Thứ Sáu, 19/04/2013, 05:26 (GMT+7)
.
Ghi chép:

Viếng Đền Hùng, tự hào về dòng giống Lạc Hồng

Câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba" gợi cho người dân Việt Nam dù sống ở bất cứ nơi nào cũng nhớ đến ngày hội Đền Hùng (mùng 10 tháng 3 âm lịch) để hành hương về đất Tổ, thắp nén hương thành kính, tri ân công đức tổ tiên. Đây cũng là dịp để mỗi người dân Việt dù ở vùng núi, đồng bằng hay miền duyên hải đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng lấy đoàn kết yêu thương, đùm bọc làm sức mạnh tinh thần.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Từ những bậc đầu tiên dưới chân núi, du khách sẽ qua cánh cổng, bước nhiều bậc đá lên thắp hương và thăm các đền, kết thúc tại đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ Vua Hùng thứ 6.

Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.

Hành hương về Đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ.
Hành hương về Đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ.

Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 m (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10 km.

Khu vực Đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.

Lăng Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.
Lăng Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.

Trong Đền Hùng có lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại.

Đặc biệt, nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ có kiến trúc hình lục giác với 6 mái, đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Đây là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19-9-1954.

Mặc dù lễ hội diễn ra vào ngày 10-3 âm lịch nhưng thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10-3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Lễ hội Đền Hùng hiện được nâng lên thành Quốc Giỗ tổ chức lớn vào những năm chẵn.

Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội:

Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá dưới những tán lá cây để tới đỉnh núi Thiêng.

Lễ dâng hương: Người hành hương tới Đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn hương thơm nói giùm những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh thiện chiến.

Từ năm 2000, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc lễ. Từ năm 2007, mùng 10-3 âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội Đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn sẽ có quy mô ở cấp trung ương. Lễ hội Đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Tiền Giang…

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013 của tỉnh Tiền Giang được tổ chức tại Bảo tàng Tiền Giang (số 2A đường Trương Vĩnh Ký, P.7, TP. Mỹ Tho) từ 17 giờ ngày 18-4-2013 (nhằm mùng 9 tháng 3 âm lịch) đến 22 giờ ngày 19-4-2013 (nhằm mùng 10 tháng 3 âm lịch). Nhân lễ giỗ Tổ, Bảo tàng trưng bày phục vụ các chuyên đề: Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiền Giang với Bác Hồ, thư pháp, phong linh, các tác phẩm chưng nghi của các nghệ nhân trong tỉnh...

UNESCO đã công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Sáng ngày 17-4 (tức 8-3 âm lịch) vừa qua, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013 đã long trọng tổ chức Lễ rước kiệu của 7 xã, phường vùng ven về Đền Hùng tri ân công đức tổ tiên. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ, đây là năm thứ hai tỉnh Phú Thọ mở rộng quy mô rước kiệu ở các xã vùng ven. Hoạt động này không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống trên quê hương đất Tổ mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ, góp phần nâng cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

MỸ AN

.
.
.