Thứ Hai, 06/02/2017, 16:30 (GMT+7)
.

Nghệ sĩ Huỳnh Mơ với Chương trình "Ngân mãi tiếng tơ đồng"

Sau thành công của đêm diễn “Ngân mãi tiếng tơ đồng” lần thứ I (ngày 5-11-2016), đúng 1 tháng sau, cũng tại Rạp hát Thầy Năm Tú (Rạp Vĩnh Lợi cũ), Chương trình “Ngân mãi tiếng tơ đồng” lần thứ II đã thu hút khán giả đến khá đông, ngồi hết số ghế tầng trệt để xem phần biểu diễn của các nghệ sĩ: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Tuyết Ngân, NSƯT Kiều Quốc Tâm, NSƯT Lê Tứ, nghệ sĩ Huỳnh Mơ, Linh Trung, Hà Như… với các trích đoạn: Tình mẫu tử và Bên cầu dệt lụa (soạn giả Thế Châu), Hòn vọng phu (kịch: Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Mộc Linh), Thiếu phụ Nam Xương (soạn giả Vân An) và những bài tân cổ giao duyên: Ngợi ca quê hương em, Trăng về thôn dã…

Nghệ sĩ Huỳnh Mơ và NSƯT Đào Vũ Thanh trong trích đoạn Chuyện tình Lan và Điệp của Chương trình “Ngân mãi tiếng tơ đồng”.
Nghệ sĩ Huỳnh Mơ và NSƯT Đào Vũ Thanh trong trích đoạn Chuyện tình Lan và Điệp của Chương trình “Ngân mãi tiếng tơ đồng”.

NGƯỜI TIỀN GIANG VẪN ĐỢI CHỜ SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG

Nghe có chương trình cải lương ở Rạp hát Thầy Năm Tú, Biên kịch Hạ Thu từ TP. Hồ Chí Minh đã nhắn tin: “Tôi nôn nao lắm nhưng không về để xem được. Nhớ hồi xưa tôi thường xuyên có mặt ở rạp Vĩnh Lợi (Rạp Thầy Năm Tú) để xem cải lương. Nếu cần, tôi xin chia sẻ chút ít để Rạp Thầy Năm Tú thường xuyên sáng đèn…”. Với chị Nguyễn Thu Dung, Việt kiều ở Đức, đọc được thông báo, đã hỏi thăm trên facebook: “Tết này có hát cải lương không em? Về quê hương Mỹ Tho nhất định chị sẽ đi xem...”.

Đêm diễn đầu tiên với những trích đoạn cải lương: Chuyện tình Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt, Giũ áo bụi đời qua tài năng ca, diễn của nhiều thế hệ tiền bối vang danh trên sân khấu cải lương: Năm Phỉ, Tư Sạng, Thanh Nga, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm… đã ăn sâu vào lòng khán giả yêu thích cải lương. Nhiều khán giả thuộc lòng vài bản ngắn, vài câu vọng cổ trong các vở tuồng này. Với các diễn viên trẻ của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang: NSƯT Nhơn Hậu, NSƯT Đào Vũ Thanh, NSƯT Kiều Quốc Tâm, nghệ sĩ Huỳnh Mơ... vẫn làm hài lòng khán giả của Chương trình “Vang mãi tiếng tơ đồng” lần thứ I. Cụ bà Phạm Thị Hoa (80 tuổi, ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Nhà tôi ở gần đây.

Tháng trước coi mấy cháu diễn hay quá nên bữa nay qua đây coi nữa. Lúc trước rạp cũ muốn sập, chỗ nhà tôi ngó lên thấy rạp tối âm u mà buồn lắm. Từ hôm sửa rạp lại, tuần nào cũng có đờn ca ngoài tiền sảnh vui lắm, vui nhất là lúc rày trong rạp hát cải lương, ngoài cửa rạp treo hình nghệ sĩ ra vẻ rạp hát, đẹp và sang trọng”.
Cũng theo lời kể của cụ Hoa, cụ đã xem cải lương ở sân khấu này cách đây gần 50 năm. Quê cụ ở xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo), lên chợ Mỹ Tho bán rau cải. Chiều tối đem cải lên, giấu rau cải dưới sạp, chờ xả dàn vô coi hát, coi xong ra chợ ngủ, chờ sáng bán rau. Sau đó vì chiến tranh và lo làm ăn nên cụ không được đi xem hát nữa. Mấy năm gần đây, con gái cụ mở tiệm mua bán ở chợ Mỹ Tho và rước cụ lên. Nhìn rạp hát xuống cấp, âm u khiến cụ buồn lòng, tưởng không có dịp được vô rạp ngồi xem hát nữa.

Đêm 5-12-2016, chương trình chưa bắt đầu nhưng khán giả (đủ mọi lứa tuổi) đã ngồi kín tất cả ghế ở tầng trệt và háo hức đợi chờ tấm màn nhung mở ra. Khán giả đến với “Vang mãi tiếng tơ đồng” đều là những người yêu cải lương thật sự, điều đó đã chứng minh qua những tràng vỗ tay khi nghệ sĩ xuất hiện và tiếng vỗ tay tán thưởng không chỉ lúc nghệ sĩ xuống hò đầu của câu vọng cổ, mà ngay cả khi họ vào một bản ngắn…

Bác Lê Thị Chín (75 tuổi, ngụ xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) bước ra cửa rạp với vẻ mặt hài lòng: “Rất nhiều lần được thấy NSND Bạch Tuyết trên truyền hình, nay mới được nhìn tận mặt, tôi vui quá. Cũng may, hồi chiều kêu mấy đứa cháu đi sớm nên ngồi hàng ghế thứ 3 coi rõ mặt nghệ sĩ. Mai mốt còn hát nữa không cô, tôi dặn mấy đứa nhỏ về chở đi coi tiếp!...”.

