Thứ Năm, 27/06/2013, 15:50 (GMT+7)
.

Đôi nét về 9 gia đình văn hóa tiêu biểu

Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) của tỉnh nhà trong 5 năm qua (2007 -2012), đã xuất hiện nhiều điển hình gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực: Xóa đói giảm nghèo, khuyến học - khuyến tài, ông bà mẫu mực - con cháu thảo hiền… được tuyên dương, khen thưởng trong buổi Họp mặt Ngày Gia đình Việt Nam và Tuyên dương, khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2007 - 2012. Xin giới thiệu đôi nét một số GĐVH tiêu biểu:

Gia đình ông Lê Thành Lạc (xã Long Hòa, TX. Gò Công).
Gia đình ông Lê Thành Lạc (Long Hòa, TX. Gò Công).

1. Gia đình ông Phan Văn Mỹ (Đông Hòa, Tam Bình, Cai Lậy): Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình bằng nghề làm vườn với thu nhập bình quân hàng năm khoảng 100 triệu đồng, nuôi dạy con cái ăn học thành tài (3 đại học, 2 trung học), còn thường xuyên hỗ trợ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng và vật nuôi.

Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Mỹ tổ chức chuyến xe cho 1.800 lượt người đi khám bệnh ở Bệnh viện Hòa Hảo (TP. Hồ Chí Minh). Việc làm nhiều ý nghĩa này đã tạo sự lan tỏa tốt trong xã hội: Có 2 nhà hảo tâm tài trợ 1 chiếc xe 16 chỗ ngồi và 2 triệu đồng cho 1 chuyến đi hàng tuần.

Gia đình ông Mỹ còn cùng chính quyền vận động 27 hộ hiến hơn 3.000m2 đất để làm đường liên ấp và vận động 50 hộ đóng góp hơn 30 triệu đồng làm đường liên ấp dài hơn 400 mét.

2. Gia đình bà Võ Thị Yểm (Thanh Sơn, Thanh Hòa, Cai Lậy): Đã xây dựng được một gia đình hạnh phúc với 4 đứa con luôn ngoan hiền, học giỏi; chăm lo phát triển kinh tế gia đình với mô hình VAC cho  thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, gia đình bà Yểm còn quan tâm làm tốt công tác từ thiện - xã hội như: Giúp con giống (trả chậm) và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho 10 hộ dân trong và ngoài xã, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình; vận động gạo giúp đỡ hộ nghèo và xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương (mỗi căn 25 triệu đồng); xin 25 chiếc xe lăn cho người tàn tật…

3. Gia đình ông Võ Văn Thiệt (ấp 3A, Đạo Thạnh, TP .Mỹ Tho): Ngoài việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, con cháu thành đạt, gia đình còn hiến 5.000m2 đất để Nhà nước xây dựng 2 tuyến đường giao thông.

4. Gia đình ông Đỗ Văn Oanh (Tân Vinh, Tân Hòa Thành, Tân Phước): Không chỉ tổ chức sản xuất giỏi, làm giàu cho gia đình mà còn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người cùng làm giàu. Với vai trò là Bí thư chi bộ ấp, ông luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào.

Thành tích nổi bật là ông đã vận động nhân dân đốn hơn 2.000 cây ăn trái, di dời hàng rào để hiến 15.300m2 đất làm đường theo tiêu chí nông thôn mới với tổng trị giá trên 400 triệu đồng.

5. Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng (Tân Thạnh, Tân Lý Tây, Châu Thành): Vợ chồng đều là giáo viên, ngoài giờ dạy học, họ cần cù làm thêm nghề may, thoát cảnh khó khăn, vươn lên hộ khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học giỏi, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc và tích cực vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa.

6. Gia đình ông Lê Thành Lạc (Kim Liên, Long Hòa, TX. Gò Công): Khi kinh tế gia đình đã ổn định, các con thành đạt, gia đình ông Đạt tích cực tham gia công tác từ thiện - xã hội.

Trong 3 năm qua gia đình ông đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm được trên 200 triệu đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương; vận động gần 100 triệu đồng sửa chữa nâng cấp các tuyến đường giao thông…

7. Gia đình ông Cao Xuân Nguyện (Năm Châu, Bình Đông, TX Gò Công): Xác định chỉ có tri thức mới có thể vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Thế nên mặc dù tuổi đã 50 tuổi nhưng ông vẫn không quản ngại khó khăn theo học các lớp bổ túc văn hóa, đại học để mở mang tri thức, vận dụng vào sản xuất, kinh doanh như: Sản xuất nhang, kinh doanh vật liệu xây dựng, trồng thanh long… làm giàu cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nuôi các con ăn học thành tài, có ích cho gia đình và xã hội.

Từ lợi nhuận thu được (200 triệu đồng/năm), ông còn trích làm công tác từ thiện - xã hội, chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh cơ nhở.

8. Gia đình ông Dương Minh Tha (Hưng Thạnh, Long Hưng, TX. Gò Công): Lúc mới lập gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng do luôn phát huy bản chất của bộ đội Cụ Hồ, không chịu khuất phục trước khó khăn, ông đã cùng vợ chung sức, đồng lòng làm đủ thứ nghề, tích lũy vốn phát triển sản xuất, từng bước vươn lên, xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho các con ăn học thành tài…

9. Gia đình ông Lê Văn Sáu (Tân Đông, Tân Thạnh, Tân Phú Đông): Ông Sáu là thương binh 2/4, trở về từ chiến trường với bộn bề khó khăn trong cuộc sống. Với ý chí và nghị lực "Tàn nhưng không phế”, ông đã cùng với người bạn đời của mình đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, xây dựng được một tổ ấm bền vững với ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi và nuôi 2 con ăn học thành tài.

Gia đình ông còn tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

MINH PHÚC

.
.
.