Thứ Sáu, 29/04/2016, 15:04 (GMT+7)
.

Bạch Công Tử và những gì còn lại

Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Tư Phước hay George Phước (1895 - 1950), con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng (gốc Bình Định) và bà Đào Thị Linh (làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là phường 3, TP. Mỹ Tho). Năm 1906 cùng ban nhạc Tống Triều sang Pháp tham dự hội chợ, Đốc phủ Sủng ngưỡng mộ sự hiện đại của châu Âu, nên năm 1909 ông đưa con trai là Tư Phước sang Pháp du học. Thế nhưng, cậu Tư chỉ học cách ăn chơi theo người phương Tây để rồi lưu lại hậu thế một Bạch Công Tử phóng khoáng, hào hoa và những giai thoại lừng lẫy một thời.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL trao Bằng công nhận Di tích Nhà Bạch Công Tử cho lãnh đạo Trung tâm Văn hóa TP. Mỹ Tho.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL trao Bằng công nhận Di tích Nhà Bạch Công Tử cho lãnh đạo Trung tâm Văn hóa TP. Mỹ Tho.

NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CẢI LƯƠNG

Theo tài liệu để lại, trong máu ăn chơi của Bạch Công Tử có sự đam mê nghệ thuật, đó là sân khấu cải lương. Chính vì vậy đã sinh ra cuộc tình giữa Bạch Công Tử và cô đào hát vang danh bậc nhất thời bấy giờ là nghệ sĩ cải lương Phùng Há (NSND Phùng Há).

Năm 1926, Bạch Công Tử cùng ông bầu Nguyễn Ngọc Cương (cha NSND Kim Cương) lập ra gánh hát Phước Cương, được 1 năm thì rã gánh. Sau khi gặp Phùng Há, Bạch Công Tử lập gánh hát Huỳnh Kỳ, với nhiều đào kép lừng danh lúc bấy giờ: Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Nữ… Ông cho xây rạp hát cũng lấy tên Huỳnh Kỳ, cạnh biệt thự của mình để gánh hát có nơi biểu diễn thường xuyên.

Nghệ sĩ Ba Vân đã ghi lại trong hồi ký: Bạch Công Tử đóng 3 con thuyền lớn, chạy bằng máy chứ không chèo như ghe các gánh hát khác lúc bấy giờ. Trên thuyền, rèm che, trướng phủ, đầy đủ tiện nghi và có nơi vui chơi giải trí. Mỗi lần đi diễn, thuyền của Bạch Công Tử và Phùng Há chạy đầu tiên có cờ vàng; thuyền giữa gồm diễn viên, thầy tuồng, thầy đờn; thuyền sau chở đội bóng và trang phục, đạo cụ, sân khấu… Đến điểm diễn, tất cả ăn mặc chỉnh tề, lên bờ chào chính quyền sở tại, kéo cờ vàng, hát đoàn ca, sau đó đội bóng của gánh hát Huỳnh Kỳ đá giao lưu với đội bóng địa phương, có trống kèn cổ vũ. Dù thắng hay thua, tối Bạch Công Tử vẫn mở tiệc chiêu đãi. Thường là vé đêm đầu hết sớm, khán giả phải chờ mua vé để được xem suất kế tiếp. Ông bầu Phước rất rộng rãi và thương nghệ sĩ. Chính vì vậy, nghệ sĩ Ba Vân nói mình chịu ơn Bạch Công Tử rất nhiều.

Rất nhiều đêm diễn, Bạch Công Tử gom hết tiền bán vé tặng cho các tổ chức, các đơn vị khó khăn như: Tổng cục Thể thao Chợ Lớn, giúp Cerlce S.A Sài Gòn xây dựng sân tennis, giúp Hội Thể thao Sóc Trăng có kinh phí tham gia thi đấu, giúp Hội tương tế Gò Công và nhiều đêm liền diễn gây quỹ cho Trường Đông Pháp thương học của Tô Ngọc Thăng…

Về sau mỗi lần vé bán không hết, thiếu tiền chi, Bạch Công Tử đều “bù lỗ” kinh phí, hết tiền túi về cắt ruộng, vườn bán ngay. Sự rộng rãi của bầu Phước làm cho nhiều người mến mộ vì được ông giúp. Thời hoàng kim của gánh Huỳnh Kỳ, Bạch Công Tử từng đưa gánh hát ra tận Hà Nội, Hải Phòng biểu diễn. Các bậc tiền bối cải lương cho rằng, ông là người đầu tiên mang cải lương ra đất Bắc và được nhân dân yêu thích. Nhiều vở cải lương của Huỳnh Kỳ để lại ấn tượng trong lòng khán giả thời ấy: Giọt máu chung tình, Trần Hưng Đạo bình nguyên, Người đàn bà không tên…

