Thứ Hai, 27/07/2015, 14:47 (GMT+7)
.

Ghi nhận sau 20 lần tổ chức Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ

Năm 2015 là năm mà Hội thi Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh Tiền Giang diễn ra lần thứ XX. Qua 20 lần tổ chức, hội thi đã trở thành dịp để lực lượng CNVCLĐ trong tỉnh giao lưu, học tập kinh nghiệm nghề nghiệp trong tổ chức hoạt động, phát hiện những nhân tố mới từ phong trào, góp phần xây dựng tốt đời sống văn hóa cơ sở.

Sân chơi tinh thần bổ ích

Đã thành thông lệ, hàng năm, Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ toàn tỉnh đều được tổ chức và thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo CNVCLĐ ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong lần  tổ chức thứ XX, Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ tỉnh Tiền Giang diễn ra từ ngày 20 đến 27-7. Hội thi lần này có 34 đơn vị tham gia, trong đó có 22 chương trình, 130 tiết mục với khoảng 500 diễn viên là CNVCLĐ đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia biểu diễn thi tài. Hội thi được tổ chức ở 3 cụm thi: Cụm I ở TP. Mỹ Tho; cụm II ở TX. Gò Công và cụm III ở huyện Cái Bè.

Tiết mục dự thi Ca múa “Tiếng ca dâng Đảng” của Công đoàn ngành Công thương ở Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ tỉnh Tiền Giang lần thứ XX - năm 2015.
Tiết mục dự thi Ca múa “Giữ trọn lời thề” của Công đoàn ngành Công thương ở Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ tỉnh Tiền Giang lần thứ XX - năm 2015.

Hội thi đã diễn ra những đêm thi sôi nổi, với các chương trình, tiết mục đều có nội dung tốt, kết cấu chặt chẽ, màu sắc… thu hút người xem. Nổi bật có các tiết mục biểu diễn của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp như: Ngành Giáo dục - Đào tạo; ngành Xây dựng, Ngành Y tế, Viện Kiểm sát tỉnh, Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang, TX. Gò Công, các huyện: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước... Các tiết mục biểu diễn tại các cụm thi của hội thi đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả.

Dù công việc bề bộn nhưng những diễn viên đến với hội thi đều thể hiện niềm phấn khởi, tươi vui trên nét mặt mỗi người. Có lẽ tất cả đang dốc sức để giành được giải, mang vinh dự về cho đơn vị mình. Chị Ngọc Thanh (Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang), vừa là thí sinh vừa là người dàn dựng các tiết mục dự thi của đơn vị Đài PT-TH Tiền Giang chia sẻ:

“Dù rất bận rộn với công việc nhưng bản thân và 22 phóng viên, biên tập viên của đài vẫn sắp xếp thời gian để tập dợt tham gia hội thi. Điều đáng nói ở đây là do tính chất công việc nên rất ít lần tập hợp đầy đủ anh em để tập luyện, ngay lúc lo sân khấu chuẩn bị cho đêm thi mà vẫn thiếu người. Tuy nhiên, với sự quan tâm động viên của lãnh đạo đài và tinh thần quyết tâm của anh em nên chương trình thi biểu diễn của đài cũng khá suôn sẻ. Qua nhiều lần tổ chức hội thi, Đài PT-TH Tiền Giang luôn có mặt, góp phần tạo nên một sân chơi tinh thần bổ ích cho CNVCLĐ”.

Đánh giá về chất lượng Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ tỉnh Tiền Giang lần thứ XX - năm 2015, ông Đào Ngọc Linh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, một trong những giám khảo của hội thi lần này cho biết: “Nhìn chung chất lượng nghệ thuật và tính thẩm mỹ của các tiết mục tham gia hội thi lần này tương đối tốt.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã có sự đầu tư nghiêm túc về chất lượng, chuyên môn, cấu trúc chương trình hài hòa giữa thể loại và màu sắc; dàn dựng công phu, biết kết hợp giữa hát múa và vũ đạo minh họa, trang phục đẹp, đã làm tăng hiệu quả sân khấu.

