Thứ Bảy, 29/12/2012, 17:48 (GMT+7)
.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông kể chuyện vẽ tranh Chiến thắng Ấp Bắc

Trong số các bức tranh vẽ những trận đánh lớn mang dấu mốc quan trọng của từng giai đoạn phát triển của quân và dân miền Nam chống Mỹ như: Tây Ninh, Bàu Bàng, Bình Giã, Tổng tấn công Xuân Mậu Thân… bức tranh (và ký họa) “Chiến thắng Ấp Bắc” của quân và dân Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) là tác phẩm họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã đầu tư vào “kỳ công”: theo đuổi dài ngày nhất với bao mồ hôi, công sức, tấm lòng sâu nặng nhất.

Anh Sò, du kích Ấp Bắc.
Anh Sò, du kích Ấp Bắc và Chị Tám Tố nấu cơm giữa trận Ấp Bắc.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông cho tôi xem qua một lượt các bức tranh, kèm lời giải thích chỉ dẫn, có lẽ để tạo cảm hứng cho tôi (và cả ông). Chúng tôi sống lại thời khắc hào hùng, trước khi kể chuyện. Giọng trang trọng, ông nói:

- Nhìn chiến thắng Ấp Bắc, phải nhìn người chỉ huy qua những người bình thường. Đây là một mô hình phối hợp tuyệt vời, quân và dân tham gia đánh giặc. Đề tài vô cùng hấp dẫn này đã khiến tôi ấp ủ và quyết lòng “đeo” mãi để thể hiện.

Cùng sở nguyện với tôi còn có họa sĩ Châu Hồ, người Mỹ Tho, nồng cháy tình yêu quê hương đã từng lăn lộn tại Ấp Bắc vẽ được một số tranh tốt. Châu Hồ đã cùng tôi đào hầm bí mật ở bờ ruộng vừa tránh địch càn, vừa phục kích vẽ bầy máy bay trực thăng lên xuống đổ quân. Sau đó anh hy sinh. Họa sĩ Phan Phương (Mai) Trực bị thương tại Ấp Bắc. Họa sĩ Toàn Thi, người tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) sau này là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Với bức tranh “Chiến thắng Ấp Bắc”, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã qua hàng chục lần phác thảo. Toàn cảnh trận đánh được thu nhỏ trong một cuộn giấy đặc biệt dài 10m, được cuộn tròn bọc kỹ cất kín trên lầu.  Ai thân ông mới cho xem, vì mỗi lần xem rất vất vả. Ông vác từ lầu xuống, tự tay tháo dây, trân trọng, nhẹ nhàng mở ra từng đoạn trên nền nhà hẹp đã được quét dọn sạch, không chứa được độ dài bức tranh.

Ông bắt tôi giữ một đầu, xem xong một đoạn bảo tôi cuộn vào y như cũ mới mở đoạn khác. Nhiều lần tôi bị ông chê vì cuộn không được thẳng sợ có nếp nhăn, ảnh hưởng đến chất lượng bức tranh. Ông thuyết minh như thuộc lòng, không cần nhìn tấm giấy ngã màu vàng ông vẽ sơ đồ trận đánh, các mũi tiến quân của địch, các điểm phục kích, phản công của ta, diễn biến trận đánh đang lộng trong khung kiếng làm kỷ niệm. Họa sĩ đa tài thuyết minh:

- Đây là Quốc lộ 4, nơi có nhiều khẩu pháo yểm trợ bộ binh, xe tăng. Đồng Cà Dăm, Mã Tháp, cầu Ông Bồi… là những điểm ta với địch quần nhau đẫm máu. Trên đầu, máy bay trực thăng hàng bầy đen trời, thay nhau bay lên sà xuống đổ quân.

Nói trận Ấp Bắc, không thể thiếu cầu Ông Bồi. Dưới làn mưa đạn của địch, các chiến sĩ ta lao qua cái cầu ván bắc ngang qua sông nhỏ đã thấm máu đồng đội, vẫn giữ mãi ấn tượng sâu sắc trong lòng người và trong tranh – có thể ngày nay nó không còn, đã được thay bằng cầu đúc to đẹp hơn nhiều.

Trước giải phóng, trong cuộc trưng bày tại Hội Mỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội, bức tranh “Chiến thắng Ấp Bắc” loại khổ to 1,2mx2,4m vẽ bằng bút chì nâu của Huỳnh Phương Đông chiếm vị trí trang trọng, được đông đảo người xem đặc biệt chú ý.

Gần đây, tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang đã có bức tranh sơn mài khổ 90x120cm “Tổ gang thép” Nguyễn Văn Đừng (Nguyễn Văn Đừng đã được đặt tên một con đường ở TP. Hồ Chí Minh – họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã gặp má Nguyễn Thị Đính, mẹ liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Đừng).

Trên mặt trận đánh quân dù trong trận Ấp Bắc.
Trên mặt trận đánh quân dù trong trận Ấp Bắc.

Cùng với bức tranh “Chiến thắng Ấp Bắc”, họa sĩ Huỳnh Phương Đông còn có mấy tấm khung kính lớn lộng chân dung những vị chỉ huy như Anh hùng quân đội Lê Quang Công, Nguyễn Minh Tua, sau được tuyên dương anh hùng; chị Tám Nghiệp, Tỉnh đội phó Mỹ Tho; đồng chí Trần Văn Mạnh, Bí thư kiêm Xã đội phó Nhị Mỹ (Cai Lậy); đồng chí Nguyễn Văn Nghiêm, Bí thư chi bộ xã Tân Phú, sống chết với Ấp Bắc; chị Tám Nghề, Phó Bí thư chi bộ xã Tân Phú, xăn quần tới gối, lót ván, cùng anh em đẩy xuồng đưa thương binh; bà Tám Tố, tay nách con, tay nấu cơm cho bộ đội ăn…

...Đến các anh du kích Trần Văn Lực, ngồi trên cây cao chống địch nhảy dù; chiến sĩ Trần Văn Học của C3, D307 bám trụ đánh địch tại Mã Tháp; cô giáo Kiều Tiên, bất chấp bom đạn địch, bám lớp dạy học tại đầu cầu Ông Bồi; ông Rồng Bạch, một nông dân Ấp Bắc, cứ sau mỗi trận đánh là đến xem, rờ rẫm máy bay, xe tăng địch bị quân ta bắn cháy rất thích thú; cả đến cháu Trần Văn Mẫn, 13 tuổi, bị thương do pháo địch, cụt 1 chân trong trận Ấp Bắc vẫn không ngán giặc…

Nhiều không kể hết, tất cả tạo nên chiến công Ấp Bắc anh hùng! Tập sách ký họa “Việt Nam trang sử anh hùng” đã có lưu lại gương mặt những người con đáng yêu, đáng tự hào của Ấp Bắc để giới thiệu với cả nước và quốc tế, trong đó có công của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

THANH BỀN

 

.
.
.