Thứ Tư, 27/03/2013, 09:05 (GMT+7)
.

Đình Thần Tân Hương & Lễ hội văn hóa dân gian

Tọa lạc tại ấp Tân Thạnh, cách Quốc lộ 1A khoảng 150 mét về hướng Tây, Đình Thần Tân Hương (còn được gọi là đình cột lớn) có lịch sử hình thành cách nay trên 190 năm. Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã, từ lúc khai thiên lập địa, vùng đất Tân Hương khi đó còn là bãi biển với cây cối mọc như rừng (trong lòng đất còn nhiều chứng tích như vỏ sò, vỏ hến biển rất to, dây xích tàu...).

Công bố nội dung 8 Sắc Thần tại “Lễ tế Thần”.
Công bố nội dung 8 Sắc Thần tại “Lễ tế Thần”.

Khi đó, có 5 người thuộc dòng họ Trần, Lê, Nguyễn, Phan, Dương được xem là 5 vị công thần đã có công khai sáng ra thôn Tân Hương do đã quy tụ được khoảng 500 người về đây sinh sống và đã dâng sớ thỉnh cầu triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ là Vua Minh Mạng xin công nhận thôn Tân Hương.

Sau khi được thành lập, Vua Thiệu Trị năm thứ 5 và sau đó là Vua Tự Đức đã sắc phong cho thôn Tân Hương “thập sắc” (10 tấm sắc ghi bằng chữ Hán) bao gồm những nội dung đề cao công đức to lớn của các vị thần được sắc phong về hiếu tử thần, trung nghĩa thần và nhiều quy tắc xử sự về đạo làm người… với mong muốn các vị thần sẽ ra sức hộ trì, che chở, bảo vệ lê dân của nhà vua.

Sau khi được sắc phong, người dân địa phương xây đình để làm nơi lưu giữ “Sắc Thần” như gìn giữ một báu vật của vua ban.

Lúc đầu, đình được xây dựng tại ấp Tân Phú (Khu công nghiệp Tân Hương ngày nay), nhưng do đường sá khó khăn, có 3 chủ đất đã tự nguyện hiến 1ha đất để di dời đình về ấp Tân Thạnh và khai phá đường Lộ Làng nối với lộ Đông Dương (Quốc lộ 1A hiện nay) để giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn.

Hiện nay, tại đình chỉ còn lưu giữ 8 Sắc Thần, do trước đây đã chuyển giao 2 Sắc cho Đình Tân Hương Tây (ấp Tân Thuận) và đã bị thiêu cháy bởi chiến tranh.

Ông Trần Văn Cang, Trưởng Ban Khánh tiết lễ hội cho biết, Lễ hội Kỳ Yên (hay còn gọi là lễ cầu an) năm nay kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 11 - 13 tháng 2 âl (từ 22 đến 24-3-2013) với trên 2 ngàn người tham dự; bao gồm người dân trong xã, đại diện đình thần một số địa phương trong, ngoài huyện và ngoài tỉnh, cùng người dân Tân Hương tha phương lập nghiệp cũng tranh thủ về dự lễ hội với mong muốn được cùng hội tụ về chốn cội nguồn, nơi chôn nhau, cắt rốn.

Đình Thần Tân Hương được xây dựng khang trang vào đầu thế kỷ XX và được trùng tu vào năm 1959, diện tích 675m2 theo kiến trúc đình Nam bộ có 3 ngôi (cột kèo trước bằng gỗ, lợp ngói âm dương, sau được thay bằng cột ximăng, ngói Tây).

Trong chánh điện, ở giữa đình nhìn từ ngoài vào là bàn thờ lớn với đôi hạc châu đầu vào nhau, phía sau là bàn phẩm vật cúng tế và tủ lưu giữ Sắc Thần. Phía đối diện, nhìn từ trong ra, ở giữa là bàn thờ Thần (Long án đặt trong khung kính ghi chữ Thần bằng tiếng Hán và 2 mão Thần), hai bên bàn thờ Thần gồm: bên tả thờ Tả ban (giống như Thần, có 2 mão), Bạch mã Thái giám và Tiền hiền (có bài vị khắc tên 11 vị tiền hiền bằng chữ Hán, người có công khai phá, thành lập Đình); bên hữu gồm bàn thờ Hữu ban (giống như Thần), Hậu hiền (có bài vị khắc tên 18 vị có công hiến đất xây đình, mở đường…).

