Thứ Tư, 06/11/2013, 08:14 (GMT+7)
.

Nhà thơ Trần Đỗ Liêm & hành trình tâm linh của đời người

So với các tập thơ đã xuất bản gồm: “Đi dọc Việt Nam”, “Quê hương tình yêu”, “Cho cau gặp trầu’’, thì tập thơ “Mơ gọi về” của Nhà thơ Trần Đỗ Liêm, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7-2013 đã có sự chuyển biến về chất thơ, chủ đề thơ mở rộng, tư duy thơ chín hơn, cảm xúc thơ sâu đắm, có sự hội tụ, đan xen của tư duy thơ giàu chiêm nghiệm, sâu sắc và phong cách hào hoa.

Những bài thơ viết về lịch sử của ông thì giàu chất suy tưởng, cảm hứng thi ca hướng về những thăng trầm và những giá trị bất biến của lịch sử.

Tập thơ “Mơ gọi về” gồm 63 bài thơ, chia làm ba phần: Mơ, hành trang và gọi về. Mỗi phần của tập thơ tập trung khắc họa các chủ đề liên quan đến bản thể, phẩm chất thi sĩ của nhà thơ, hành trình tâm linh hướng đến các vùng, miền văn hóa và sự trở về với cội nguồn văn hóa tâm linh của dân tộc.

Bản thể của nhà thơ - phẩm chất thi sĩ của Trần Đỗ Liêm Trần Đỗ Liêm là người duy lý trong công việc nghiên cứu khoa học, quản lý và các hoạt động xã hội, nhưng ông lại là người duy cảm trong công việc làm thơ.

Phẩm chất thi sĩ của ông đã được bộc lộ qua những câu thơ, bài thơ đầy cảm xúc si tình, đắm đuối. Trần Đỗ Liêm đã tự “vẽ” chân dung tâm hồn của một thi sĩ; đồng thời khắc họa số phận cuộc đời của nhà thơ qua những câu thơ giàu tính tạo hình:

“Cốt hồn thi sĩ trót mang
Lỡ trao cho kẻ hồng nhan si tình”.
                                                          (Mơ)

Trần Đỗ Liêm không theo một tôn giáo nào, nhưng trong thẳm sâu tâm hồn ông vẫn hướng về những bí ẩn của tâm linh và quy luật chuyển dịch, luân hồi của sự vật. Ông đã tự chấm phá đôi nét về định mệnh đời người và số phận của thi sĩ:

“Chân ta trời chấm nốt ruồi
Lãng du theo suốt kiếp đời bão giông”

                                                            (Nợ)

Phẩm chất của thi sĩ chính là sự biểu hiện của tâm hồn đa cảm, đa mang trước cái đẹp, sự bí ẩn của sự vật và số phận con người. Chấm phá về cái tôi trữ tình - cái tôi thi sĩ của mình, Trần Đỗ Liêm viết:

“Tôi nghèo sung sướng giàu đau khổ
Nhiều lắm yêu thương lắm nỗi buồn”

                                                            (Thi sĩ)

Thông qua những bài thơ thể hiện cảm xúc đắm say và si mê, Nhà thơ Trần Đỗ Liêm hướng tâm hồn trở về những cảm xúc thẩm mỹ nguyên sơ, tinh khiết của tâm hồn. Người đọc thưởng ngoạn thơ ông như được thanh lọc tâm hồn, trở nên trong sáng, yêu đời hơn và cảm nhận được bí ẩn về sự sống của sự vật, con người.

Hành trình tâm linh hướng về các vùng, miền văn hóa

Thơ của Trần Đỗ Liêm như cái cây hướng đến nhiều vùng trời văn hóa khác nhau, nhưng cội rễ của nó bám sâu vào vùng đất mẹ - vùng văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Trần Đỗ Liêm đi và hướng đến những vùng văn hóa khắp các vùng, miền đất nước và các nước trên thế giới nhưng bản thể của ông không bị hòa tan vào bản sắc văn hóa các vùng đất. Ông phát hiện, chiêm nghiệm và khắc họa sự giao thoa văn hóa của dân tộc và thế giới. Trong bài thơ “Thánh thiện”, Trần Đỗ Liêm viết:

“Mấy trăm năm Phật
                về đây ngự trị
Lối đá mòn hang động
                     rêu phong
Còn nguyên đó niềm tin thánh thiện
Người tiếp người kính cẩn cầu mong”.

Nhà thơ Trần Đỗ Liêm phát hiện và khám phá sự giao thoa văn hóa biểu hiện qua những nét chung của các dân tộc trên thế giới như: Khát vọng về tự do, vẻ đẹp tâm linh của con người, sự linh thiêng của các giá trị văn hóa, lịch sử… Trong bài thơ “Ngày mai”, khắc họa cảm hứng trước bức tượng ở Philadenphia của nước Mỹ, Nhà thơ Trần Đỗ Liêm viết:

“Chuông thúc giục tự do đến nứt
Hỡi loài người, phải đợi….ngày mai”.

Hai câu thơ bộc lộ sự chua xót và ngậm ngùi của nhà thơ trước khát vọng về tự do của con người ở một xứ sở mệnh danh là tự do…

Sự trở về với cội nguồn văn hóa tâm linh của dân tộc

Hành trình trở về của Nhà thơ Trần Đỗ Liêm không chỉ là sự tất yếu của quy luật tâm linh, mà còn là sự thôi thúc của nội tâm trước tiếng gọi thiêng liêng vang vọng trong tâm hồn. Tiếng vọng đó chính là tiếng gọi của quê hương, là vẻ đẹp văn hóa tâm linh được cất giữ thẳm sâu trong tâm hồn con người Việt Nam.

“Ngây ngất giữa đất trời xứ lạ
Chợt hiện về hồn cốt quê cha
Nơi thương nhớ ngàn năm cất giữ
Chầm chậm chiều lặng lẽ trời xa”.

                                        (Chợt hiện về)

“Dùng dằng sợi nhớ sợi thương
Mẹ già lẻ bóng quê hương gọi về”.

                                        (Gọi về)

Trần Đỗ Liêm không phải là kiểu nhà thơ tiên phong trong việc cách tân nghệ thuật thơ ca. Ông là kiểu nhà thơ tiếp thu và sáng tạo trên cơ sở giá trị thơ ca truyền thống của dân tộc. Nghệ thuật ngôn từ được ký mã trong thơ của Trần Đỗ Liêm gần gũi với ngôn ngữ của ca dao, dân ca, nhưng ý tứ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong thơ ông lại mang bóng dáng tư tưởng, tâm hồn con người hiện đại. Chính vì thế thơ ông dễ đọc, dễ cảm và được khám phá theo nhiều mức độ khác nhau tùy vào tầm đón nhận của người đọc.

Hành trình tâm linh của đời người chính là sự thám hiểm bản thể chính mình, ra đi và trở về với cội nguồn. Trải qua hành trình tâm linh bằng 63 bài thơ trong tập thơ “Mơ gọi về”, Nhà thơ Trần Đỗ Liêm đã đưa người đọc đến các vùng, miền văn hóa khác nhau để khám phá những nét độc đáo, giúp người đọc tự tỉnh thức và làm phong phú tâm hồn chính mình. 

VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
.