Thứ Sáu, 27/07/2012, 10:10 (GMT+7)
.
Bản đồ khu vực đông nam châu Á, tây nam Thái Bình Dương:

Có tên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng tiếng Việt

TS
TS Hoàng Ngọc Lâm. Ảnh: Internet

TS Hoàng Ngọc Lâm, phó cục trưởng Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết: Phần lãnh thổ Việt Nam với địa danh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa viết bằng tiếng Việt thuộc chủ quyền VN được cung cấp tại website của Ủy ban Địa danh Úc (www.icsm.gov.au/cgna/ungegn.html).

Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam đã tham gia dự án “Bản đồ toàn cầu” do Liên Hiệp Quốc khởi xướng nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu địa lý thống nhất toàn thế giới. Phần dữ liệu bản đồ VN được gửi và được cung cấp trên trang web của Ủy ban quốc tế về bản đồ toàn cầu (ISCGM - www.iscgm.org).

Theo đánh giá của ISCGM, dữ liệu của Việt Nam là một trong những dữ liệu được tải xuống và sử dụng nhiều thứ hai (sau dữ liệu của Nhật Bản). Điều đó chứng tỏ thế giới rất quan tâm tới bản đồ của Việt Nam và chắc chắn qua đó những thông tin về lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ được phổ biến rộng rãi hơn. Hiện ISCGM có thông báo tới các nước về kế hoạch cập nhật dữ liệu bản đồ toàn cầu và chúng tôi đang chuẩn bị dữ liệu để gửi.
 
Cục cũng đã tham gia dự án địa giới hành chính cấp 2 - một dự án của Liên Hiệp Quốc với mục tiêu cung cấp địa giới hành chính cấp 2 (tương đương cấp huyện) của các quốc gia làm nền tảng cho việc sưu tập, quản lý, phân tích, hình dung và chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Ngoài việc phục vụ cho các cơ quan bản đồ quốc gia của thế giới, bản đồ này còn cung cấp cho Liên Hiệp Quốc và các cơ quan sử dụng địa danh chuẩn hóa trong công việc. Năm 2010, cục đã thực hiện cập nhật và gửi cho Liên Hiệp Quốc bảng thống kê các đơn vị hành chính đến cấp huyện của Việt Nam, trong đó có các địa danh quần đảo “Hoàng Sa” thuộc TP Đà Nẵng, quần đảo “Trường Sa” thuộc tỉnh Khánh Hòa và được thông báo đưa vào sử dụng từ tháng 1-2011.

TS
Phần lãnh thổ Việt Nam với địa danh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa viết bằng tiếng Việt thuộc chủ quyền VN được cung cấp tại website của Ủy ban Địa danh Úc (www.icsm.gov.au/cgna/ungegn.html). Ảnh: Tuoitre

Năm 2009, Ủy ban Địa danh Úc, đại diện của UNGEGN, chủ tịch nhóm chuyên gia về địa danh khu vực đông nam châu Á, tây nam Thái Bình Dương đã hoàn thành bản đồ địa danh được sửa đổi so với bản đồ trước đó và từ điển địa danh khu vực đông nam châu Á, tây nam Thái Bình Dương. Trong các tài liệu này, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều ghi bằng tiếng Việt và thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
Dự án địa giới hành chính cấp 2 liên quan chặt chẽ đến các sản phẩm của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về địa danh (UNGEGN). Trong khi đó, với tư cách là đại diện của Việt Nam tham dự các phiên họp của UNGEGN, Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam đề nghị UNGEGN ghi địa danh quần đảo “Hoàng Sa” và “Trường Sa” bằng tiếng Việt trên bản đồ địa danh khu vực đông nam châu Á, tây nam Thái Bình Dương và được tổ chức này chấp nhận.

Việc thuyết phục UNGEGN chấp nhận ghi hai quần đảo này trên bản đồ địa danh khu vực bằng tiếng Việt là một trong những đóng góp của cục trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
 
Hiện cục đang triển khai công tác chuẩn hóa địa danh Việt Nam thuộc khu vực các tỉnh Trung bộ. Đồng thời, bước đầu triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đại địa danh Việt Nam để gửi Liên Hiệp Quốc theo đề nghị của UNGEGN.

Các thông tin cơ bản của đại địa danh Việt Nam sẽ bao gồm: địa danh viết bằng tiếng Việt, địa danh viết bằng tiếng Anh, phát âm địa danh bằng tiếng Việt và sáu ngôn ngữ quốc tế, tọa độ địa lý của địa danh, hình ảnh về địa danh...

Chuẩn hóa địa danh Việt Nam để cung cấp cho Liên Hiệp Quốc là công việc hết sức quan trọng và có ý nghĩa, nó sẽ được làm cơ sở để sử dụng trên các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm của tổ chức này, là điều kiện để quảng bá hình ảnh, chủ quyền Việt Nam trên toàn thế giới.

HỮU CHÍ

(Tổng hợp)

.
.
.