Thứ Tư, 20/08/2014, 13:29 (GMT+7)
.

Giá trị nghệ thuật các bài thơ,văn tế của Nguyễn Đình Chiểu điếu Trương Định

Lịch sử ghi nhận khởi nghĩa Trương Định là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn trong giai đoạn đầu của phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định bất khuất trong chiến đấu và đã anh dũng hy sinh với bao niềm thương tiếc của nhân dân.

Trước cái chết của Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu chẳng những tỏ ra đau đớn vì đã mất một người bạn chiến đấu đồng tâm, đồng chí, mà còn tỏ ra ái ngại vì trước nạn nước mất nhà tan khó có người có đầy đủ nghị lực và uy tín như Trương Định để lãnh đạo nghĩa quân chống thực dân Pháp xâm lược. Cụ Đồ Chiểu bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn của mình đối với người anh hùng đã một lòng vì dân đánh giặc qua cụm tác phẩm điếu Trương Định gồm 1 bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn.

Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại TX. Gò Công.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại TX. Gò Công.

Trước hết, Nguyễn Đình Chiểu muốn đề cập đến vai trò của Trương Định được nhiều người dân Nam bộ biết đến, nhất là vùng đất Gò Công. Trong 12 bài thơ Nguyễn Đình Chiểu điếu Trương Định, mở đầu ông viết “Trong Nam tên nổi như cồn” và nói lên tình cảm đau xót, tiếc thương vô hạn Trương Định cùng các nghĩa quân của nhân dân thời ấy, qua khổ thơ đầy cảm động:

Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ,
Cái ấn Bình Tây đất vội chôn.
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy,
Lâm tâm ba chữ điếu linh hồn.
(Điếu Trương Định bài I)
Hay:
Trên trại đồn điền hoa khóc chủ,
Dưới Vàm bạo ngược
              sóng kêu quan

Mấy dặm non sông đều xững vững,
Nạn dân ách nước để ai toan.
(Điếu Trương Định bài VII)
Hoặc:
Ôi! Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng  
                  gặp bước gian truân;
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê,
 cám niềm thần tử hết lòng trung ái
(Văn tế Trương Định)
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã hết lời ca ngợi cái chết dũng cảm của Trương Định trong  bài văn tế Trương Định:
Vì nước tấm thân đã gửi còn mất
            cũng cam;
Giúp đời cái nghĩa đáng
        làm nên hư nào nại.

(Văn tế Trương Định)

Nhà thơ cũng đã ghi lại nỗi đau xót của quần chúng trước cái chết của lãnh tụ Trương Định:
Chạnh lòng tướng sĩ, thương quan tướng, nhắc quan tướng,
        chiu chít như gà…

Tướng quân còn đó khắp nơi đạo tặc thảy kiêng dè, tướng quân mất rồi,            mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái...

(Văn tế Trương Định)
Điều đáng chú ý khi khóc thương tiếc lãnh tụ nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu không phải chỉ nói lên tình cảm của cá nhân mình, hay tình cảm của một tầng lớp nào trong xã hội, mà nhà thơ ghi lại lòng thương tiếc của đông đảo nhân dân.

Bởi cái chết của Trương Định là tổn thất của quần chúng, là mất mát to lớn của phong trào chống thực dân Pháp xâm lược. Quan điểm nhân dân của nhà thơ trong việc ca ngợi lãnh tụ nghĩa quân còn ở chỗ ông thấy được mối quan hệ mới giữa Trương Định và quần chúng mà các thủ lĩnh phong kiến ngày xưa không có được.

Nguyễn Đình Chiểu còn nêu lên quan điểm dân tộc trong bài văn điếu Trương Định, thể hiện ở chi tiết nhà thơ rất đau xót thấy đất nước bị chia cắt. Ông nói đến cảnh “bên Hồ bên Hán”, “nửa Tống nửa Liêu”, “dưa chia khăn xé”. Những câu nhà thơ viết về đất nước bị chia cắt cũng xót xa, thống thiết chẳng khác gì những câu ông viết về nỗi mất mát, đau thương khác của nhân dân, của dân tộc:

Sự thế hãy bên Hồ bên Hán,
         bao giờ về một mối xa thư,
Phong cương còn nửa Tống nửa Liêu
     đâu nỡ hại một tay tướng soái.
Vì ai khiến dưa chia khăn xé,
nhìn giang sơn ba tỉnh luống thêm buồn,
Biết thuở nào cờ phất trống rung,
hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái.
(Văn tế Trương Định)

THẢO TRÚC

.
.
.