Thứ Tư, 29/01/2014, 20:43 (GMT+7)
.

Đờn ca tài tử: Đặc sản vùng sông nước Cửu Long

Sự kiện “Đờn ca tài tử Nam bộ” vừa được UNESCO vinh danh là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đã nâng số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam lên con số 8.

Đờn ca tài tử gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ.
Đờn ca tài tử gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Nam bộ.

Đây là vinh dự cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và đặc biệt là vinh dự cho 21 tỉnh, thành phố phía Nam, những địa phương có di sản văn hóa này.

Loại hình nghệ thuật của cộng đồng

Dòng nhạc đàn ca tài tử ra đời từ rất sớm ở Nam  bộ, phát triển mạnh ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An và trở thành một bộ phận âm nhạc truyền thống của vùng đất Nam Bộ, gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây.

Đờn ca tài tử có điểm khác so với một số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam (đã được UNESCO công nhận) về không gian, thời gian trình diễn.

Chẳng hạn, với Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Sóc tại làng Gióng và làng Phù Đổng (Hà Nội), Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, không gian diễn xướng nhỏ hơn, hẹp hơn (chỉ ở 1 vùng)  hoặc thường diễn ra theo mùa, còn đờn ca tài tử không như vậy.

Đờn ca tài tử không phải là một loại hình nghệ thuật trình diễn trên sân khấu mà được nhân dân tổ chức biểu diễn trong sinh hoạt cộng đồng. Khi đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Nam bộ nói chung, ta có thể bắt gặp các nhóm biểu diễn đờn ca tài tử ở khắp nơi: Trên sân khấu, trong các tụ điểm vui chơi, trong nhà dân, trên thuyền, bên một lùm cây xanh v.v... và già trẻ, gái trai, ai cũng thích nghe, thích hát.

Dàn nhạc đờn ca tài tử cũng gọn nhẹ, chỉ 4 nhạc công và 4 nhạc cụ (đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn độc huyền, còn gọi là đàn bầu); do đàn bầu hơi khó sử dụng, người ta thay bằng cây ghi ta phím lõm.

Với người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, những lúc vui thì hát đờn ca tài tử, nhưng khi buồn thì chỉ với cây đàn kìm người ta cũng có thể giãi bày lòng mình qua tiếng đàn cùng với những câu ca... Chính vì vậy khả năng phát triển của loại hình nghệ thuật này rất rộng, nhất là ở nông thôn.

Ở các tỉnh thành Nam bộ, lâu nay phong trào đờn ca tài tử vẫn phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những loại hình thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Theo thống kê, ở 21 tỉnh thành Nam Bộ hiện đang có hơn 2.000 câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt thường xuyên và thu hút gần 23.000 thành viên tham gia.

Hầu khắp các tỉnh thành Nam Bộ, nơi nào cũng có các CLB, đội nhóm sinh hoạt thường xuyên, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, các CLB, đội nhóm đờn ca tài tử có mặt khắp tất cả các quận, huyện.

Những con số này là minh chứng sinh động cho sức lan tỏa trong cộng đồng và sự thu hút của nghệ thuật đờn ca tài tử đối với người dân. Hơn thế, không chỉ người dân Nam bộ mà có không ít người miền Trung, miền Bắc, người dân tộc thiểu số cũng tìm hiểu và trình diễn đờn ca tài tử. Đây là một nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, chưa kể một loại hình nghệ thuật nảy sinh từ đờn ca tài tử là sân khấu cải lương, mà người Việt hầu như ai cũng biết.

Theo ông Hồ Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố Cần Thơ, nét độc đáo của đờn ca tài tử trước hết là tính quần chúng. Với người dân Nam bộ, do sinh ra và lớn lên trong cái nôi của đờn ca tài tử, nhiều người không cần học mà vẫn có thể hát được. Đờn ca tài tử được người dân chọn là hình thức giải trí sau những lúc lao động mệt nhọc.

Là người cả đời dành tâm huyết nghiên cứu về nghệ thuật đờn ca tài tử, GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: “Đờn ca tài tử là cuộc tao ngộ đầy cảm hứng của khách tri âm, người tri kỷ. Không câu nệ, không hình thức và không khoảng cách, tiếng đờn hòa với tiếng đờn, lời ca quyện với lời ca, họ có thể ứng tác, ứng tấu, sáng tạo liên tục”.

