạn phát triển mới cho Bóng bàn Tiền Giang.

Nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Hồ Đắc Việt Thanh, người có thời gian dài công tác cùng đồng chí Trần Phát Tài, cho biết: “Đồng chí Tài rất tâm huyết với bộ môn Bóng bàn và thể thao tỉnh nhà. Trong vai trò HLV trưởng, đồng chí Tài đã xông xáo, tranh thủ các mối quan hệ công tác để tạo cơ hội tổ chức các giải đấu lớn tại tỉnh Tiền Giang, góp phần tăng thêm vị thế bộ môn Bóng bàn nói riêng và uy tín của thể thao Tiền Giang nói chung trong cả nước”.

Với vai trò là HLV trưởng Đội tuyển Bóng bàn tỉnh Tiền Giang, từ mối quan hệ công tác của mình đã đề xuất Sở TDTT tham mưu UBND tỉnh tổ chức giải bóng bàn giao hữu có sự tham gia của Đội tuyển Bóng bàn tỉnh Tiền Giang với Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam và Đội tuyển Bóng bàn Malaysia. Đề xuất được xem là có phần “táo bạo” vào thời điểm đó, mà đến tận bây giờ anh vẫn cho rằng đó là quyết định có phần liều lĩnh.

Giải đấu với kế hoạch chi tiết và cụ thể được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt và tổ chức vào năm 1996 tại Nhà Thi đấu - Nhà Thiếu nhi tỉnh Tiền Giang. Giải đấu đã thành công ngoài mong đợi khi thu hút đông đảo người dân đến theo dõi tất cả các trận đấu dù sức chứa của nơi tổ chức giải chỉ khoảng 500 chỗ.

Giải đấu góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Tiền Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, giải đấu còn tăng thêm uy tín cho thể thao Tiền Giang đối với Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Nhờ đó, Tiền Giang được Tổng cục TDTT tin tưởng giao tổ chức các giải đấu lớn toàn quốc sau đó như: Giải Vô địch Bóng bàn Đội mạnh toàn quốc (năm 2000), Giải Vô địch Bóng bàn Thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (năm 2004, năm 2007). Đặc biệt, Tiền Giang đã vinh dự được Tổng cục TDTT giao tổ chức Giải Bóng bàn - Đại hội Thể thao toàn quốc làn thứ VI - năm 2010.

Giám đốc Trung tam ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh cổ vũ các VĐV thi đấu tại Giải Bóng bàn - Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII.
Giám đốc Trung tam ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Trần Phát Tài (bài phải, ảnh trên) cổ vũ các VĐV thi đấu tại Giải Bóng bàn - Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Phát Tài, Đội tuyển Bóng bàn tỉnh Tiền Giang có giai đoạn “vàng son” khi Bóng bàn trẻ Tiền Giang thuộc tốp các đội mạnh từ năm 1998 đến năm 2010, trong đó có nhiều năm đứng hạng Nhì và hạng Ba toàn quốc.

Anh Tài cũng đã đồng hành cùng với Đội tuyển Bóng bàn tỉnh Tiền Giang trong hai dấu ấn đặc biêt. Năm 2007, được Ban Huấn luyện Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam phân công chỉ đạo thi đấu cặp VĐV Lý Tiểu Lâm (Tiền Giang) và Nguyễn Hoàng Chung (Hải Dương) đoạt Huy chương Đồng tại Giải Vô địch trẻ châu Á diễn ra tại Hàn Quốc. Đây được xem là tấm huy chương lịch sử đầu tiên khi Bóng bàn trẻ Việt Nam đoạt được ở đấu trường châu lục.

Còn năm 2012, Đội Bóng bàn Tiền Giang đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng đồng đội nữ ở Giải Vô địch Bóng bàn Quốc gia 2012. Qua đó, Tiền Giang là đơn vị đầu tiên và duy nhất ngoài các đơn vị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Quân đội đoạt Huy chương Vàng ở nội dung đồng đội nữ ở giải thi đấu bóng bàn này. Tấm Huy chương Vàng đã khiến anh Tài vui mừng sung sướng đến rơi nước mắt.

Dù đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận và đóng góp to lớn vào quá trình hồi sinh bóng bàn tỉnh nhà nhưng anh cho rằng, đây là thành tích của cả tập thể, bản thân anh chỉ may mắn khi được sự hỗ trợ, động viên của lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo Sở TDTT Tiền Giang và sau này là Sở VH-TT&DL Tiền Giang để cùng các VĐV mang về thành tích cho tỉnh nhà.

