Thứ Sáu, 19/04/2013, 09:31 (GMT+7)
.

Lễ hội Đền Hùng xưa & nay

Hàng năm, vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch, hàng chục vạn đồng bào từ khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài lại nô nức tụ hội về Đền Hùng thắp nén hương thơm thành kính dâng lên Tổ tiên - các Vua Hùng có công dựng nước. Ngày Giỗ Tổ đã trở thành thiêng liêng trong tâm linh mỗi người dân Việt theo đạo lý truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.

Trước kia, hội Đền Hùng mở 3 ngày từ mùng 8 đến mùng 10; mùng 10 là ngày chính hội và cũng là ngày giã hội. Thời Vua Lê Thánh Tông, ngày giỗ Tổ đã trở thành ngày Quốc lễ. Đến thời Vua Tự Đức triều Nguyễn, việc này tiếp tục duy trì, theo lễ chính hội 5 năm một lần, chủ tế là quan Thượng thư Bộ lễ, thường hội năm lẻ Tuần phủ Phú Thọ làm đồng chủ trì, chủ tế.

Lễ được cử hành vào sáng mùng 10. Về dự có Tri huyện Lâm Thao, Phù Ninh làm bồi tế và các chức dịch tổng lý các xã. Hội Đền Hùng có nhiều hoạt động văn hóa, trong đó có các hoạt động phục vụ việc lễ và những trò giải trí phục vụ người dự hội. Khi xưa, trong lễ hội có diễn xướng mô phỏng lại sinh hoạt thời dựng nước của các Vua Hùng như cảnh đi săn, chạy địch, rước hạt lúa thần, trò Trám, rước chúa Gái…

Không chỉ có xã Hy Cương nơi có đền Hùng làm giỗ, mà nhiều xã khác ở Lâm Thao, Phù Ninh thờ Hùng Vương, thê tử tướng lĩnh Vua Hùng cũng mở hội tại làng và rước kiệu về Đền Hùng. Có gần 40 cỗ kiệu được rước từ đình làng các xã vùng ven di tích đến chầu ở Đền Hùng. Kiệu được xếp hàng ở chân núi để Ban tổ chức chấm giải. Kiệu nào được giải nhất, lần sau được rước lên Đền Thượng.

Một đám rước như vậy được các làng, xã tổ chức rất công phu gồm 3 kiệu đi liền nhau. Cỗ kiệu đầu bày hương hoa, đèn nến, trầu cau, bình nước, mâm rượu. Cỗ kiệu thứ hai rước bài vị Thành hoàng có lọng vàng che. Cỗ kiệu thứ ba rước bánh chưng, bánh dày hoặc xôi, thủ lợn. Tiếng trống, tiếng chiêng trang nghiêm thôi thúc, phường bát âm hòa tấu nhịp nhàng theo điệu “Lưu thủy hành vân”, trai thanh mang đồ tế khí; nữ tú mang hương hoa, hộp trầu quạt; các bô lão và chức dịch hàng đôi trang nghiêm bước sau kiệu. Có thể nói, khắp con đường vào hội rực rỡ sắc màu, một không khí vừa trang nghiêm vừa huyền bí vừa náo nức lòng người.

Hội Đền Hùng xưa có khá nhiều trò chơi: đu tiên, ném còn, tổ tôm điếm, múa rối, cờ tướng, cờ người, kéo lửa nấu cơm thi… Đặc biệt là hát Xoan của các phường Xoan gốc Kim Đức, An Thái trình diễn ở Đền Thượng. Ngoài hát Xoan còn có hát nhà tơ của phường Do Nghĩa, trinh nữ tham gia hát thờ. Trai gái đến hội Đền Hùng còn hát ví giao duyên, có khi cuộc hát kéo dài hết đêm.

Đu tiên trong hội là trò chơi có sức thu hút thanh niên nam nữ. Đu tiên là hình thức đu xe làm theo hình chiếc bàn đu, mỗi bàn một cô gái xinh đẹp của xã sở tại mang y phục lễ hội, đội mũ hoa sen. Các cô gái vừa đu vừa hát ví giao duyên với các chàng trai dự hội.

Trò “Tứ dân chi nghiệp” (trò Trám) của Tứ Xã, Lâm Thao thu hút rất nhiều người xem. Đây là loại trò diễn trình nghề “tứ dân”: sĩ, nông, công, thương được thể hiện trong nhiều sinh hoạt đặc sắc của xã hội truyền thống với những trang phục, câu nói của người tham gia đóng các nhân vật gây cười, mua vui cho dân làng và những người dự hội. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trò diễn này mai một, đến năm 1997 trò “Tứ dân chi nghiệp” mới được khôi phục, có chỉnh lý nâng cao một số điệu múa dân gian và cách thức trình diễn đưa vào phục vụ tại lễ hội Đền Hùng.

Hội Đền Hùng còn có trò diễn dân gian của đồng bào Mường huyện Thanh Sơn, Yên Lập: Chàm Thau (đánh trống đồng), đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng đã đem đến lễ hội những âm thanh rộn rã, gợi nhớ hình bóng xã hội Hùng Vương thuở xưa.

