Thứ Tư, 23/04/2014, 13:50 (GMT+7)
.

Cần chung sức tháo gỡ khó khăn trong hoạt động Trung tâm VH-TT cấp xã

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa tổng kết đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết 26/2012/NQ-HĐND ngày 5-7-2012 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách về xây dựng và phát triển trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT) xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) trên địa bàn tỉnh.

Đợt giám sát thực tế ở các địa phương cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị Quyết 26 bước đầu có kết quả, nhưng chưa cao do gặp nhiều khó khăn, bất cập từ cơ chế, chính sách…. Để khắc phục những tồn tại này, cần có sự quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ từ các bên để đưa Nghị quyết vào cuộc sống đạt hiệu quả cao.

Cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhằm xã hội hóa việc đầu tư xây dựng và hoạt động  của các trung tâm VH-TT cấp xã.
Cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhằm xã hội hóa việc đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm VH-TT cấp xã.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” và ủy nhiệm cho Sở VH-TT&DL tổ chức triển khai Đề án đến các sở, ban, ngành, UBND các cấp, phòng VH-TT, trung tâm VH-TT. UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 10-6-2013 về việc tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục củng cố, phát triển, nâng chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn cấp xã.

Cụ thể, qua 2 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã thành lập 23 trung tâm VH-TT cấp xã, đạt 13,6% chỉ tiêu (Nghị quyết 26 đề ra đến năm 2015 đạt 25 - 30% tổng số cấp xã thành lập trung tâm). Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 66 sân bóng đá cấp xã, đạt 39% (mục tiêu đến năm 2015 là 45 - 50%)… Một số địa phương, cơ sở còn thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng sân bóng đá mini, hồ bơi, sân bóng chuyền, sân cầu lông…

Ngoài ra, một số nơi tuy chưa thành lập trung tâm VH-TT nhưng hoạt động phong trào văn hóa - thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, thường xuyên…

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: “Qua đợt khảo sát cho thấy, nhiều nơi đã đầu tư xây dựng trung tâm VH-TT cấp xã khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ…, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, luyện tập TD-TT, tạo sân chơi bổ ích và môi trường sinh hoạt lành mạnh cho nhân dân như đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội diễn văn nghệ, các giải thể thao phong trào…

Ngoài ra, một số trung tâm VH-TT, nhà văn hóa xã còn ký kết hợp đồng khai thác các nguồn thu cho ngân sách như cho thuê tổ chức hội nghị, hội thảo…”.

NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế và đã phát sinh một số bất cập về cơ chế, chính sách. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Thị ủy Gò Công, thành viên Đoàn giám sát cho rằng: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, phong trào văn hóa - văn nghệ, TD-TT có bước tiến bộ nhưng có không ít trung tâm VH-TT hoặc nhà văn hóa cấp xã được đầu tư xây dựng khang trang và mua sắm nhiều trang thiết bị nhưng hoạt động lại cầm chừng gây lãng phí, điển hình như ở xã Long An, huyện Châu Thành và xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè…”.

Theo đa số các xã, phường, thị trấn được giám sát, việc thành lập 5 phòng chức năng thuộc trung tâm VH-TT là chưa cần thiết, do chưa phát huy được hiệu quả, nhất là phòng đọc sách không còn phù hợp với nhu cầu của người dân, do sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin hiện nay. Ngoài ra, nhiều địa phương, cơ sở phản ánh hoạt động của trung tâm giáo dục cộng đồng cũng chưa phát huy hiệu quả, kiến nghị hợp nhất vào trung tâm VH-TT.

Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thì cho rằng, thực tế chúng ta chưa có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, thế nên Đề án xây dựng và phát triển trung tâm VH-TT cấp xã tính xã hội hóa chưa cao. Mặt khác, các sở, ngành có liên quan chưa ban hành văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế chi tiêu tài chính, tổ chức bộ máy… nên hoạt động của các trung tâm còn rất lúng túng.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ địa phương, cơ sở xem việc thành lập trung tâm VT-TT cấp xã chỉ là điều kiện để đáp ứng các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nên chỉ làm thủ tục pháp lý thành lập trung tâm khi chưa đủ điều kiện…

ĐỂ NGHỊ QUYẾT 26 ĐI VÀO CUỘC SỐNG ĐẠT HIỆU QUẢ CAO

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh: Nói một cách dễ hiểu là việc thực hiện Nghị quyết 26 ưu điểm chỉ đạt 5 mà khuyết điểm có đến 8. Việc triển khai Nghị quyết 26 chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến mỗi địa phương, cơ sở hiểu khác nhau nên việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ và gây lãng phí.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế đã nêu trên, trước tiên cần có sự quan tâm sâu sát từ lãnh đạo các cấp, các ngành. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện Đề án xây dựng và phát triển trung tâm VH-TT cấp xã. Chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các ngành liên quan khẩn trương ban hành hướng dẫn cụ thể về kinh phí hoạt động; công tác tổ chức cán bộ và cộng tác viên hoạt động tại trung tâm VH-TT cấp xã; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ tại các trung tâm.

Bên cạnh đó, cần tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án để đánh giá hiệu quả và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình và hoạt động của trung tâm VH-TT theo tinh thần xã hội hóa; đồng thời nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cơ sở vừa yếu vừa thiếu…

Các thành viên trong Đoàn giám sát còn kiến nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu lại một số điểm của Nghị quyết 26, xem có nhất thiết thành lập nhà văn hóa ở mỗi xã, phường, thị trấn hay không, vì thực tiễn đã chứng mình không ít nhà văn hóa không phát huy hiệu quả…, nhằm sớm đưa Nghị quyết 26 vào cuộc sống đạt hiệu quả cao.

HOÀI THU

.
.
.