Thứ Bảy, 15/02/2014, 06:08 (GMT+7)
.

Đêm lịch sử trọng đại của nghệ thuật đờn ca tài tử

Tối 11-2, tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh; lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương; Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh cùng đông đảo nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu và đồng chí, đồng bào dự Lễ đón nhận Bằng UNESCO công nhận “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Chú thích:
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận hoa và Bằng Di sản “Nghệ thuật Đờn ca tài tử”. Ảnh: Ngọc Lệ

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, cùng đại diện lãnh đạo 21 tỉnh, thành phía Nam đã vinh dự nhận Bằng sở hữu “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” do bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao. Bà Katherine Muller Marin cũng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ và mong muốn Việt Nam sẽ giữ gìn, phát huy đúng nghĩa giá trị của “Nghệ thuật Đờn ca tài tử”…

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ, của người Việt Nam chúng ta, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới; đồng thời là một minh chứng về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới. Đây cũng là điều kiện để bạn bè quốc tế hiểu nhiều hơn, sâu hơn về một vùng đất không chỉ anh dũng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là một vùng quê hiền hòa, trù phú, một vùng hoa thơm trái ngọt và luôn đồng vọng tiếng đờn, lời ca sâu nặng nghĩa tình…

Nghệ nhân trẻ Ngọc Đặng (Tiền Giang) đã biểu diễn bài Ngũ đối hạ tựa đề Sắc Xuân.
Nghệ nhân trẻ Ngọc Đặng (Tiền Giang) đã biểu diễn bài Ngũ đối hạ tựa đề Sắc Xuân.

Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh đã công bố và nêu quyết tâm thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Trong giờ phút long trọng này, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Tiền Giang nhận Bằng Di sản do Ban tổ chức trao tặng; Nghệ nhân trẻ Ngọc Đặng (Tiền Giang) đã biểu diễn bài Ngũ đối hạ, tựa đề Sắc Xuân của Nghệ nhân Đức Huệ (huyện Gò Công Đông) trong 10 tiết mục biểu diễn hoành tráng của Chương trình “Nghệ thuật đờn ca tài tử” với cảnh sắc phục hiện sinh động của vùng sông nước Nam bộ.

Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2014 - 2020)

1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

3. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn... để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.

4. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các “bài Tổ”, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong cuộc sống đương đại.

5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức thường xuyên và định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

6. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các nghệ nhân đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử.

7. Tạo mọi điều kiện để nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ có nhiều cơ hội giao lưu, trình diễn ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ ở các địa phương; định kỳ 3 năm/lần tổ chức Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc.

NGỌC LỆ

.
.
.