Thứ Ba, 28/01/2014, 09:02 (GMT+7)
.

Mùa Xuân về nhớ một người "mê" sách

Mùa xuân đã về. Mở từng trang sách, đọc những bài nghiên cứu về vẻ đẹp, sắc màu của đất trời mùa Xuân, tôi chợt nhớ về một người “mê” sách báo. Tôi muốn nói về tác giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm sách báo Nguyễn Văn Quý, hội viên Chi hội Văn học (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang).

Mùa Xuân này, đã 2 mùa Xuân, ông đi về một thế giới khác - thế giới siêu hình của nhiều nhà văn, nhà thơ mà ông từng ngưỡng mộ. Mùa Xuân này, tôi không còn niềm vui được ngồi bên ông, giở từng trang báo Xuân và trao đổi cùng ông về cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn thơ về mùa Xuân nữa.

Tôi không nhớ rõ từng gặp tác giả, nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Văn Quý lần đầu tiên vào thời điểm nào và ở đâu. Thế nhưng, ấn tượng về ông thì vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Phong thái của ông mang cốt cách mô phạm của nhà giáo nhưng tâm hồn ông lại mang vẻ đẹp phóng khoáng, hồn nhiên của một nghệ sĩ. Nhiều lần trò chuyện, trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Quý về văn chương, tôi cảm nhận ông là người uyên bác, hiểu sâu sắc về đời sống và công việc sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ.

Ông là người “mê” sách báo một cách kỳ lạ. Tôi nhớ, ông từng “khoe” với tôi 2 cuốn sách: “Chùa đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân, xuất bản ở 2 thời điểm khác nhau. Ông chỉ rõ và phân tích cho tôi hiểu về những đoạn in khác nhau trong cùng tác phẩm “Chùa đàn” ở 2 thời điểm xuất bản. Đối với ông, mỗi con chữ trên trang sách của các nhà văn, nhà thơ đều ẩn chứa sự bí ẩn mà người đọc tri âm như ông cần khám phá.

Nguyễn Văn Quý không chỉ là người sưu tầm sách báo với số lượng hàng chục ngàn đầu sách, các loại tạp chí và báo, mà ông còn là tác giả viết truyện ngắn, làm thơ và viết báo. Mấy chục năm qua, hàng trăm bài viết, bài nghiên cứu của ông về chân dung văn nghệ sĩ và các vấn đề về văn học nghệ thuật đã được in trên Báo Ấp Bắc, Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang... Đối với ông, việc “mê” sách báo, sưu tầm sách báo chỉ đơn giản, bởi vì trên từng trang sách, trang báo đều ẩn chứa cái đẹp và những thông tin quí giá về con người, đời sống xã hội của một giai đoạn, thời kỳ lịch sử.

Không chỉ là người sưu tầm, lưu giữ tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ qua các thời kỳ lịch sử, Nguyễn Văn Quý còn là người đọc tri âm, đồng điệu với các nhà văn, nhà thơ. Tôi từng nghe ông chia sẻ, trao đổi nhiều phát hiện thú vị về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Những điều ông khám phá, trao đổi dù chưa được ông viết thành sách, nhưng vẫn gợi cho tôi nhiều điều lý thú về sự đồng điệu giữa người sáng tác và người đọc.

Sống giữa thời đại xã hội tiêu dùng, trong khi một số người mê tiền tài, vật chất thì ông lại “mê” một thứ có vẻ thuần khiết, đó là sách báo. Trong căn nhà nhỏ của ông, các loại sách báo xếp ngăn nắp nằm trên giá sách khắp các vách tường. Tôi từng hình dung, ông đi lại, hít thở, ngủ và mơ giữa thế giới của những con chữ, giữa một thế giới lung linh và huyền ảo trên từng trang sách của các nhà văn, nhà thơ.

Tôi cảm nhận ông là người lặng lẽ và sống chậm. Ông lặng lẽ bởi vì chỉ như vậy ông mới có thể khám phá, giao hòa với tâm hồn con người, sự vật được thể hiện trong các tác phẩm văn học. Ông sống chậm bởi vì hơn ai hết, điều này giúp ông sống tận cùng với con người thẳm sâu của chính mình và khám phá chiều sâu thẳm của cái đẹp, của sự thật trong từng trang sách, báo...

Nhớ về ông, trong tâm trí tôi hiện rõ hình ảnh ông đang lục tìm từng cuốn sách trên giá sách và chậm rãi mở từng trang. Ông đọc to những đoạn văn hay mà ông ưng ý cho tôi nghe. Tôi vẫn nhớ như in dáng ông dong dỏng cao, chậm rãi đạp xe trên đường phố Mỹ Tho vào buổi chiều. Gương mặt đăm chiêu của ông như đang ngẫm nghĩ một ý tưởng thú vị nào đó mà ông vừa phát hiện khi đọc một cuốn sách.

VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
.