Thứ Hai, 19/11/2012, 15:40 (GMT+7)
.

Kỷ vật độc đáo

Ngắm nhìn tác phẩm “Cây kiểng khô” được tạo dáng bởi bàn tay “nhà điêu khắc miệt vườn” Võ Văn Dậu (ấp Lộ Ngang, xã Bình Đức, huyện Châu Thành) tuy không cầu kỳ, nhưng tác phẩm phần nào toát lên vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó. Tác phẩm có chiều dài 1,15m, chiều rộng nhất 0,3m được đục đẽo tạo hình rồng xoắn lượn trên thân gốc tre.

Tác phẩm
Tác phẩm "Cây kiểng khô".

Theo lời kể của ông Võ Văn Dậu thì vào thời kỳ 9 năm chống Pháp (1945-1954), Bình Đức là một xã có vị trí chiến lược quan trọng. Lực lượng Việt Minh tại xã phát triển rất mạnh, trong thời gian này có ông Huỳnh Văn Điểu là thủ lĩnh phong trào Việt minh tại xã.

Ông Điểu đã lãnh đạo nhân dân tổ chức nhiều cuộc đấu tranh gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Nhằm dập tắt sự nổi dậy của những người yêu nước, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc càn quét, khủng bố các phong trào đấu tranh do mặt trận Việt minh xã lãnh đạo.

Để bảo toàn lực lượng, ông Điểu cùng đồng đội tổ chức đào hầm bí mật để vừa đấu tranh, vừa có chỗ ẩn náu khi gặp hiểm nguy. Hầm bí mật được đào cạnh bụi tre, lâu ngày bụi tre ăn rễ sâu xuống dưới hầm tạo thành hình hang động và một số hình thù kỳ lạ rất sinh động.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 7-1975, ông Võ Văn Dậu tiếp nhận khu đất để trồng trọt, chăn nuôi. Trong quá trình khai phá, tình cờ ông phát hiện hầm bí mật có nhiều hình thù rễ tre ngộ nghĩnh. Ông đã đào, cắt mang về và ra công cắt xén, đục đẽo một cách tỉ mỉ tạo thành tác phẩm đẹp mắt để chưng chơi.

Sau này nhân dịp có đoàn cán bộ Bảo tàng đi sưu tầm những kỷ vật kháng chiến, ông Dậu đã vui vẻ tặng lại tác phẩm “Cây kiểng khô” này cho Bảo tàng Tiền Giang để nghiên cứu, trưng bày, giáo dục truyền thống và thưởng thức giá trị thẩm mỹ thuần túy cho thế hệ hôm nay và mai sau.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.