Thứ Tư, 18/01/2017, 20:38 (GMT+7)
.

Bộ lư ngày tết

Những gia đình trung lưu ở Nam bộ xưa thường có 3 bàn thờ. Bàn thờ giữa đặt một cái đỉnh, hai bàn hai bên có hai bộ lư. Lư, đỉnh ngày xưa nhỏ gọn, được đặt lên kỷ tam sơn, hai bên còn có cặp chân đèn, cặp chò dĩa chưng trái cây, bình hoa. Năm hết tết đến, lau dọn sạch sẽ trang hoàng bàn thờ là công việc mang ý nghĩa thiêng liêng. Từ việc chùi sáng bộ lư, làm sạch bình hoa hay thay cát lư hương… đều được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ để bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.

Bộ lư đồng năm 1920 của ông Nguyễn Văn Đôn.
Bộ lư đồng năm 1920 của ông Nguyễn Văn Đôn.

Theo Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, lư hay đỉnh chữ Nho đều viết có bộ hỏa, nên phải hiểu đó là cái lò, nhưng lư thì vuông, đỉnh thì tròn. Ngày xưa đỉnh là cái lò 3 chân không có nắp, dùng để đốt hương thờ cúng trong các đền, chùa hoặc bàn thờ tổ tiên. Về sau, người ta chế tác thêm phần nắp và phần đế để tăng thêm giá trị mỹ thuật. Dần dà có thêm các loại đỉnh trái đào, đỉnh khắc chữ Thọ, chữ Phước, đỉnh khắc 5 con dơi - tượng trưng ngũ phúc. Phần nắp đậy đúc con lân hoặc long mã hay trái dưa, trái phật thủ… Nhiều lò đúc chế tác các loại lân như lân ngậm trái châu, lân mẫu xuất lân nhi - hai loại này khó đúc, hiện nay rất hiếm.

ĐỘC ĐÁO LƯ XƯA

Nam bộ xưa có 3 lò đúc lư, trong đó lò Chợ Quán xưa nhất. Đặc biệt, có những nhóm thợ đúc đồng dạo, rao bán các loại lư, đỉnh đồng, dân gian gọi nôm na là Lái Thủ. Họ mặc áo bà ba đen, đi guốc vông, đội nón cối, len lỏi trong các xóm, hỏi thăm nhà nào mới vừa cất, rồi vô xin phép chủ nhà kêu ghe chở hàng tới, chưng dọn nào tủ thờ, tranh kiếng, lư đồng…, bán thiếu cho chủ nhà, tới mùa lúa mới đến thu tiền. Ai có nhu cầu đúc lư, đúc đỉnh thì họ có sẵn đồng, đất  sét, vôi, sáp ong làm khuôn và dụng cụ đúc, tiền công được quy ra lúa.

Tuy nhiên, ở Nam bộ, lư đỉnh từ Huế mang vào vẫn là số một, đa số được đúc từ thế kỷ XVIII và thế kỷ thứ XIX. Đến đầu thế kỷ XX có lư Hà Nội dày và sáng hơn, nhưng người  ta vẫn thích các loại lư Huế có khắc Khải Định niên chế, Bảo Đại niên chế.  

Bộ đỉnh đồng ông Trương Ngọc Tường lưu giữ là bộ đỉnh đúc ở Hà Nội, cao 2 tấc, dưới đáy chạm chữ Đại Minh Tuyên Đức niên chế, nhưng không phải là đồ chính hiệu, vì chữ khắc không phải là cổ tự. Bộ đỉnh này được sản xuất đời Tự Đức, khoảng giữa thế kỷ XIX. Ông Trương Ngọc Tường phân tích, hiện nay nhiều bộ lư đỉnh giả thường hay khắc chữ này, song muốn phân biệt thì phải xem chữ, xem con lân vọng ví (vô) hay vọng thá (ra). Hồi xưa, con lân  được đúc vọng thá, đầu quay theo chiều nghịch kim đồng hồ, tức theo chiều viết chữ Nho. Về sau, các nghệ nhân đúc lân quay đầu theo chiều kim đồng hồ, tức theo văn hóa Tây phương, thì không thể nói là đồ xưa được. Mặt khác, các loại lư đỉnh đúc vào thế kỷ XIX thường làm khuôn đất sét, cho nên quan sát bên trong mà còn dấu vết xi măng thì có thể khẳng định đồ ấy không xưa. Vả lại, thời đó đồng hiếm lắm, các loại đồ đồng thường đúc rất mỏng. Khoảng năm 1920, đồng nhập về nhiều, nên các lò đúc đua nhau đúc lư lớn, cao 7 - 8 tấc, có bộ cao hơn 1 thước bán cho người giàu, nhà cao cửa rộng, chưng mặt tiền mang tính phô trương nên mới có sự phân loại lư nhất, lư nhì…, chứ bình thường bộ lư cao khoảng 7 - 8 tấc là vừa, đẹp cân đối.