Ngay từ năm 1963, UNESCO đã biết đến đờn ca tài tử qua giới thiệu của GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Các bộ đĩa thu đờn ca tài tử đó vẫn được lưu trong kho lưu trữ âm nhạc dân tộc của UNESCO.

Năm 1994, đĩa đờn ca tài tử với tiếng đàn kìm của GS.TS Trần Văn Khê và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng trở thành đĩa âm nhạc bán chạy nhất tại Pháp. “Mấy chục năm trước chỉ nghe qua đĩa mà UNESCO đã công nhận giá trị của đàn ca tài tử rồi thì hôm nay với đầy đủ tài liệu được làm bài bản hơn, giới thiệu những cái hay hơn thì việc đờn ca tài tử được công nhận là chuyện đương nhiên”, GS.TS Trần Văn Khê cho biết.

Liên hoan đờn ca tài tử.
Liên hoan đờn ca tài tử.

Vấn đề bảo tồn

Không chỉ từ khi trở thành “Di sản Văn hóa thế giới” vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử mới được đặt ra nhưng hiện nay, điều này lại trở nên cần thiết hơn nhiều.

Theo GS.TS Trần Văn Khê, chúng ta cần có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử, nhất là không để đờn ca tài tử bị sân khấu hóa, thương mại hóa. Hiện nay, dường như đã có sự biến dạng trong nghệ thuật diễn xướng đờn ca tài tử từ cách chơi nhạc đến trang phục, từ tính phóng khoáng đến địa điểm sinh hoạt, thậm chí đờn ca tài tử bị lợi dụng để biểu diễn tại các quán nhậu, những cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa.

Một thách thức khác là mặc dù các CLB đờn ca tài tử phát triển mạnh, nhưng điều đáng lo là đờn ca tài tử đã bị “cải lương hóa”. Biểu hiện rõ nhất là họ chơi và ca cải lương nhiều hơn là bài bản tài tử; hiếm khi họ chơi trọn vẹn một bài bản tài tử (vì có những bản nếu chơi đủ thì phải hơn 30 phút mới hết).

Thêm nữa, hiện gần như không ai còn nắm được đầy đủ 20 bài bản Tổ, bản kinh điển của đờn ca tài tử (Gồm: 3 bài Nam (Nam xuân, Nam ai + Nam ai lớp mái, Đảo ngũ cung + Song cước); 6 bài Bắc (Lưu thủy, Xuân tình, Phú lục, Bình bán, Tây Thi, Cổ bản); 7 bài Lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc); 4 bài Oán (Tứ đại oán, Giang nam, Phụng cầu hoàng, Phụng hoàng cầu).

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Phó Trưởng Khoa sau đại học Trường Đại học Văn hóa TPHCM, một trong những thành viên tham gia quá trình khảo sát để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hoá phi vật thể cho biết, để bảo tồn đờn ca tài tử chúng ta có thể tạo điều kiện bằng nhiều cách. Thí dụ, ngành VHTTDL của địa phương hỗ trợ, giúp đỡ các CLB tổ chức sinh hoạt định kì hằng tháng. Bên cạnh đó là việc khích lệ tinh thần sáng tạo các bản nhạc tài tử.

Còn nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (nay đã 96 tuổi), một trong những người gắn bó với âm nhạc truyền thống cũng cho rằng cần phải có chương trình hành động cụ thể để giới trẻ thấy được cái hay, cái độc đáo từ di sản của cha ông ta để lại. Nên chăng Nhà nước và các ngành chức năng cần hỗ trợ để các nhạc sĩ, nghệ nhân giỏi đờn ca tài tử có điều kiện dành thời gian, tâm huyết cho việc truyền nghề, dạy nghề.

Hiện tại, có rất nhiều nghiên cứu của GS. Trần Văn Khê, GS. Trần Quang Hải (con trai GS. Trần Văn Khê), nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên (giảng viên âm nhạc tại Đại học Quốc gia Australia) và nhạc sĩ Huỳnh Văn Khải (Trưởng Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh)… đã và đang đóng góp rất nhiều cho đờn ca tài tử.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.