Hội Đền Hùng ngày nay, ngoài các hoạt động văn hóa, diễn xướng dân gian, một số môn thể thao dân tộc…, rất cần phải có các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao hiện đại mới đáp ứng được một phần nhu cầu của đồng bào cả nước về dự hội. Cái khó cho những người tổ chức lễ hội là phải biết kết hợp, đan xen giữa hoạt động văn hóa truyền thống với sinh hoạt văn hóa hiện đại, tạo được điểm nhấn và giữ gìn được những nét đặc sắc của một lễ hội truyền thống mà tầm ảnh hưởng của nó rất rộng lớn.

Linh diệu muôn đời Đất Tổ Hùng Vương.
Linh diệu muôn đời Đất Tổ Hùng Vương.

Từ những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hiện đại được đưa vào lễ hội như: biểu diễn văn công chuyên nghiệp, biểu diễn xiếc, ca nhạc, tạp kỹ, đốt cây bông, bắn pháo hiệu, pháo hoa, thi đấu bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, cờ người, cờ quốc tế… đã làm cho lễ hội Đền Hùng mang thêm sắc thái mới.

Những năm đầu thế kỷ XXI, tại Lễ hội Đền Hùng, ngoài các sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, trò diễn dân gian truyền thống đặc sắc của vùng Đất Tổ như: Hát Xoan, hát Ghẹo, đánh trống đồng, đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng, rước kiệu các xã vùng ven di tích như: Kim Đức, Chu Hóa, Hùng Lô, Cao Mại, Đào Xá, Thanh Đình, Sơn Vi, Tiên Kiên, Vân Phú; còn có biểu diễn nghệ thuật của nhiều đoàn văn công Trung ương, các tỉnh, thành bạn và tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt là liên hoan dân ca Xoan Phú Thọ và dân ca các dân tộc được tổ chức tại sân Trung tâm lễ hội Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Ngoài ra, phải kể đến các chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa các vùng, miền trong cả nước của những tỉnh, thành tham gia góp giỗ đã tạo thêm những mảng sắc màu cho bức tranh văn hóa dân tộc trong kỳ lễ hội. Năm 2013, Liên hoan hát Xoan lần thứ III của tỉnh Phú Thọ đã hội tụ đầy đủ các CLB Hát Xoan và nhất là 4 phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ.

Đây không chỉ là việc biểu diễn phục vụ đồng bào và du khách dự lễ hội mà còn là ngày hội rất sinh động về kết quả bảo tồn, khôi phục, phát triển loại hình dân ca đặc trưng của vùng Đất Tổ - Hát Xoan Phú Thọ đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Không những chỉ đưa vào chương trình lễ hội Đền Hùng những trò diễn, những sinh hoạt văn hóa đặc trưng trong các hội làng của vùng Đất Tổ, mà từ năm 2005 trở lại đây nhiều chương trình mang dấu ấn tiêu biểu của các vùng văn hóa trong cả nước đã được đưa vào Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương: giao lưu dân ca, liên hoan múa rối nước toàn quốc, ngày hội văn hoá - thể thao - du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc, hội thi bánh chưng, bánh dầy liên tỉnh, lễ hội đường phố, hội chợ văn hoá ẩm thực, triển lãm trái cây các vùng, miền… đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, một không gian văn hóa linh thiêng, sống động, trong đó có nhiều điểm nhấn tạo ấn tượng tốt đẹp về quy mô tổ chức Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Năm 2013, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tuy là năm lẻ, song có một sự kiện văn hóa đặc biệt: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được Tổ chức UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên quy mô tổ chức lớn, thời gian kéo dài trong 7 ngày từ mùng 4-3 đến mùng 10-3 âm lịch.

Ý nghĩa lớn nhất của tín ngưỡng Hùng Vương là có giá trị nổi bật toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc thể hiện lòng tôn kính tổ tiên theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Và khi di sản đã được UNESCO công nhận sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới tôn trọng sự đa dạng văn hóa; đồng thời khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng dân tộc.

Trong những ngày tổ chức Lễ hội Đền Hùng sẽ có Lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức trọng thể tại Đền Thượng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào 7 giờ sáng mùng 10-3 âm lịch. Phần hội sẽ có nhiều hoạt động đa dạng đặc sắc bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Diễn trường hoạt động hội trải dài từ thành phố Việt Trì đến Trung tâm lễ hội Đền Hùng và các huyện lân cận như: Phù Ninh, Lâm Thao.

Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương không chỉ ở Phú Thọ mà ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng vào lúc 7 giờ ngày 10-3 âm lịch.

Trong phần hội, ngoài hoạt động rước kiệu truyền thống các xã vùng ven di tích, còn có diễn xướng dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ, hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh dầy, triển lãm ảnh với chủ đề “Tín ngưỡng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng”, nhiều hoạt động thể thao: Giải Bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương năm 2013; Giải Quần vợt Hữu Nghị Hùng Vương; thi bơi chải trên Sông Lô; thi đấu cờ tướng; vật dân tộc; bắn nỏ; thi bóng chuyền nam của tỉnh Phú Thọ.

Đền Hùng từ xa xưa, hiện tại và tương lai không chỉ là di tích lịch sử - văn hóa, mà chính là biểu tượng thiêng liêng cho thời lập nước mở nghiệp sơn hà Tổ tiên, là điểm tựa văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

TRẦN VĂN QUANG
(Trưởng phòng Xây dựng
nếp sống văn hóa và gia đình -
Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ
)

.
.
.