Thứ Năm, 27/06/2013, 15:58 (GMT+7)
.

Xây dựng gia đình hạnh phúc - trách nhiệm của gia đình & xã hội

Ngày 19-2-2013 Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn năm 2013 là “Năm Gia đình Việt Nam”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân có Công văn  2834/VPCP-KGVX chỉ đạo tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6- 2013 và tiến tới tổ chức “Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3” vào năm 2014. Nhân dịp này, xin giới thiệu ý kiến của lãnh đạo ngành, đoàn thể và nhà nghiên cứu tâm lý:

* Ông NGUYỄN NGỌC MINH, Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang:

Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, gắn kết các phong trào

Với tôi, là một cán bộ Nhà nước thì quan niệm về gia đình hạnh phúc có lẽ đòi hỏi sự cầu toàn hơn những người khác.

Trước tiên, các thành viên trong gia đình phải thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau; trẻ em được đến trường; người già được quan tâm chăm sóc và sống vui vầy với con, cháu; vợ chồng phải có nghề nghiệp hoặc kinh tế ổn định, đảm bảo đáp ứng cho các thành viên trong gia đình có một cuộc sống tương đối đầy đủ, không thiếu thốn về vật chất và tinh thần.

Ngoài ra, gia đình hạnh phúc là không bạo lực, thực hiện tốt bình đẳng giới và có mối quan hệ tốt với bà con dòng họ, hàng xóm và gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật tại địa phương.

Với vai trò Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tỉnh, từ năm 1987 đến nay Sở VH-TT&DL đã tham mưu BCĐ tỉnh triển khai thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa (GĐVH) trên địa bàn tỉnh nhà, trong đó có các tiêu chuẩn xây dựng GĐVH.

Năm 1998, sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) phát động phong trào TDĐKXDĐSVH trên toàn quốc, việc vận động xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển. Dù đã có nhiều lần thay đổi các tiêu chuẩn GĐVH nhưng tựu trung đều định hướng cho mỗi gia đình phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và phát triển bền vững.

Từ năm 2008, thực hiện Nghị định 13/2008/NDD-CP của Chính phủ, ngành Văn hóa đảm nhận thêm công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực gia đình, đã có nhiều hoạt động, nhiều đề án và mô hình để hỗ trợ việc xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh.

Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Chương trình thực hiện Chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; tăng cường tuyên truyền các bộ luật có liên quan đến lĩnh vực gia đình như: Luật Hôn nhân & Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thành lập các “CLB Gia đình phát triển bền vững” tại các ấp (khu phố) trong tỉnh…

Để nâng cao chất lượng phong trào, cần thực hiện nhiều giải pháp, nhưng theo tôi cần tập trung các giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền huyện và cơ sở đối với công tác gia đình, xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên và cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để giải quyết những khó khăn về gia đình và công tác gia đình.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng, chống bạo lực gia đình và sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống  tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Ba là, quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan để góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bốn là, ngành Văn hóa - Thông tin tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các gia đình trong tỉnh, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.

Tóm lại để nâng chất phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội và của mọi người, mọi gia đình.

* Bà NGUYỄN THỊ SÁNG, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:

Toàn xã hội và từng gia đình chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc

Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; Đề án “Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ”; xây dựng các mô hình CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Phụ nữ với pháp luật, CLB “Gia đình không sinh con thứ 3”, CLB “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng”; phối hợp với  Sở VH-TT&DL xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”...

Các cấp Hội LHPN thường xuyên truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ, các gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện DS-KHHGĐ, thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, phòng chống tệ nạn xã hội...; vận động phụ nữ cùng các thành viên trong gia đình thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; giữ gìn, phát huy các phẩm chất tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT thực hiện hỗ trợ vốn cho hội viên gắn với hướng dẫn kiến thức sản xuất - kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, các gia đình nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Các hoạt động của Hội LHPN luôn  gắn kết với phong trào TDĐKXDĐSVH, Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Qua đó, đã hỗ trợ tích cực cho phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc vận động chị em phụ nữ  xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời gian qua cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến kiến thức để hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chức năng gia đình còn lúng túng, hiệu quả và chất lượng chưa cao. Việc giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình ở các cấp Hội LHPN chưa được tiến hành thường xuyên. Kinh phí cho công tác gia đình còn hạn chế.

Ngoài ra, do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động không ít đến một bộ phận người dân, nhất là thế hệ trẻ về lối sống thực dụng, hưởng thụ, đua đòi, dẫn đến vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, làm cho nền tảng gia đình có nguy cơ bị phá vỡ… Nếu như toàn xã hội và từng gia đình cùng chung tay tháo gỡ thì việc xây dựng gia đình hạnh phúc  trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn.

* PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn Tâm lý học - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh:

Hướng đến Ngày Quốc tế hạnh phúc

“Gia đình hạnh phúc” là đích đến của mỗi người khi xác định mình cần lập gia đình. Còn “Hạnh phúc gia đình” là những gì con người trải nghiệm, có được trong quá trình chung sống. Gia đình hạnh phúc là ước mơ, khát vọng, là động lực mà mỗi con người cần hy sinh để đạt được, có được…

Có nhiều góc nhìn khác nhau về tiêu chí của một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, gia đình hạnh phúc cần có đời sống vật chất ổn định và phần nào thỏa mãn nhu cầu của các thành viên; đời sống tinh thần phong phú, các thành viên yêu thương, gắn bó, tôn trọng, cùng tham gia các hoạt động chung, biết quan tâm chăm sóc lẫn nhau; có sự hòa hợp, đồng thuận trên nhiều phương diện với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc…

Về Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3-2013, lần đầu tiên Liên Hợp Quốc tổ chức “Ngày Quốc tế hạnh phúc” nhằm nhân rộng niềm vui, hạnh phúc và những điều tích cực ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều hình thức hoạt động khác nhau được tổ chức: Chương trình “Một bữa trưa hạnh phúc” được tổ chức ở thủ đô Brussels của Bỉ, “Nền kinh tế hạnh phúc” được phát động ở Úc, “Những cái ôm miễn phí” được trao đi ở thủ đô Washington của Mỹ, “Thông điệp hạnh phúc” được truyền tải ở các ga tàu điện tại thành phố London của Anh… Đây là những chương trình hành động rất cụ thể và xác thực.

Bên cạnh đó, còn có Chương trình “Happy Heroes” (Những anh hùng vui vẻ) được triển khai trên mạng Internet với sự tham gia nhiệt thành của cộng đồng dân cư mạng.

Để tổ chức thành công “Ngày Quốc tế hạnh phúc” ở nước ta, việc tổ chức ngày này là điều cần thiết vì đất nước ta luôn chú trọng đến hạnh phúc đích thực của con người trong quá trình phát triển. Thực tế này đã được minh chứng bằng những định hướng của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua.

Để tổ chức thành công Ngày Quốc tế hạnh phúc, vấn đề quan trọng cần chú ý là: Chiến lược truyền thông phải sâu và rộng; khẳng định ý nghĩa độc đáo và định hướng cụ thể; đồng thời giao  nhiệm vụ cho các ngành, các cấp kèm theo sự giám sát chặt chẽ. Phát kiến, chọn những ý tưởng thật độc đáo và thú vị để tạo hiệu ứng đông đảo từ cộng đồng thông qua các chương trình hành động thật cụ thể để thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

HƯỚNG THU HƯƠNG

.
.
.