Lư đỉnh rất đa dạng, phong phú. Ngoài các loại được chế tác bằng đồng hoặc thau, loại đồng hun (giả đồng đen) thì lư của người Hoa được đúc bằng chì. Ở vùng Gò Công, do nước mặn, đồ đồng mau hỏng nên người ta thường sử dụng lư sành, lư gỗ. Đặc biệt, lư sành được sản xuất từ lò gốm Cây Mai rất quý, giá trị không thua lư đồng xưa. Còn lư gỗ, quý nhất là làm bằng gỗ mun, gỗ cẩm lai cẩn xà cừ. Bên cạnh, còn có các bộ lư được đặt đúc để thờ cúng ở đền miếu, chùa chiền, như bộ lư ở chùa Phước Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) do ông Hội đồng Mẫu đặt đúc, chạm 18 ông La hán kỵ thú; hay bộ lư đúc long mã, xung quanh chạm binh tôm tướng cá và hình bát quái - là loại lư đặt đúc thờ ở miếu Bà Thủy, hoặc lư có chạm Nhị thập bát tú thờ ở điện Ngọc Hoàng… Các loại lư này không được đem về thờ ông bà.

Hồi đó vùng Cai Lậy và Cái Bè rất nhiều bộ lư đẹp. Giai đoạn 9 năm kháng chiến, nhiều người đã đem hiến cho Việt Minh lấy đồng đúc đạn nên không còn nhiều. Đặc biệt, nhà ông Hội đồng Nguyên có lư tre bách điểu rất đẹp. Bộ lư cao khoảng 6 tấc, đúc liền 100 con chim, có con xòe cánh bay rất sinh động. Tiếc là sau này bộ lư bị cháy, rồi không biết thất lạc nơi nào. Cũng theo ông Trương Ngọc Tường, lư bách điểu chạm chim đậu cành tre là biểu tượng “đất lành chim đậu”. Nhà có bộ lư tre thường đặt trang trọng ở bàn thờ giữa. Ở vùng này, xưa cũng có nhiều nhà giàu, nhưng ít có ai mua nổi ba bộ lư tre, vì rất đắt tiền. Kỹ thuật đúc lư bách điểu xưa là đúc 100 con chim dính liền, có bộ lư khắc bài thơ ca tụng. Sau này cũng có lư tre, nhưng đa số dùng kỹ thuật hàn, khi chùi dễ bị sứt.

ĐEM LƯ ĐI DẤU

Ông Nguyễn Văn Đôn (84 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy) còn giữ bộ lư đồng 7 tấc, được đúc rất khéo từ nước đồng đến mỹ thuật.  Ông cho biết, thân phụ ông vốn nghệ nhân chưng nghi nổi tiếng. Bộ lư này được sắm vào khoảng năm 1920. 

Nghệ thuật chưng nghi thực hiện trong những dịp cúng đình hay cưới gả, tân gia… Khi tham gia thi thố thì tối thiểu phải có một bộ ghế nghi và bộ chò, nghi giữa là đỉnh tròn, hai bộ lư hai bên phải đối nhau. Mỗi lần thi chưng cúng đình thì ai cũng quyết lòng chiếm giải. Giải thưởng không cao, có khi chỉ là khúc vải, một ít tiền nên tham gia các cuộc thi thường là lỗ nặng. Nhiều khi không có đủ lư hay độc bình phải đi mướn, có khi làm bể lục bình quý phải đền cả trăm giạ lúa; cũng có người bán đất để chơi. Hồi khoảng năm 1938, đình Mỹ Đông Trung khánh thành, tổ chức thi chưng nghi, Nghệ nhân Tư Nhuận sang Cái Bè thế chân bằng khoán 2 mẫu đất để mượn bộ lư tam ký của ông Hội đồng Đôn. Bộ lư ấy bằng đồng đen cẩn bạc, tích Tam Quốc, xung quanh chạm dây lá rất đẹp.

Nghệ nhân thường chưng kết theo chủ đề, hầu hết là tích xưa như: Hứa Do Sào Phủ, Văn Vương cầu hiền, Ngũ tử vinh qui…., nhưng khi cúng đình thì phải chưng đủ bộ tứ linh long - lân - qui - phụng. Nghệ nhân kết câu đối chữ Nho thì chữ phải thật đẹp, ý nghĩa thâm thúy, thể hiện sự uyên bác. Nguyên liệu dùng để chưng phải là cây, hoa, lá thiên nhiên không được tô màu, không cắt xén. Còn việc chùi lư đi thi thì phải rất kỹ. Ban giám khảo chấm thi đặt ngón tay lên mặt đồng mà bị ố thì rớt điểm ngay. Do đó lư đỉnh chùi xong phải đem ra trải mền phơi nắng cho thật bóng. Nói chung là bộ lư được chùi phải sáng như vàng, thấy bóng người trong đó.

“Ngày xưa, mỗi lần đi thi hay dịp tết, ba tôi thường chùi lư bằng vỏ trái thơm. Ông quết vỏ thơm cho nhừ, bỏ vô khạp đổ nước nóng, đem lư ngâm một chút, lấy giẻ chùi rồi phơi nắng. Cũng có người dùng nước khế hay chanh thoa lên mặt lư, để một lúc cho thấm rồi chùi. Mấy chỗ chạm khắc nhiều thì dùng thêm tro bếp chà xát. Mấy bộ lư ở nhà tết năm nào mấy đứa nhỏ cũng chùi, nhưng đem ra thợ thuê chùi bằng máy và hóa chất làm lư càng ngày càng mỏng” - ông Đôn tâm sự.

NGUYỄN NGỌC PHAN

.
.
.