“NGÂN MÃI TIẾNG TƠ ĐỒNG” CẦN SỰ TIẾP SỨC

Gặp Nghệ sĩ Huỳnh Mơ sau 2 đêm diễn thành công, vui mừng cũng có mà trăn trở cũng nhiều. Mơ chia sẻ: “Em sẽ ngưng chương trình, qua tết xem tình hình thế nào rồi tính tiếp, bởi lẽ vợ chồng em (chồng là ca sĩ Tấn Mẫn, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang) tổ chức 2 chương trình “Ngân mãi tiếng tơ đồng” chỉ được hỗ trợ 8 triệu đồng, cùng sự đóng góp công sức của các vũ đoàn và anh em nghệ sĩ (có người không nhận tiền bồi dưỡng và có người chỉ nhận chi phí tàu xe), nên vợ chồng chúng em đã chi bằng cả 1 năm tiền lương của mình. Tết này em rất muốn tổ chức nhưng đã “cạn túi” và anh em nghệ sĩ bận chạy show tết không thể hát hỗ trợ cho sân khấu Thầy Năm Tú được, tiếc quá!”.

Thấy được khó khăn trước mắt, trong đêm diễn lần II, Huỳnh Mơ đã xúc động đến rơi nước mắt khi nói lời cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo, tình cảm của  bạn bè, đồng nghiệp đã hỗ trợ và tấm lòng của khán giả yêu mến cải lương. Nhân đây, cô cũng chia sẻ những khó khăn, mong nhận được sự góp sức để chương trình được diễn ra đều đặn...

Nghệ sĩ Huỳnh Mơ là cử nhân ngành Công nghệ thông tin, làm việc tại Công ty cổ phần Nam Dược, với tiền lương hằng tháng trên 10 triệu đồng. Do đam mê cải lương, cô bỏ việc để học ca, học diễn rồi trở thành nghệ sĩ. Mơ dấn thân vào điện ảnh để kiếm tiền nuôi sự đam mê cải lương, mà tiền lương cho diễn viên sân khấu hằng tháng chỉ bằng 1/3 lương đi làm ở Công ty Nam Dược.

Sau khi tạm biệt Đoàn Cải lương Long An, Huỳnh Mơ về với Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang. Trong lần diễn báo cáo vở Huyền sử Rạch Gầm của NNƯT - Soạn giả Huỳnh Anh tại Rạp hát Thầy Năm Tú (sau khi tham gia sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 ở tỉnh Bạc Liêu về) và nhân dịp Rạp hát Thầy Năm Tú được trao Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, Huỳnh Mơ mới biết rằng mình và đồng nghiệp đang đứng trên sân khấu của rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam - một sân khấu mang dấu ấn lịch sử đáng để tự hào của những người con Tiền Giang được mệnh danh là “cái nôi cải lương”. Từ đó Huỳnh Mơ trăn trở nhiều đêm: “Em muốn cho mọi người dân Tiền Giang đều phải biết nơi này và tự hào về nó. Em muốn góp phần tập lại thói quen đi xem cải lương của người Mỹ Tho. Em muốn sân khấu cải lương trong Rạp Thầy Năm Tú thường xuyên sáng đèn…”. Huỳnh Mơ nói như vậy và cô đã biến ước mơ của mình thành sự thật. Lúc vạch kế hoạch, Huỳnh Mơ chỉ thấy cái khó khăn lớn nhất là kinh phí hoạt động, nhưng khi bắt tay thực hiện thì biết bao khó khăn phải đối mặt. Vả lại, không phải ai cũng đồng thuận và nhiệt tình ủng hộ.

Trước đêm diễn, Huỳnh Mơ cùng chồng đi quét dọn sân khấu và lau chùi ghế ngồi trong rạp. Trong đêm diễn, Huỳnh Mơ vừa làm diễn viên, vừa chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tại sân khấu. Còn chồng thì chạy vòng ngoài, khi thì thấy anh trong hậu đài, khi chỗ âm thanh, lúc chào mời khách, rồi lại thấy chạy vòng ngoài bãi xe… Tấn Mẫn chia sẻ: “Em làm không vì cá nhân Huỳnh Mơ, mà em nghĩ đến phong trào chung của tỉnh nhà, bởi lẽ em cũng là người hoạt động sân khấu. Vợ chồng chúng em muốn góp phần giữ gìn và đánh thức sân khấu cải lương tỉnh nhà bằng chính việc làm cụ thể...”.

NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ với khán giả trong Chương trình “Ngân mãi tiếng tơ đồng” lần thứ II: “Bạch Tuyết rất vui mừng được quay về đây đứng trên sân khấu Rạp hát Thầy Năm Tú như ngược về quá khứ cùng những người thầy của mình: NSND Phùng Há, NSND Nguyễn Thành Châu... và mong rằng chương trình này luôn được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương; sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để sân khấu cải lương này mãi sáng đèn. Riêng Bạch Tuyết, khi nào cần, sẽ sẵn sàng có mặt để cùng thế hệ kế thừa góp sức thắp sáng sân khấu cải lương tỉnh nhà…”.

NGỌC LỆ

.
.
.