Thứ Sáu, 07/02/2014, 10:02 (GMT+7)
.

Chuyện của Bính Ngọ

Mẹ ơi! Bà Tư dặn năm nay là năm tuổi của mẹ con mình, ai nói gì cũng phải nhịn.

Bính Ngọ nhìn nhánh mai hé nụ, có cái sắp bung cánh; mũi hít mùi nhang con gái cúng giao thừa…

Con gái giành lấy chiếc áo khoác âm ẩm hơi sương của mẹ đi thẳng nhà sau và nói:

- Mẹ con mình là “Song kiếm hợp bích”, “Mã đáo thành công” mà mẹ!  

Bính Ngọ nhìn quanh nhà cảm thấy hài lòng, rồi theo sau. Thấy con pha nước vào xô, chị bảo: “Nay lại cầu kỳ. Ở nhà một mình, mẹ vẫn tắm nước lạnh”. Quỳnh Ngọc bê xô nước vào nhà tắm và nói: “Năm mới mẹ phải tắm gội cho sạch sẽ. Ăn xong, mẹ con mình ngủ, sáng đi lễ chùa sớm”. “Ừ. Bây giờ ngoài đường phố vẫn còn người đi hái lộc. Phải mẹ không vào ca quét dọn giao thừa thì mẹ con mình đi hái lộc đầu năm”.

Ngọc không nói gì, nhưng cảm thấy tui tủi trong lòng khi những đêm giao thừa mẹ phải quét dọn ngoài đường, còn Ngọc một mình ngóng ra cửa chờ mẹ. Tết! Rác nhiều lắm. Mẹ phải quét xong đoạn đường mình được phân công rồi mới về. Thấy mẹ cực, em xin theo phụ. Mẹ bảo, ở nhà mở cửa đón giao thừa và thắp nhang cho ấm nhà cửa.

Chị Bính Ngọ dội nước vào người, cảm thấy cơ thể ấm lên, nhẹ nhõm, dễ chịu. Vuốt ít sữa tắm vào da, săm soi cơ thể, chị chợt giật mình “Còn hai năm nữa là năm mươi rồi. Con gái tết này đã hai mươi bốn tuổi!”. Hai mẹ con cùng tuổi ngọ cách nhau  hai giáp.
 ***
Lọt lòng vừa chạng vạng, hôm sau cô mụ hỏi mẹ đặt tên con gái là gì. Bà ngập ngừng, rồi nói: “Bính Ngọ. Trần Thị Bính Ngọ”. Cô mụ nhìn bà, thở ra: “Ngựa chạy đường dài!”. Bính Ngọ sinh ra thì ba bỏ đi biền biệt. Ngọ lớn lên trong câu hát của mẹ “Gió đưa bụi chuối sau hè…”.

Nhà đông anh em, tuổi thơ của Ngọ với mười đầu ngón tay thường xuyên bị cua đồng kẹp rướm máu và dính mủ chuối đen thui. Ngọ đến trường với chiếc cặp đệm rách còn một nửa; đôi lúc nắng chạm hiên nhà, em vẫn phải ngồi chờ mẹ vá áo để đến trường. Bài văn nào của Ngọ cũng được cô giáo chuyền đọc mẫu cho các lớp nghe, nó nhàu nhĩ khi về với “chính chủ”. Cuối năm học, Ngọ mặc cái quần cũn cỡn, cao hơn mắt cá chân lên lãnh thưởng.

Ước mơ vào đại học của Bính Ngọ tan biến, bởi ngày xưa ai cũng nghèo, không có những chương trình “Chắp cánh ước mơ” như bây giờ. Tốt nghiệp trung học, Ngọ xin vào làm ở một cơ quan huyện, giỏi giang trong công việc, nên phải lòng  một “tình yêu”.

