Thứ Bảy, 28/12/2013, 05:52 (GMT+7)
.

Tiền Giang có phong trào đờn ca tài tử phát triển rất sớm

Ngày 5-12, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của cả dân tộc nói chung và của người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nhất là của người dân Tiền Giang. Trong niềm hân hoan và tự hào, Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ:

Tiền Giang là một trong những tỉnh có phong trào đờn ca tài tử phát triển rất sớm. Từ những cuộc di dân về phương Nam, lưu dân ghé vào bến sông Tiền cũng mang nền âm nhạc dân gian vào và theo thời gian có nhiều thay đổi về diễn tấu, lòng bản cho phù hợp với sinh hoạt vùng đất mới - một nền âm nhạc dân gian đặc thù xuất hiện ở phương Nam, trong đó có Tiền Giang.

Cho đến giữa thế kỷ thứ XIX, từ lúc ông Phan Hiển Đạo, người gốc xã Vĩnh Kim Đông (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) xuôi ghe bầu ra kinh đô Huế học tiến sĩ, tiếp thu được nền nhã nhạc cung đình mang về quê hương. Bằng nhiều con đường khác nhau, âm nhạc miền sông Hương núi Ngự đã vào phương Nam với những biến thể độc đáo. Từ đó, nhạc cung đình đã phối hợp với nền âm nhạc dân gian có sẵn, cho ra đời một loại hình nghệ thuật mang đặc trưng của Nam bộ, đó là đờn ca tài tử.

* PV: Đờn ca tài tử đã hình thành và phát triển ở Tiền Giang như thế nào, thưa soạn giả?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Từ đó đến nay, qua thời gian dài, đờn ca tài tử vẫn tồn tại như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Riêng ở Tiền Giang, phong trào thăng trầm, thịnh suy theo vận mệnh quê hương, tự tình dân tộc. Vào hậu bán thế kỷ XIX, phong trào phát triển rất mạnh.

Ở Vĩnh Kim, Tiến sĩ Phan Hiển Đạo đã có công truyền nghề cho các môn sinh âm nhạc đầu tiên ở vùng Rạch Gầm, trong số này có 2 ông Lê Văn Huệ và Nguyễn Tri Túc là nổi tiếng nhất. Nối tiếp sự nghiệp của thầy, về sau 2 ông cũng đào tạo thêm một thế hệ nhạc sĩ, đó là các nhạc sĩ Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Tri Khương, Nguyễn Tống Triều, Lê Thị Điều… Các thầy đờn lại đào tạo người ca. Từ những hạt nhân đầu tiên, phong trào lan rộng và phát triển mạnh.

Soạn giả Huỳnh Anh (phải) trao đổi với Soạn giả Châu Thanh.
Soạn giả Huỳnh Anh (phải) trao đổi với Soạn giả Châu Thanh.

Đầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) người xã Dưỡng Điềm, môn đệ của ông Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc) ở Thuộc Nhiêu, thành lập được 1 ban đờn ca tài tử nổi tiếng khắp Nam bộ bấy giờ. Ban tài tử ông Nguyễn Tống Triều được Nhà hàng Minh Tân ở Sài Gòn mời biểu diễn thường xuyên để phục vụ thực khách (năm 1908) và sau đó ban này được mời sang biểu diễn ở Pháp (năm 1910).

Phong trào ngày càng lớn mạnh, sản sinh ra nhiều nhân tài đờn ca danh tiếng. Đặc biệt, đờn ca tài tử có một sức lôi cuốn mãnh liệt trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều nghệ nhân dạy đờn, dạy ca xuất hiện. Những bản đờn, bài ca tài tử được in ra bằng chữ Quốc ngữ bày bán khắp nơi. Năm 1911, phong trào ca ra bộ ra đời.

Đến năm 1918, nghệ thuật cải lương xuất hiện với tuồng tích mới lạ, hấp dẫn, nhưng đờn ca tài tử vẫn sống và phát triển vững vàng trong lòng người mộ điệu.

Trong giai đoạn chiến tranh, đờn ca tài tử có lúc lắng xuống. Người ta ngỡ nó “chết” trong bom đạn. Nhưng không, nó vẫn sống bằng một sức sống mãnh liệt. Ngày nay, người ta sưu tầm được rất nhiều bài ca tài tử kêu gọi toàn dân đánh Pháp, đánh Mỹ, những bài ca ca ngợi các anh hùng cách mạng, ca ngợi những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trong kháng chiến… Trong giai đoạn này, đờn ca tài tử không chỉ để vui chơi mà còn là vũ khí đánh giặc.

Sau hòa bình, phong trào được phục hồi, phát triển dần và nở rộ. Đi bất cứ nơi đâu, từ chốn đô thị phồn hoa cho đến những miền quê heo hút, từ những tụ điểm biểu diễn sang trọng cho đến một góc ruộng, một bờ sông, ta cũng có thể nghe tiếng đờn ca tài tử. Bất cứ nơi đâu, đờn ca tài tử cũng trổi lên, len lõi vào từng ngõ ngách tâm hồn mỗi người.

Kỳ lạ thay, người dân Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng không chỉ thưởng thức loại hình này ở góc độ khán giả, mà họ còn rất thích hòa nhập vào cuộc chơi. Cứ 10 người dân thì đã có khoảng 7, 8 người biết “bập bẹ” vài câu vọng cổ, vài bài tài tử thông thường. Dù hát chưa hay, chưa chuẩn nhưng họ rất thích hát. Hát như là dịp nhắn gởi chút tình tri âm tri kỷ của lòng mình.

