Thứ Tư, 27/03/2013, 12:31 (GMT+7)
.

Bàn Long - những chuyển biến sâu rộng về văn hóa

Xã Bàn Long nằm ở phía Tây Nam của huyện Châu Thành, có diện tích tự nhiên 925,6 ha với dân số trên 9.000 người sống trên địa bàn 6 ấp; là xã của vùng 20-7,  nơi thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng của tỉnh Mỹ Tho, nay là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang.

Ngay sau khi tiếp thu Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch để quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 và chương trình hành động của Huyện ủy, Đảng ủy cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã, sau đó triển khai Nghị quyết cho 107 cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó Ban Thường vụ Đảng ủy lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức triển khai cho đoàn viên, hội viên và nhân dân 219 cuộc với 6.435 người dự. Từ việc học tập đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức rõ ràng hơn các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, nhờ vậy bộ mặt nông thôn xã Bàn Long đã có nhiều khởi sắc.

Năm 1999, Bàn Long có 1 ấp văn hóa được công nhận là ấp Long Thành A, đến năm 2009, Bàn Long có 6/6 ấp được công nhận là ấp văn hóa; ra mắt 2 cơ sở thờ tự văn hóa là chùa Bửu Linh và Bửu Long; 2 trường học được xây dựng khang trang - trong đó trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia năm 2009; đường sá được bê tông hóa, nhựa hóa; xã được công nhận là xã an toàn về an ninh trật tự.

Trong 15 năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Bàn Long tập trung tuyên truyền bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn trong Nghị quyết; nội dung tuyên truyền còn tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính gồm tổ chức tuyên truyền, quán triệt nghị quyết và triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa.

Có 1.987 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, có 64 hộ được tuyên dương cấp xã, 13 hộ được tuyên dương cấp huyện và 8 hộ được tỉnh khen tặng. Nhìn chung số gia đình cán bộ, viên chức, người lao động đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa có tỷ lệ được nâng dần tính từ năm 1998 đến nay là 95%.

Riêng các cơ quan trường học của xã hàng năm đều đạt 4 tiêu chuẩn cơ quan văn hóa - trong đó 2 trường tiểu học và THCS đã thực hiện tốt các tiêu chí “Trường xanh, sạch, đẹp”; trường tiểu học được công nhận “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” năm học 2011 - 2012 và có 1 thư viện thân thiện theo đối ứng với tổ chức Room to Read. Ngoài ra, xã còn xây dựng được 1 tuyến đường văn hóa; chùa Bửu Long và chùa Bửa Linh đều được công nhận là 2 cơ sở thờ tự văn hóa.

15 năm qua, Bàn Long cũng đã có 121 căn nhà đại đoàn kết, 37 căn nhà tình nghĩa được xây mới và 23 căn sửa chữa, đã góp phần làm cho bộ mặt đời sống xã hội ngày càng thêm khởi sắc. Đặc biệt là chiếc cầu bắc ngang sông nối ấp Long Thạnh và Long Thành A chính là điều kiện quyết định cho nhân dân Bàn Long phát triển về mọi mặt.

Việc xây dựng nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, được cán bộ và nhân dân đồng tình, hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, nhiều đảng viên tổ chức cưới theo nếp sống mới với tiêu chí “trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm”.

Các lễ hội từng bước được quan tâm đầu tư, sưu tầm, phục dựng như Hội thi Đình của trường tiểu học, Đêm hội Trung Thu của Xã Đoàn. Đặc biệt là Tết Nguyên đán hàng năm đã giảm đi rất lớn về tình trạng uống rượu say, vi phạm an toàn giao thông... Các lễ hội rằm tháng giêng, Noel đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi của người dân Bàn Long đúng với tôn chỉ “Sống tốt đời, đẹp đạo”.

Bên cạnh đó với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhiều tuyến đường liên xóm, ấp đã hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao hàng hóa của người dân trong xã. Xe gắn máy đi đến tận nhà trong xóm ấp, các loại xe con cũng đã về đến xã. Nhiều ngôi nhà cao tầng, nhà theo kiến trúc mới được xây dựng giữa những cây xanh của vườn sapô, vú sữa đã cho thấy sự thay đổi rất lớn của một xã vùng quê cuối huyện Châu Thành.

Có thể khẳng định, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở xã ngày càng phát triển rộng khắp, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy xã đã tạo nên những thành công trong thực hiện Nghị quyết TW 5 (Khóa VIII) về văn hóa trong 15 năm qua. Trên nền tảng đó, lĩnh vực văn hóa sẽ được tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực mới, thúc đẩy nhân dân xã nhà phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết đề ra trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

KIM HỒNG

.
.
.