Cuối thu năm ấy, Bính Ngọ “sang sông” và cuối xuân năm sau thì rời nhà chồng, bởi má chồng tính tình khe khắt. Chồng Ngọ sợ mẹ, chăm sóc vợ phải lén lút. Thấy thế, Bính Ngọ bỏ về nhà tập thể. Chồng lén ra thăm vợ, bị má chồng mắng: “Mày theo nó, tao không chia của, xem như mày sút nôi từ nhỏ”.

Bụng Bính Ngọ lùm lùm thì cô nghe má chồng đang chấm cô gái trong xóm giỏi mần ruộng, nghe đâu “kẻ đẩy người đưa” vì cô ta đã phải lòng anh chồng Bính Ngọ lâu rồi. Chồng Ngọ vắng dần, anh không hề biết vợ quay quắt từng đêm đợi chờ.

Bính Ngọ chuyển dạ trong một đêm mưa. Mưa nhiều lắm và không một người thân bên cạnh. Sau một lúc hành mẹ oằn oại, bé gái mũi cao, môi chúm chím chào đời. Có người đùa: “Mẹ Bính Ngọ đặt tên con là Canh Ngọ luôn đi!”. Có người bàn ra: “Bậy à! Đặt như vậy nó khổ như mẹ nó, tội lắm!”. Nhà bên nội không ai tới thăm, họ nhắn lời rằng: Đến thôi nôi giao con cho họ. Ngọ đau lòng vì câu nói đó.

Xong hậu sản, Bính Ngọ nhận luôn quyết định giảm biên chế vì không bằng chuyên môn và nhận luôn tin chồng gởi đơn ra tòa. Tờ quyết định bằng giấy pô luya mỏng tăng mà Ngọ có cảm giác nặng trình trịch. Cô cầm nó và đi như người mộng du, cái dáng gầy gò, xác xơ như khô thêm dưới nắng hè. Đêm vẫn tiếp tục dài ra và nước mắt gần như khô kiệt.

Sáng ra, Ngọ vươn vai đứng dậy: “Phải tìm một việc làm để nuôi con”. Cô gởi con và lên chiếc xe đạp cũ kỹ đến nhiều cơ quan xin việc. Ai cũng ái ngại bảo không chuyên môn, có con nhỏ… Nắng trưa như nung. Miệng khô cháy. Bụng réo gào. 

Vòng quay xe trĩu nặng và tiếng cót két của xe lớn hơn. Ngọ khép cửa, con bé bám chặt bầu vú mẹ vì đói. Một tay ôm con, một tay Ngọ vét chén cơm nguội với đọt lang luộc chấm nước tương. Má đông con, anh chị lúc ấy đều nghèo, lãnh tháng lương sau cùng có ba mươi hai ngàn, Ngọ cất kỹ vào áo gối phòng khi con bệnh.

Đang buồn thắt ruột, thì mẹ đội nắng trưa, xách túi đệm nằng nặng bước vào, mặt buồn hiu: “Ngọ ơi! Con heo con gởi nó bỏ ăn. Anh Mười mày kêu thú y chích, nó chết rồi. Má mần thịt đem ra cho con nè!”. Ngọ thấy mẹ ngấn nước mắt, vờ bồng cháu ra cửa. Cố giữ cho giọng mình đỡ thê thảm, Ngọ nói: “Sao má không để ở trỏng cho ảnh chỉ với mấy đứa nhỏ ăn!...”.

Bà mẹ giọng rầu rầu: “Tụi nó gởi cho mẹ con mày năm lít gạo. Thấy mày nghèo còn mắc cái eo mà tụi nó không giúp gì được nên cũng buồn!”.

Bính Ngọ rửa mặt, thay đồ rồi bảo: “Bé Ngọc ở nhà với bà. Mẹ đi công chuyện chút nhé!”. Ngọ đẩy xe đạp ra. Mẹ hỏi: “Chừng nào bây đi mần lại!?”. Không muốn bà lo, Ngọ đáp: “Chưa đâu má, vì bé nó còn nhỏ quá!”. Bà già quê mùa nên nói sao nghe vậy. Con bé khóc. Bà ôm nó lên võng, tiếng hát đuổi theo lưng Bính Ngọ: “Ầu ơ…. Mẹ mong gả thiếp về vườn / Ăn bông bí luộc/ Ấu ơ / Chớ ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh…”.

