Thứ Tư, 18/05/2016, 13:53 (GMT+7)
.

Tài tử Kim Loan: Dành trọn tuổi xuân cho niềm đam mê sân khấu

Khi còn là học sinh tiểu học, Kim Loan đã tỏ rõ niềm đam mê và năng khiếu ca hát của mình qua phong trào văn nghệ của trường và đoạt nhiều giải thưởng đơn ca.

Lúc ấy Kim Loan ca nhạc, nhưng lại mê sân khấu cải lương, nhất là những tuồng cải lương Hồ Quảng, bởi có nhiều bài bản hay, trang phục đẹp lại có nhiều pha vũ đạo, võ thuật rất ngoạn mục.

Như một định mệnh, giấc mơ đi học để trở thành một diễn viên sân khấu chuyên nghiệp không thành, Kim Loan vẫn không nản lòng. Chị tham gia phong trào văn nghệ quần chúng của phường 2 (TP. Mỹ Tho) và được Thành đội Mỹ Tho mời cộng tác.

Nhiều năm liền, Kim Loan là giọng ca nữ chủ lực của đơn vị này trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và có nhiều giải thưởng với các bài hát: Anh Ba Hưng, Em đi bộ đội, Cô gái mở đường…

Thỉnh thoảng, chị cũng ca vọng cổ, giọng ca ngọt ngào cộng với sắc vóc đẹp, mái tóc dài mượt mà, nên Kim Loan đã được soạn giả Huỳnh Anh “thâu nhận”.

Đó là năm 1987, Kim Loan về cộng tác với Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Tiền Giang và chuyển sang ca vọng cổ, cải lương rồi hát nhạc tài tử cùng khá nhiều vai diễn mà soạn giả Huỳnh Anh viết riêng cho chị. Những lúc tập dợt ở Hội VHNT, chị được các anh, chị, nhất là anh Thanh Vân (đờn ghi ta cổ) hướng dẫn kỹ thuật ca; về nhà Kim Loan tự học thêm bằng cách nghe các nghệ sĩ chuyên nghiệp hát rồi tập theo…

Những năm 1980, Kim Loan cộng tác với Đội Thông tin lưu động tỉnh (nay là Đội Tuyên truyền lưu động), không ngại vất vả, khó khăn, cùng anh em phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Chị còn cùng với Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử của Hội VHNT đi các tỉnh lân cận giao lưu, đường đá đỏ đầy bụi, mưa sình lầy…

Chị Loan chia sẻ: “Khoảng 8 năm trước, tụi chị diễn kịch bản tuyên truyền về bạo lực gia đình, nhiều chỗ chỉ trải tấm nhựa lên nền đất thay sân khấu, vậy mà bà con đến xem và vỗ tay tán thưởng. Đi hát không cần phải sân khấu hoành tráng, rèm che, màn phủ mà chỉ cần có người xem, vỗ tay là quên hết cực nhọc”.

Ngoài hát cho CLB Đờn ca tài tử (ca bản và diễn trích đoạn), Kim Loan còn là gương mặt quen thuộc trên sóng phát thanh và truyền hình Tiền Giang trong chương trình ca cổ, cùng nhiều vở kịch, chập cải lương do soạn giả Huỳnh Anh sáng tác và dàn dựng. Gần 30 năm qua, Kim Loan đã thu và biểu diễn trên 100 vai lớn, nhỏ và rất nhiều bài hát được thu, quay hình… phát trong chương trình văn nghệ địa phương của Tiền Giang.

Nhiều tài tử đờn, ca vì mưu sinh mà bỏ niềm đam mê hoặc không ít người lấy đờn, ca làm sinh kế, nhưng với Kim Loan, chị đam mê và trân trọng nghề mình thích. Mặc dù tiền bồi dưỡng cho mỗi lần diễn rất “khiêm tốn”, nhưng chưa bao giờ bạn bè và đồng nghiệp nghe chị than phiền, thậm chí chị còn tự bỏ tiền ra mua sắm trang phục. Những trang phục chị mua sắm là những bộ đồ cải lương phục vụ cho vai diễn rất cầu kỳ, đắt tiền và chỉ những thợ có tay nghề mới may được.

Hiện tại, Kim Loan vẫn là thành viên tích cực của CLB Đờn ca tài tử của Hội VHNT Tiền Giang. Chị thường xuyên có mặt trong các buổi sinh hoạt định kỳ ở rạp hát Thầy Năm Tú và một số điểm giao lưu khác.

Hiện tại, chị vẫn đến học thêm ở điểm sinh hoạt Đờn ca tài tử Thanh Hiền (phường 9, TP. Mỹ Tho) những bài bản tài tử mà mình chưa biết do nghệ nhân đờn Mười Phong (Phan Không Trung) hướng dẫn.
Theo chị Kim Loan, bài bản tài tử rất nhiều. Với chị, học để biết, để thỏa mãn niềm đam mê, nên chị dành thời gian đến nhà Thầy Phong để học.

Chị nói học để biết, có dịp hướng dẫn lại cho các em có niềm đam mê ca hát, cho những anh, chị chưa biết để hát cho nhau nghe. Cho dù không may mắn để làm chủ những tấm huy chương nhưng nhìn lại, mấy mươi năm qua tài tử Kim Loan đã đóng góp rất nhiều cho phong trào văn nghệ của tỉnh. Chị tham gia với niềm đam mê vô tư, không có sự so đo tính toán.

NGỌC LỆ

.
.
.