NHỮNG GIAI THOẠI ĐỂ ĐỜI

Chúng tôi đến ngôi nhà số 137, tổ 3, ấp Thạnh Kiết, xã An Thạnh Thủy (huyện Chợ Gạo) thì nhà đóng cửa. Sau vườn, mộ Bạch Công Tử bằng gạch men màu hồng, xung quanh cũng có vài ngôi mộ buồn tẻ dưới hoa nắng của vườn dừa tĩnh lặng. Dưới nấm mồ quạnh quẽ kia, ít ai nghĩ rằng đây là nơi an nghỉ của tay Công Tử giàu có, ăn chơi lừng danh một thời của xứ lục tỉnh Nam kỳ và cũng là một nhà hảo tâm sống rộng rãi, hào phóng với mọi người. Bạch Công Tử đã có nhiều giai thoại với Hắc Công Tử tức Công Tử Bạc Liêu (Trần Huy Trinh) mà đến bây giờ người đời vẫn truyền miệng: Lấy tiền đốt làm đuốc cho mỹ nhân tìm đồ rơi xuống ghế trong rạp hát; lấy tiền thi nấu chè (có người bảo nấu trứng)…

Năm 2009, chúng tôi có đến nhà ông Nguyễn Hoàng Lũy (ông Lũy hiện đã mất. Ông Lũy là con trai ông Nguyễn Hoàng Phi, bạn thân của Bạch Công Tử. Ông Phi cũng là người giàu có lừng danh với tên thường gọi là chủ Hoàng ở huyện Chợ Gạo). Xưa kia có lúc ông Lũy là tài xế của Bạch Công Tử.

Đại biểu vào tham quan nhà Bạch Công Tử.
Đại biểu vào tham quan nhà Bạch Công Tử.

Lúc đó, ông Lũy kể rằng: “Những năm cuối đời, tài sản khánh kiệt, Bạch Công Tử lâm vào cảnh nghèo túng, bệnh tật. Nhiều bạn bè dang tay cưu mang, sau đó ông từ chối sự giúp đỡ và trốn tránh mọi người. Cha tôi (ông Hoàng Phi) sai tôi lấy xe hơi đi tìm, tôi gặp chú Tư Phước trong tình trạng sức khỏe rất yếu, đơn độc ở căn trọ tồi tàn và rước chú về nhà (nay là UBMT Tổ quốc huyện Chợ Gạo) chăm sóc và Bạch Công Tử đã trút hơi thở sau cùng tại đây. Đất đai bán hết, tài sản không còn, ba tôi muốn đưa Bạch Công Tử về quê ngoại của ông an táng nhưng bên đó từ chối. Huynh đệ tình thâm, cha tôi mua áo quan bằng gỗ tốt và chôn cất Bạch Công Tử trong đất của gia đình tôi. Chúng tôi thờ cúng và làm đám giỗ cho ông…”.

Cũng theo lời ông Lũy, năm 1999, bà Phùng Há có tìm về gặp ông xin lấy cốt Bạch Công Tử đi hỏa táng và đem tro cốt về chùa Nghệ sĩ. Ông Lũy không đồng ý vì xưa kia cô Ly Ly (lúc Bạch Công Tử mất cô 14 tuổi) sau khi đi an táng cha, cô đã gởi gấm mộ phần cho gia đình trông coi. Nếu như NSND Phùng Há lấy hài cốt và đem về xây một mộ khác, gia đình ông bằng lòng, vì nếu cô Ly Ly có tìm về sẽ còn mộ phần… Cũng theo ông Lũy cho biết: Mấy mươi năm chiến tranh, gia đình chưa thể làm mộ, nên mộ Bạch Công Tử chỉ là mộ đất. Ông Lũy đã hoàn thành tâm nguyện, xây xong mộ cho Bạch Công Tử rồi ông cũng mãn phần sau đó không lâu.

Hôm nay, chúng tôi ghé lại, gặp con trai thứ 6 của ông Lũy là Nguyễn Hoàng Thành. Anh Thành cho biết, mình thay cha tiếp tục chăm sóc mộ phần và cúng giỗ Bạch Công Tử vào ngày 14-4 âm lịch hàng năm.

Giữ gìn và tôn tạo, cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa nhà Bạch Công Tử như một lời tri ân đến ông, một người đã có những đóng góp đáng kể cho “cái nôi cải lương”, cho phong trào thể thao tỉnh nhà và cả nước nói chung. Hy vọng một ngày không xa, nơi đây là điểm đến của du khách gần, xa.

NGỌC LỆ

.
.
.