Bóng Bính Ngọ liêu xiêu trên chiếc xe đạp chậm chạp, đã vậy còn tuột sên. Cô mệt mỏi nhảy xuống, ì ạch một hồi, mồ hôi nhỏ giọt, tay dính đầy nhớt, tủi thân muốn khóc. Một bóng mát che lấy tấm thân gầy gầy của Ngọ, giọng  nhẹ nhàng: “Để chị giúp cho!”. Một lúc dây sên chịu ôm lấy líp xe, cầm bàn đạp quay thử bánh xe xoay rào rào. Ngọ ngước lên cảm ơn, nhận ra là chị công nhân quét rác. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu.

Bính Ngọ đi theo bắt chuyện, giúp chị quét lá và hốt đổ vào thùng rác. Sáng hôm sau, Bính Ngọ cầm lá đơn xin việc viết tay đến trình ông giám đốc công ty công trình vệ sinh đô thị. Nhìn chữ viết đều tăm tắp, ông buột miệng hỏi: “Đơn này ai viết giùm cô vậy?”.

Bính Ngọ lo lắng: “Dạ em tự viết. Có sai gì không anh!?”. “Không! Thấy chữ đẹp, tôi hỏi. Ủa, cô có trình độ học vấn sao lại…!?”. Bình Ngọ quay lại, nhìn vào mắt vị giám đốc: “Người có học vấn không quét rác được sao anh!?”. “Không! Ý tôi muốn nói, tiếc rằng văn phòng cơ quan tôi không còn chỗ….”.

Bính Ngọ vuốt đôi bàn tay chai cứng của mình vào nhau, chép miệng: “Mới đó đã gần hai mươi bốn năm!”. Làm công nhân quét rác vui ít mà buồn nhiều. Buồn nhất là có lần con gái đi học về khóc nức nở: “Mẹ ơi! Hai chị lớp năm nói…nói… con là con bà quét rác thúi quắc!”. Lần khác, con gái về thủ thỉ: “Hồi sáng cô quýnh mấy bạn quá chừng. Cô còn kêu: Bạn nào ghẹo Quỳnh Ngọc là thùng rác thì cô đánh đòn thật đau!…”.

Từ lúc Bính Ngọ đi làm, bà ra ở với cháu. Lúc cháu được vài tuổi, Bính Ngọ phải làm ca đêm. Có những đêm khuya chị về đứng ngoài cửa, nghe bà hát ru cháu mà chạnh lòng. Làm ban đêm mát mẻ nhưng rất nguy hiểm. Có lần Ngọ bị một gã say rượu lủi vào người.

May mà chỉ  bị trầy trụa. Cực nhất vẫn là những ngày lễ, tết, người ta tụ họp gia đình ăn uống, tiếp khách nên thải rác rất nhiều, nhưng bù lại chị kiếm thêm được ít tiền bán ve chai từ rác thải chai nhựa, vỏ bia…

Lau những giọt nước cuối cùng, Bính Ngọ thay bộ đồ mới hơn thường ngày mà con gái đã soạn sẵn, chị cảm thấy người khỏe ra, nhẹ nhỏm, thơm tho. Tiếng ghi-ta của con gái bập bùng rồi ngừng lại. Giọng Quỳnh Ngọc trong trẻo: “Mẹ ơi! Bà Bảy qua chúc tết nè mẹ!”.

Bà Bảy Huệ làm nghề gói bánh ít, bánh tét. Bà mượn cái dĩa đặt đòn bánh tét lên bàn, giọng ngọt ngào: “Dì gói cho hai mẹ con mày đòn mỡ, đòn chuối để mùng 3 Tết nhà, rồi ăn!”. Quỳnh Ngọc nhanh miệng: “Bà Bảy gói bánh khéo quá!”. Bính Ngọ ngại ngùng: “Năm nào dì Bảy cũng cho bánh. Mẹ con của con không có cái gì tặng lại, ngại quá! Ngọc lấy bánh mứt, rót trà mời bà đi con!”. Ngọc dạ, rồi làm ngay.