Diễn viên biểu diễn nhiệt tình, sinh động. Đặc biệt, có đến 80% tiết mục tham gia hội thi năm nay xoay quanh chủ đề ca ngợi Đảng và biển, đảo... Đến thời điểm này, có thể nói hội thi đã diễn ra thành công tốt đẹp và Ban Tổ chức Hội thi sẽ chọn một số tiết mục hay nhất công diễn trong lễ tổng kết, phát giải vào đêm 27-7 tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Tiền Giang.

Nơi hội tụ những hạt nhân văn nghệ quần chúng

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ lần thứ XX - năm 2015, ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng: “Qua rất nhiều lần tổ chức, Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ tỉnh Tiền Giang đã trở thành nơi hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị với nhau, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Qua những lần tổ chức hội thi đã tạo điều kiện cho CNVCLĐ của các địa phương, ngành, đơn vị trong tỉnh có năng khiếu tham gia biểu diễn. Từ đó, các diễn viên không ngừng vươn lên, tự khẳng định mình, có người đã dự thi và đạt giải cao trong các Hội thi Tiếng hát truyền hình của tỉnh và khu vực…”

Các chương trình dự thi ở tất cả các lần Hội thi Tiếng hát CNVCLĐ tỉnh Tiền Giang diễn ra đều có đầy đủ các thể loại như: Ca tân, ca cổ với các hình thức gồm đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca và ca múa. Nội dung, chủ đề phong phú như: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ; tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đấu tranh của dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi giai cấp công nhân, ca ngợi ngành nghề và gần đây là tình yêu biển đảo...

Qua 20 lần hội thi, đã có hàng ngàn lượt diễn viên là những CNVCLĐ đến với hội thi bằng lời ca, điệu múa và họ đã dần khẳng định mình trong phong trào văn nghệ quần chúng, nổi bật có: Như Sương, Tuyết Hằng (TX. Gò Công); Cao Huy Thế, Lê Triêm, Huy Thịnh (ngành Giáo dục - Đào Tạo); Thùy Dương, Quế Khâu và Quế Chi (TP. Mỹ Tho); Ngọc Thảnh, Anh Khoa (huyện Chợ Gạo)...; đồng thời có nhiều biên đạo múa phong trào đã trưởng thành qua từng chương trình của hội thi như: Đoàn Tâm, Anh Tuấn, Ngọc Trinh, Thành Thêm...

Bên cạnh đó, những bài hát ca ngợi quê hương Tiền Giang của các tác giả tỉnh nhà như: Soạn giả Huỳnh Anh qua các bài ca cổ: Có những ngôi trường, Tiếng đàn chiều cuối năm…; Nhạc sĩ Lê Ngân với các ca khúc: Về thăm Chợ Gạo quê em, Thành phố tôi yêu…; Võ Quang Đảm với các sáng tác Tự hào đất nước tôi, Tiền Giang khúc hát tự hào… và nhiều ca khúc của Ngô Ngọc Hùng như Đêm Mỹ Tho… luôn được các diễn viên qua nhiều thế hệ thể hiện thành công, tạo được dấu ấn trong hội thi.

Qua đó cho thấy, phong trào văn hóa - văn nghệ (VH-VN) trong CNVCLĐ ngày càng phát triển rộng rãi và đi vào chiều sâu. Theo nhận định của ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, mặc dù tình hình sản xuất, việc làm, đời sống trong CNVCLĐ còn gặp khó khăn, nhưng phong trào VH-VN quần chúng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn được củng cố và phát triển.

Mọi hoạt động VH-VN đã tập trung vào việc giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyển thống, đấu tranh chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội; đồng thời tạo không khi vui tươi, phấn khởi, động viên CNVCLĐ hăng say lao động sản xuất, công tác và học tập.

NGỌC LỆ

.
.
.