ĐƯA THỂ THAO TIỀN GIANG PHÁT TRIỂN

Năm 2008, Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang được thành lập và anh Trần Phát Tài được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang. Năm 2012, anh được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang sau những tâm huyết và nỗ lực không biết mệt mỏi vì sự nghiệp TDTT tỉnh nhà.

Anh cho biết, Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang những năm đầu mới thành lập gặp nhiều khó khăn khi chế độ, chính sách và cơ chế đãi ngộ dành cho các VĐV chưa thực sự hoàn chỉnh. Do đó, nhiều VĐV đã rời trung tâm để đầu quân cho các trung tâm khác có mức đãi ngộ cao hơn để ổn định cuộc sống.

Trước vấn đề này, anh cùng Ban Giám đốc trung tâm nghiên cứu các chính sách, nghị quyết của Quốc hội, HĐND tỉnh để tham mưu Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh xây dựng các cơ chế đảm bảo chế độ đãi ngộ các VĐV; đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất thi đấu, tập luyện, nghỉ ngơi để các VĐV an tâm tập luyện mang thành tích cho tỉnh nhà.

Giám đốc Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh dẫn đầu Đoàn Thể thao Tiền Giang diễu hành tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ VII.
Dẫn đầu Đoàn Thể thao Tiền Giang diễu hành tại Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII.

Đặc biệt, trong thời gian công tác ở Ban Giám đốc Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang, anh Tài đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn về chủ trương phát triển thể thao trong nước và quốc tế, tham mưu Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang thành lập nhiều bộ môn thể thao thành tích cao mới. Anh Tài chia sẻ: “Có khoảng thời gian Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang bị gọi là “Trung tâm võ thuật” khi chưa đa dạng các bộ môn thi đấu. Do đó, tôi nghĩ rằng phải tìm cách làm sao để thể thao tỉnh nhà có thêm nhiều bộ môn mới nhưng phải phù hợp để cạnh tranh với các tỉnh, thành khác chứ không phải thành lập cho có”.

Với suy nghĩ đó, Ban Giám đốc Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang tham mưu Sở VH-TT&DL thành lập 6 bộ môn mới trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018 gồm: Thể hình (năm 2009), Vovinam (năm 2009), Cử tạ (năm 2011), Boxing (năm 2013), Bơi lội (đội trẻ, năm 2018), Rowing (phối hợp Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia - Cần Thơ, đội trẻ, năm 2018).

Qua đó, các bộ môn đã mang về nhiều thành tích cho thể thao Tiền Giang tại các đấu trường lớn ở trong nước và thế giới với các VĐV tiêu biểu như: Lê Bá Trang, Huy chương Vàng - Giải Vô địch thể hình châu Á; Trần Thị Oanh Nhi, Huy chương Bạc - Giải Vô địch châu Á; Ngô Sơn Đỉnh, Huy chương Vàng Olympic trẻ, Huy chương Vàng - Giải Vô địch trẻ châu Á; Lê Thị Kim Trúc và Võ Thị Yến Phương, Huy chương Đồng - Giải Đua thuyền Rowing máy Vô địch Quốc gia 2020…

Từ đó, thể thao thành tích cao của Tiền Giang đã cho thấy sự chuyển mình và phát triển đa dạng, bền vững cả về chất và lượng, góp phần lớn vào việc Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh Tiền Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 đến năm 2018.

Giám đốc Trung tâm ĐT-HL-TĐ TDTT tỉnh  Trần Phát Tài (ở giữa) khảo sát công trình Dự án Khu thể thao dưới nước tỉnh Tiền Giang.
Anh Trần Phát Tài (ở giữa) khảo sát công trình Dự án Khu thể thao dưới nước tỉnh Tiền Giang.

Ngoài công tác chuyên môn, anh Tài thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các HLV, VĐV để kịp thời nắm bắt những khó khăn mà các HLV, VĐV gặp phải, anh được xem là “cổ động viên” trung thành và sôi nổi của các đội tuyển thể thao tỉnh nhà.

Cụ thể như năm 2018, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại Hà Nội, anh gần như liên tục di chuyển để kịp thời cổ vũ, động viên các HLV và VĐV thi đấu không hề thua kém bất kỳ “cổ động viên” nào để truyền lửa cho các VĐV trên sàn đấu. Những hành động tưởng chừng là “đương nhiên đó” lại ẩn chứa sự đam mê và nhiệt huyết của anh dành cho thể thao.

CAO THẮNG

 

.
.
.