Bà Bảy Huệ nhìn quanh căn nhà, rồi nói: “Dì qua chúc mẹ con bây năm mới mạnh khỏe, may mắn, con gái học xong có việc làm!”. Bà nhìn ra con hẻm: “Mấy cái tết rồi con hẻm cao ráo, sạch sẽ, mưa không bị ngập, bà con ai cũng biết ơn bây. Nếu lãnh đạo Trung ương không về thăm nhà này, thì đâu thấy con hẻm ngập nước, hôi rình”.

Bà Bảy nhắc chuyện của sáu năm về trước, chị Ngọ cũng bất ngờ. Hồi chị được cử đi báo cáo điển hình ở Hà Nội, nghe hoàn cảnh của chị và biết chị người cùng quê nên Phó Chủ tịch nước đã đến gặp gỡ, thăm hỏi và xin địa chỉ.

Ngờ đâu tháng sau, Phó Chủ tịch nước về thăm quê, bất ngờ ghé qua. Vị lãnh đạo cấp cao phải vo quần lên quá đầu gối vào con hẻm và khum người vào căn nhà thấp lè tè của cô công nhân quét rác. Còn Bính Ngọ thì vừa đi làm về, còn mặc áo công nhân vệ sinh, đang dẹp mấy cái thau hứng dột vì mưa vừa tạnh.

Như có bàn tay của bụt, chưa đầy tháng sau, con hẻm được thông cống, đắp lên cao, lót đan và mẹ con chị Ngọ được hỗ trợ căn nhà đại đoàn kết. Xóm lao động nghèo vốn thương hoàn cảnh mẹ con chị, nay càng cảm mến hơn. Bính Ngọ hỏi thăm: Năm nay dì ăn tết lớn và có nhiều người đặt bánh hôn!?”. Nhận tách nước bé Ngọc đưa, bà Bảy bảo: “Ăn tết thì cũng như mọi năm, nhưng năm nay cái gì cũng đắt đỏ, sắm đủ ăn qua mùng là có chợ rồi. Năm nay có mấy chỗ mới đặt gói bánh mà dì không nhận, mệt quá con ơi!”.

Bà Bảy hớp ngụm nước khen: “Trà Bắc đó hả. Bây mua ở đâu ngon vậy!?”. Bính Ngọ nhìn con gái. Quỳnh Ngọc cười chúm chím: “Hồi tối chú Ba bên Bưu điện ghé đưa bưu phẩm của “người ấy” gởi cho mẹ. Con lấy trà cúng giao thừa nãy giờ quên nói. Có cả cái khăn choàng với áo lạnh nữa!”. Bà Bảy kêu lên: “Có phải cái chú đòi cưới bây hồi trước hôn!?”.

Bính Ngọ cắn môi, khẽ gật. Chị cũng khao khát tột cùng một vòng tay yêu thương, nhưng vì con nên chị chưa nghĩ tới. Gần tám năm nay Bính Ngọ nợ người ấy. “Dì thấy chú đó nặng tình với bây. Con gái sắp gả rồi, bước thêm bước nữa đi con, lo gì nữa chứ!” - dì Bảy nói… 

Tiễn dì Bảy ra cổng, dúi vào tay dì ít trà cùng lời chúc tốt đẹp, Bính Ngọ quay vào. Con gái khoác áo và choàng khăn lên người mẹ. Chị cảm thấy như có một vòng tay ấm áp choàng qua vai. Ngọc vùi mặt vào lưng chị và thủ thỉ: “Mẹ tìm bố dượng cho con đi. Con đã lớn rồi mà!”.

NGỌC LỆ

.
.
.