1. Theo Ban Quản lý Di tích Đình Tân Hương thì hiện tại đình còn lưu giữ và bảo quản tốt 8 Sắc Thần, số lượng cao nhất so với các đình khác trong tỉnh. Tổng số Sắc Thần trên được chia làm 2 nhóm như sau:

- Sắc Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng Thần: gồm 4 Sắc; trong đó, Vua Thiệu Trị năm thứ V (1845) phong 2 Sắc, Vua Tự Đức năm thứ III (1850) và năm thứ V (1852) phong 2 Sắc với tổng số 4 vị Thần được sắc phong về Đình để giúp đỡ, bảo vệ lê dân.

- Sắc Đông Nam Sát hải Nhị đại Tướng quân chi Thần: cũng gồm 4 Sắc có ngày, tháng, niên đại như 4 Sắc Đại Càn với tổng số 2 vị Thần được sắc phong về Đình để giúp đỡ, bảo vệ lê dân.

2. Đình Thần Tân Hương được UBND tỉnh công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định 3418/QĐ-UBND, ngày 1-12-2010.

Phía trước chánh điện, ở giữa là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên tả, hữu là bàn thờ chiến sĩ; đối diện là sân khấu hát bộ. Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngày cũng như đêm, khách thập phương nô nức đến đình thắp hương để cầu nguyện cho một năm mới được an lành, hạnh phúc.

Đúng 8 giờ ngày 11âl, lễ “giỗ Tiền hiền và Tiên sư” được tiến hành; khoảng 9 giờ 30 phút, lễ “cúng Tống gió” (hay lễ đưa binh) bắt đầu nhằm xua đi những xui rủi; đến 11 giờ 30 phút là nghi lễ “phụng nghinh Thần Sắc” (khui giở Sắc Thần vua ban) do ông Chánh tế Trần Văn Tiên - người cao niên có uy tín nhất trong xã được giao nhiệm vụ mang Thần Sắc ra bàn phẩm vật cúng tế để đại diện Ban Khánh tiết, đại diện người dân địa phương chứng kiến và kiểm tra số lượng Sắc Thần.

Sau khi kiểm tra xong, Sắc Thần được đặt vào hộp kiếng, phủ khăn đỏ và phân công người túc trực canh giữ cho đến lúc nhập Sắc.

Tiếp theo, lễ “Tế chiến sĩ” được tiến hành vào lúc 20 giờ ngày 11 tháng 2 âl nhằm tưởng nhớ công lao các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đến 0 giờ cùng ngày, lễ “cúng Tế thần” (còn gọi là cúng yết) được tiến hành với nghi thức trang trọng, phẩm vật là nguyên con heo đã được giết mổ đặt trên bàn kèm mâm xôi nếp; học trò lễ gồm 6 cặp (3 nam, 3 nữ) xếp hai hàng (có quân lính được trang bị gươm giáo nghiêm trang đứng hầu hai bên) tiến hành thủ tục dâng hương, dâng than, dâng tửu 4 lần (Ban Chánh tế tiến hành công bố nội dung 8 Sắc Thần vua ban); khi điểm trà xong thì nghi lễ kết thúc.

Lễ hội Kỳ Yên, một lễ hội dân gian mang đậm nét truyền thống văn hoá dân tộc. Lễ hội là dịp để người dân Tân Hương tưởng nhớ công ơn các vị công thần đã có công khai sáng ra vùng đất một thời được xem là hoang vu, cách trở, để ngày nay mọi người được sống trong cảnh an lạc, thái bình. Bởi vậy, dù đi đâu, ở đâu, hàng năm người dân Tân Hương vẫn nhớ quay về với lễ hội như để thể hiện sự tri ân của mình đối với các bậc hiền nhân.   

VĂN XĨ - HỒNG YẾN

.
.
.