Thứ Sáu, 17/03/2023, 11:22 (GMT+7)
.

V-League cũng cần hướng đến World Cup

Hành trình tìm tấm vé dự World Cup không chỉ có sự nỗ lực của HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia và các cầu thủ, mà cần có sự đồng hành của giải đấu quốc nội. V-League vốn là nền tảng và cơ sở để tạo nên những cầu thủ xuất sắc nhất cho đội tuyển cũng cần có những bước tiến để hướng đến World Cup.

HLV Troussier trong cuộc họp báo gần nhất cho rằng, các cầu thủ Việt Nam cần phải thi đấu nhiều hơn ở đấu trường quốc nội với trung bình từ 40 - 50 trận mỗi mùa. Khi đó, các cầu thủ sẽ duy trì được phong độ và thể lực mỗi lần tập trung đội tuyển.

Hiện tại, mỗi đội ở V-League thi đấu 26 trận mỗi mùa nếu đi sâu ở Cúp Quốc gia thì sẽ được thêm 5 trận đấu nữa. Giải hạng Nhất và hạng Nhì có số đội thi đấu còn ít hơn khiến cho số lượng trận đấu này là không nhiều.

Nếu so với các giải đấu khác như ở Thai League (Thái Lan) thì giải đấu này có đến 16 đội tham dự với 30 trận mỗi mùa. Cùng với đó, giải hạng 2 của Thái Lan có 18 đội tham dự với 36 trận đấu. Qua đó, Cúp Quốc gia sẽ trở nên dài hơi và sự cọ xát của các cầu thủ sẽ nhiều hơn.

V-Leauge  vẫn đang  khác biệt với các giải đấu  hàng đầu ở  khu vực và  châu lục.  Ảnh: Vietnamnet.vn
V-Leauge vẫn đang khác biệt với các giải đấu hàng đầu ở khu vực và châu lục. Ảnh: Vietnamnet.vn

Cùng với đó, việc điều hành lịch thi đấu của V-League cũng khác với phần còn lại của bóng đá khu vực và châu lục. V-League chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 1 năm từ đầu năm và kết thúc vào cuối mùa hè. Trong khi đó, các nước khác tổ chức thi đấu vào mùa thu và kết thúc vào đầu mùa hè năm sau với khoảng nghỉ vào mùa Đông.

Lịch thi đấu của V-League trùng vào các sự kiện lớn thường niên của bóng đá thế giới hay các ngày FIFA Day nên giải đấu thường xuyên tạm hoãn. Như ở V-League 2023, các đội sau khi thi đấu 4 vòng đấu đã phải tạm hoãn hơn 1 tháng để nhường chỗ cho U20 Việt Nam dự giải châu Á và U23 Việt Nam tập trung để chuẩn bị cho SEA Games và Đội tuyển Việt Nam tập trung ngắn hạn.

Việc tạm hoãn vì đội tuyển trẻ tập trung là điều rất hiếm gặp ở các giải đấu chuyên nghiệp và V-League từ lâu vốn đã không phải là “sàn diễn” dễ dàng dành cho bất kỳ cầu thủ trẻ nào. Do đó, các cầu thủ có mật độ thi đấu khá ít khi 4 tháng trôi qua chỉ thi đấu chính thức được 4 trận đấu. Nhịp độ thi đấu khá “nhẹ nhàng” này sẽ khó giúp cho các cầu thủ duy trì được đỉnh cao phong độ, chưa nói đến việc nâng cao.

Một điểm quan trọng khác của V-League là sự hội nhập với các thể thức thi đấu mới. Khi các giải đấu đỉnh cao ở châu lục và thế giới đều đã áp dụng VAR trong thi đấu. Ở Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore cũng đã áp dụng VAR trong điều hành trận đấu. Trong khi đó, V-League vẫn là nơi có nhiều tranh cãi về những quyết định của trọng tài cũng như những va chạm quá mức cần thiết và chưa có sự tham gia của VAR.

Do đó, khi các cầu thủ tham gia các giải đấu lớn có phần bỡ ngỡ và cóng chân trước các công nghệ mới được áp dụng. Như ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Đội tuyển Việt Nam nhiều lần bị bắt phạt bởi các lỗi hành vi vốn dĩ nếu thi đấu ở V-League sẽ không bị phát hiện.

Có thể nói rằng, nếu muốn Việt Nam xuất hiện ở World Cup 2026, thì V-League cũng cần hướng tới giải đấu lớn nhất hành tinh ngay từ bây giờ. Sự hội nhập và nâng cấp của giải đấu quốc nội sẽ giúp cho các cầu thủ được rèn luyện và thi đấu bản lĩnh hơn ở các giải đấu lớn.

CAO THẮNG

.
.
.