* PV: Nét tài hoa, tính độc đáo của đờn ca tài tử là gì?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Nét tài hoa xuất phát từ lối chơi nghiêm ngặt mà phóng khoáng của đờn ca tài tử. Nghiêm ngặt là chơi nhạc tài tử phải tuân thủ theo một hệ thống bài bản quy định, trong đó 20 bài Tổ là chủ yếu nhất.

Người đờn không thể tự ý thoát khỏi lòng bản của mỗi bản đờn một cách tùy tiện. Tài hoa là ở cách diễn tấu riêng của từng người. “Học chân phương, đờn hoa lá cành” - GS.TS. Trần Văn Khê thường nói vậy. Cũng một lòng bản đó mà không ai đờn giống ai, thậm chí ngay trong 1 tài tử đờn lần sau cũng không giống y lần trước.

Đờn trong tài tử là lối chơi “tâm tấu”. Tiếng đờn nói thay cho tiếng lòng. Khi trong lòng vui, tiếng đờn thêm rộn rã; trái lại khi buồn, tiếng đờn càng thêm sầu não, ai bi. Chẳng phải không có căn cứ khi các cụ bảo “nghe tiếng đờn biết tính người”. Từ ngón tay tài hoa, tất nhiên là từ tâm hồn nữa, ngón đờn bật lên những âm thanh kỳ diệu, làm rung động biết bao tâm hồn.

Khi hòa tấu, nét tài hoa của từng tài tử cùng trào ra. Họ vừa tìm chỗ phô trương ngón đờn của mình, nhưng tuyệt nhiên không lấn lướt, trái lại còn nhường nhịn các cây đờn cùng chơi. Họ quăng bắt rất ăn ý mà không hề có sự sắp xếp trước. Đó gọi là lối hòa đờn ngẩu hứng trong đờn ca tài tử.

Về ca cũng thế. Nét tài hoa của người ca thể hiện ở chỗ cùng 1 bài ca, 1 điệu thức nhưng mỗi nghệ nhân có một kiểu sắp chữ, nhấn nhá riêng để thể hiện nội dung khi ca. Họ không diễn bằng hình thể, chỉ cần ngồi hoặc đứng yên một chỗ, nhưng họ diễn bằng kỹ thuật ca, diễn bằng cả tâm hồn, hòa quyện tâm hồn với bài ca, với người đờn, người nghe.

* PV: Xin soạn giả cho biết vì sao nói đờn ca tài tử là lối chơi tri âm tri kỹ?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Nói đờn ca tài tử là lối chơi tri âm tri kỹ vì các nghệ nhân chơi với nhau cho thỏa mãn tình nghệ sĩ, hoàn toàn không bán vé, không vì tiền. Họ chỉ thích chơi với bạn đồng điệu, hiểu nhau, cùng ngồi bên nhau đờn ca như thể cùng tâm tình.

Đã thích thì xa mấy cũng tìm, bận rộn mấy cũng đến với nhau. Thích thì chơi thâu đêm suốt sáng, không thích thì dẹp đờn, về ngủ sớm. Tính tri âm không chỉ thể hiện ở sự đồng điệu giữa những người đờn mà còn giữa người đờn và người ca; giữa người đờn, người ca và người thưởng thức. Năm ba người cũng đủ cho một cuộc chơi đờn ca tài tử.

Tôi thường nghe các “sếp” quản lý phong trào văn hóa - nghệ thuật than phiền rằng “Các đêm sinh hoạt đờn ca tài tử tổ chức tốn kém mà khán giả thưa thớt quá, không hiệu quả bằng nhạc trẻ hoặc híp-hóp”. Đánh giá như vậy là hơi vội vã, vô tình bỏ quên một tính chất đặc thù và cũng rất độc đáo của đờn ca tài tử, đó là một lối chơi “Bá Nha ngộ Tử Kỳ”.

* PV: Hiện nay phong trào đờn ca tài tử ở tỉnh ta phát triển như thế nào, các ngành chức năng đã có những biện pháp gì để bảo tồn và phát triển loại hình này, thưa soạn giả?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Ở Tiền Giang hiện có hàng trăm ban, nhóm đờn ca tài tử ở rải rác khắp các xã, huyện trong tỉnh. Mỗi huyện có 1 ban đờn ca tài tử nòng cốt được ngành Văn hóa hỗ trợ sinh hoạt định kỳ. Riêng Ban Đờn ca tài tử của tỉnh Tiền Giang do Hội Văn học - Nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp tổ chức là một ban mạnh, tập hợp nhiều tài tử giỏi trong tỉnh. Ban Đờn ca tài tử Tiền Giang luôn đạt nhiều giải cao trong các cuộc liên hoan cấp khu vực và tạo được nhiều uy tín ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Các ngành chức năng như Sở VH-TT&DL, Hội Văn học - Nghệ thuật, Đài PT&TH… đã phối hợp tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động nhằm quảng bá, phát triển loại hình này, cụ thể như: Thường xuyên tổ chức biểu diễn giao lưu, thu hình phát sóng, liên hoan hội diễn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh để các nghệ nhân có điều kiện trao đổi ngón nghề, giao lưu rút kinh nghiệm.

Tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, tập huấn chuyên đề, qua đó nâng cao tay nghề cho các ban, nhóm tài tử. Xuất bản nhiều tập tư liệu bản đờn, lời ca phổ biến trong phong trào và tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới để đờn ca tài tử mang hơi thở hiện đại trong cuộc sống.

Tập huấn nghiệp vụ cho các ban tài tử ở các điểm du lịch trong tỉnh, để qua đó quảng bá loại hình nghệ thuật của dân tộc với khách du lịch trong và ngoài nước. Lần lượt hỗ trợ nhạc cụ, âm thanh cho các ban, nhóm đờn ca tài tử có phương tiện tập dợt, sinh hoạt...

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN CHƯƠNG
(thực hiện)

.
.
.