Thứ Hai, 02/02/2015, 13:04 (GMT+7)
.

Đình Nhơn Hội: Di tích lịch sử - văn hóa

Đình Nhơn Hội tọa lạc tại ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, cách trung tâm huyện khoảng 5 km về hướng Tây Nam.

Theo các vị cao niên tại địa phương, đình Nhơn Hội được thành lập vào cuối thế kỷ XIX ở ao Hồ, bằng tre lá (ấp 2). Do không thuận tiện cho dân làng cúng Ông, cúng Thần nên Hương trưởng Nguyễn Phát Đạt (1881 - 1941) cúng 1 ha đất để di dời và xây dựng đình.

Đình được dựng bằng cột căm xe, mái ngói âm dương. Năm 1965, đình bị bom bỏ sập phần võ ca, được nhân dân sửa chữa tạm để thờ Thần. Năm 1990, đình được tu sửa tương đối khang trang. Năm 2008, sư trụ trì chùa Nhơn Phước là thầy Liễu Minh đã cho tu sửa quy mô từ cổng đình đến nội thất trong đình.

DD
Cổng đình Nhơn Hội ngày nay.

Tổng thể ngôi đình được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, với diện tích xây dựng 383,3 m2 gồm nhà khách 160 m2 và chánh điện 223,3 m2. Hệ thống cửa lá xách bằng gỗ (có 5 cửa), nền lát gạch bông, mái lợp tol typro, vách tường.

Trong chánh điện thờ “Việt Nam Quốc Tổ”, “Đất Nước Ông Bà”, “Công Lĩnh Linh Thần”, Ngũ Phương Ngũ Thổ, Tiền vãng Hậu vãng, Tiền hiền Hậu hiền, Tiên sư Tổ sư, Ông Nhật, Bà Nguyệt, Cửu thiên huyền nữ, Tiên sư, Huỳnh Đế, Thái thượng lão quân…

Đình còn lưu giữ được khá nhiều di vật thờ cúng như: Chim hạc ngậm hoa sen thếp vàng, binh khí thờ, hoành phi, liễn, trống, chiêng, mõ, chuông đồng, khánh thờ… Đặc biệt, hiện đình còn lưu giữ 8 sắc phong gồm: 2 sắc thần thôn Nhơn Hòa và 6 sắc thần thôn An Thành, thời vua Thiệu Trị và Tự Đức.           

Vào những năm 1930, đình là nơi hoạt động cách mạng của các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Thị Thập…, là cán bộ của Xứ ủy Nam kỳ do Trung ương cử về để tuyên truyền vận động, tổ chức phát triển cơ sở đảng và lãnh đạo nhân dân đấu tranh.

Tại đây, đồng chí Phạm Hùng đã vận động quần chúng thành lập Hội Nhà vàng đình Nhơn Hội để phục vụ việc mai táng trong xã, nhưng mục đích chính là vận động quần chúng đấu tranh chống thực dân Pháp và trừng trị bọn tay sai phản động. Ngoài ra, đình còn là nơi để xử án những tên tay sai ác ôn, cho nên đình Nhơn Hội còn có tên gọi khác là đình “Cộng sản”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, một số bộ phận của Nhà vàng được cắt ráp làm khánh thờ chiến sĩ trong đình cho đến ngày nay.

Đình Nhơn Hội đã được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.