Thứ Hai, 09/04/2012, 15:40 (GMT+7)
.

Nâng giá trị cây dừa là nâng thu nhập của người dân

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị tỉnh Bến Tre, các tỉnh trồng dừa và các bộ, ngành liên quan quan tâm hơn đến việc quy hoạch phát triển vườn dừa trong thời gian tới ở những vùng đất thích hợp;;

Đầu tư nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng giống dừa cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn, sản phẩm dừa ngày càng phong phú, đa dạng để không ngừng nâng cao thu nhập cho người trồng dừa.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cần chú trọng đến các làng nghề sản xuất sản phẩm từ dừa, gắn với phát triển du lịch để tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Ngày 6-4, trong khuôn khổ Festival Dừa lần thứ III- năm 2012, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết, việc đưa cây dừa vào trong danh mục giống của quốc gia trong năm vừa qua thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đến cây dừa.

Tuy nhiên, để ngành Dừa phát triển mạnh thì khâu nguyên liệu chế biến cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Các tháng vừa qua, giá dừa giảm mạnh, người dân chỉ biết ngậm ngùi bán đổ, bán tháo. Các ngành, các cấp vẫn chưa có động thái gì hỗ trợ nông dân.

Theo ông Sang, tỉnh Bến Tre vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy và các cơ sở chế biến dừa trên địa bàn. Do đó việc mở rộng, nâng cao chất lượng vườn dừa là điều cần làm.

Bên cạnh đó, có tới 60% vườn dừa ở Bến Tre đã già cỗi. Việc thay thế bằng các giống dừa chất lượng cao trong thời gian tới cũng cần sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương.

Quang cảnh Lễ khai mạc Festivsl Dừa Bến Tre lần thứ III - 2012.
Quang cảnh lễ khai mạc Festival Dừa Bến Tre lần thứ III - 2012.

Ông Trương Minh Nhựt, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre đề nghị: “Bộ NN&PTNT cần xem xét kiến nghị Trung ương công nhận cây dừa là cây công nghiệp để có chiến lược quốc gia và chính sách phát triển toàn diện.

Song song đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, xuất khẩu dừa vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để triển khai thu mua dừa trái tạm trữ. Điểm yếu hiện nay là chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt đoạn, không phối hợp, gắn kết chặt chẽ và bền vững.

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất nước ta, với hơn 52.000 ha, sản lượng khoảng 400 triệu trái/năm, chiếm 35% sản lượng dừa cả nước.

Giá trị các sản phẩm từ dừa chiếm 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm từ dừa của Bến Tre được xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Do vậy, các DN cần nghiên cứu phương thức ký kết hợp đồng với người trồng dừa và có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà vườn và DN để tạo sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ; đảm bảo quyền lợi hai bên là con đường duy nhất để tồn tại trong cơ chế thị trường”.

Nghiên cứu của dự án DBRP cho thấy, người sản xuất không có điều kiện để mua giống tốt, năng suất cao ở các trung tâm sản xuất giống cây trồng nên buộc phải mua giống ở địa phương, năng suất thấp, không hiệu quả.

Theo nhóm nghiên cứu của dự án DBRP, việc xây dựng các cơ sở kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ dừa là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa. Đa số các hộ trồng dừa tham gia tổ hợp tác đều có thể tăng thu nhập từ việc bán sản phẩm dừa tập trung với giá cả tương đối ổn định.

SĨ NGUYÊN

.
.
.