.
ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM:

Làm gì để không rơi vào vòng luẩn quẩn 10 năm?

Cập nhật: 07:39, 01/01/2022 (GMT+7)

Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã khép lại năm 2021 không thực sự thành công vì vẫn chưa có điểm ở Vòng loại World Cup 2022 và dừng chân ở bán kết AFF Cup 2020 - một bước khựng lại, khiến những người hâm mộ gợi nhớ lại vòng luẩn quẩn 10 năm của bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam dù luôn được xem là đội bóng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ở AFF Cup chỉ mới 3 lần giành quyền vào chơi ở trận chung kết vào các năm 1998, 2008 và 2018. Trong đó, các cầu thủ Việt Nam giành được chức Vô địch 2 lần vào năm 2008 và 2018. Thế nhưng, Đội tuyển Việt Nam phải mất đến 10 năm mới có thể giành được quyền vào chơi 1 trận chung kết ở AFF Cup.

Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) đang cho thấy sự hụt hẫng về lực lượng tiếp nối.
Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) đang cho thấy sự hụt hẫng về lực lượng tiếp nối.

Nếu so với các đối thủ khác ở khu vực Đông Nam Á thì thành tích này của Đội tuyển Việt Nam khá khiêm tốn, vì Thái Lan có 9 lần (5 lần Vô địch, 2 lần Vô địch liên tiếp 2000, 2002 và 2014, 2016). Thống kê về thành tích ở giải đấu lớn nhất khu vực cho thấy sự thiếu ổn định của Đội tuyển Việt Nam. Đội tuyển Việt Nam đang mất rất nhiều thời gian để tạo nên một thế hệ vàng. Dù vậy, việc duy trì thế hệ vàng và thế hệ tiếp nối vẫn là vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam.

Thành công của Đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup đều gắn với các thế hệ vàng như: Huỳnh Đức, Hồng Sơn (năm 1998); Công Vinh, Minh Phương (năm 2008); Quang Hải, Công Phượng (năm 2018). Sau thế hệ vàng, Đội tuyển Việt Nam chỉ là cái bóng của mình và loay hoay để tìm cách vực dậy.

Nếu những người làm bóng đá ở Việt Nam không thể tìm ra giải pháp đồng bộ thì bóng đá Việt Nam rất dễ rơi vào “vòng lặp lại 10 năm” trước đây. Cụ thể, vấn đề về nhân sự thay thế đã bộc lộ rất rõ ở chiến dịch AFF Cup của Đội tuyển Việt Nam. Sự thiếu vắng của các trụ cột: Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu… đã để lại những khoảng trống không thể thay thế trong đội hình của Đội tuyển Việt Nam. Những cầu thủ không có phong độ tốt như Hồng Duy, Văn Thanh… vẫn được Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo sử dụng, bởi lẽ HLV người Hàn Quốc không có quá nhiều lựa chọn cho mình.

Việc các cầu thủ trẻ của Việt Nam gần như có rất ít cơ hội được ra sân ở V-League nên sẽ khó đảm bảo phong độ và yêu cầu chiến thuật khi ở Đội tuyển. Với hàng công của Đội tuyển Việt Nam ở giải đấu vừa qua, đã gây thất vọng cũng do thiếu nhân sự thay thế. Bộ khung các cầu thủ tấn công của Việt Nam trong những năm qua gần như bó cứng ở các cầu thủ: Công Phượng, Tiến Linh, Đức Chinh, Văn Đức, Quang Hải… Một hàng công không thể đổi mới thì việc bị các đối thủ “bắt bài” là điều dễ hiểu. Vấn đề thiếu tiền đạo đã được HLV Park Hang-seo nêu lên nhiều lần. Tuy nhiên, việc các tiền đạo người Việt thiếu đất diễn tại V-League vẫn là vấn đề kéo dài trong suốt những năm qua.

Chính sự hụt hẫng về lực lượng khiến bóng đá Việt Nam thường hay bị khựng lại khi qua một thời kỳ thế hệ vàng. Ở thời điểm hiện tại, việc tìm ra các cầu thủ chất lượng để tiếp nối thế hệ hiện tại của Đội tuyển Việt Nam vẫn đang là dấu hỏi lớn. SEA Games 31 sắp tới sẽ là “bài kiểm tra” để kiểm định chất lượng đào tạo thế hệ tiếp nối của bóng đá Việt Nam. Những gương mặt mới toanh sẽ tiếp nối những Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh… để bảo vệ tấm Huy chương Vàng mà phải mất rất lâu bóng đá Việt Nam mới có được.

Nhìn chung, bóng đá Việt Nam cần phải có những giải pháp cụ thể, hiệu quả và đồng bộ hơn nữa để thoát vòng luẩn quẩn 10 năm qua.

CAO THẮNG

.
.
.