Chủ Nhật, 30/04/2017, 07:06 (GMT+7)
.
Trung tâm văn hóa thể thao xã: Hoạt động chưa hết công năng

Bài 2: Còn nhiều khó khăn, bất cập

Bài 1: Những kết quả bước đầu
Bài 2: Còn nhiều khó khăn, bất cập
Bài cuối: Làm gì để TTVH-TT xã hoạt động hiệu quả?

Theo thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 52 TTVH-TT cấp xã. Mỗi TTVH-TT xã được đầu tư nhiều tỷ đồng. Song hoạt động của các TTVH-TT này, nhất là các phòng chức năng chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng, gây lãng phí.

* Xây dựng theo chủ trương

TTVH-TT, NVH luôn được nhấn mạnh như một phần không thể thiếu trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến, nâng cao tri thức, thỏa mãn nhu cầu văn hóa của người dân. Trong 5 năm qua ( 2012- 2016) toàn tỉnh đã thành lập được 52 TTVH-TT cấp xã theo Đề án "Xây dựng và phát triển TTVH-TT xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang". Tính bình quân mỗi TTVH-TT, NVH xây dựng khoảng 3 tỷ đồng thì nguồn vốn ngân sách cấp huyện đầu tư xây dựng khoảng 216 tỷ đồng và nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ trang thiết bị hoạt động khoảng 11 tỷ đồng.

Điều nghịch lý là trong khi số lượng TTVH-TT, NVH xã tăng lên thì hiệu quả hoạt động lại có phần sút giảm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng và vận hành các thiết chế văn hóa ở nhiều nơi mới chỉ đáp ứng được phần “vỏ”. Nội dung hoạt động của các TTVH-TT, NVH xã và công tác quản lý, vận hành thiết chế này hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; nhiều NVH xã hoạt động cầm chừng, chưa phát huy hết công năng xây dựng.

Theo người dân địa phương 2 năm nay Nhà văn hóa xã Long An (huyện Châu Thành) thường xuyên đóng cửa
Theo người dân địa phương 2 năm nay Nhà văn hóa xã Long An (huyện Châu Thành) thường xuyên đóng cửa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hoạt động kém hiệu quả, lãng phí công năng các thiết chế văn hóa này, và một trong các nguyên nhân chủ yếu là không phù hợp với thực tiễn địa phương. Từ trước đến nay, TTVH-TT, NVH thường được xây dựng bằng nguồn ngân sách phân bổ từ trên xuống, thường thì nhà văn hóa cấp huyện (còn gọi là Trung tâm văn hóa huyện) sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng trước với quy mô hoành tráng, rồi mới đến TTVH-TT, TTVH-TT, NVH xã, và cuối cùng là NVH ấp. Trong 19 tiêu chí để một xã được công nhận đạt chuẩn NTM có tiêu chí số 6: xây dựng TTVH-TT và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTT&DL. Tiêu chí này, một mặt, góp phần thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng NTM; tạo điều kiện giúp người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của người dân thành thị và nông thôn.

Nhưng mặt khác tiêu chí này lại dẫn đến tình trạng xây dựng TTVH-TT, NVH xã, cốt làm sao “đạt chỉ tiêu” để được công nhận. Ở các địa phương vùng xa vùng sâu, nơi có mật độ dân cư thấp, lại không đủ nguồn kinh phí để xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao với quy mô như vậy, và càng thiếu kinh phí duy trì hoạt động của các thiết chế này. Từ đó dẫn đến tình trạng xây xong một TTVH-TT tốn nhiều tỷ đồng nhưng hoạt động không hết công năng, chưa tương xứng với mức đầu tư.

Theo đánh giá của Sở VHTT&DL tỉnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26/2012/NQ-HĐND và Quyết định 2507/QĐ-UBND đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, một số huyện triển khai thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm túc nên nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, chính quyền cơ sở một số nơi chưa thông suốt dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đề án chưa cao và xem việc thành lập TTVH-TT là nhằm đáp ứng các tiêu chí xây dựng xã NTM, nên chỉ làm thủ tục pháp lý thành lập TTVH-TT trong khi chưa đủ điều kiện. Việc thẩm định các tiêu chí để ra quyết định thành lập còn mang tính hình thức nên nhiều Trung tâm đến nay vẫn còn nợ tiêu chí.

Sự phối hợp các ngành hữu quan ở cấp tỉnh chưa chặt chẽ, đến nay chưa có công văn liên tịch nào để hướng dẫn cho cơ sở thực hiện các tiêu chí. Từ khi triển khai Đề án, đến nay các ngành hữu quan chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện về tổ chức, nhân sự, kinh phí, chế độ thu chi, nội dung, phương thức hoạt động kết hợp văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đài truyền thanh, trung tâm học tập cộng đồng tại cơ sở hợp nhất là TTVH-TT cấp xã...

* Và hoạt động cầm chừng

Chúng tôi trở lại TTVH-TT xã Long Chánh (TX.Gò Công) vào một ngày tháng 4, theo quan sát của chúng tôi nơi đây đã đóng cửa nhiều ngày, bàn, ghế, sân khấu bám bụi, cổng TTVH-T rêu phong, sân phía trước cũng um tùm cỏ. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Chủ nhiệm TTVH-TT xã cho biết: NVH xã được xây dựng năm 2007 với tổng diện tích 3.000m2  và được chuyển đổi công năng hoạt động từ NVH sang TTVH-TT xã vào năm 2014. TTVH-TT xã được trang bị đầy đủ các thiết bị âm thanh ánh sáng, các loại đàn, dụng cụ phục vụ hoạt động TDTT.

Tuy nhiên, theo thời gian các thiết bị máy móc đã hư hỏng, mặc khác, do TTVH-TT nằm khuất bên trong và biệt lập với UBND xã nên việc tổ chức hội họp, sinh hoạt rất hạn chế. TTVH-TT xã có 1 hội trường, 1 sân bóng chuyền,1 sân bóng đá mini nhưng hầu như không khai thác, các đội bóng, CLB aerobic đều tự tổ chức thuê sân bên ngoài sinh hoạt. Dù đã chuyển đổi sang TTVH-TT nhưng chưa có các phòng chức năng, chỉ có 1 phòng đọc sách nhưng hầu như không có người đến đọc.

Các phòng chức năng của TTVH-TT xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) được đầu tư khang trang những cũng thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”
Các phòng chức năng của TTVH-TT xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) được đầu tư khang trang những cũng thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Nếu TTVH-TT xã Long Chánh chưa được đầu tư xây dựng các phòng chức năng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách về xây dựng và phát triển TTVH-TT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì TTVH-TT xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) được đầu tư khang trang, đầy đủ các phòng chức năng nhưng vẫn hoạt động cầm chừng. Theo lãnh đạo UBND xã Đăng Hưng Phước, TTVH-TT xã được đầu tư khang trang với 1 hội trường  500m2 ,1 sân bóng đá mini, 4 phòng chức năng gồm phòng hành chính, phòng đọc sách thư viện, phòng truyền thanh và phòng trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay các phòng chức năng chưa có người quản lý, ban chủ nhiệm làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có phụ cấp, thù lao nên các hoạt động rất đơn điệu và không thu hút người dân tham gia…

Qua khảo sát thực tế cho thấy bên cạnh một số TTVH-TT xã hoạt động tương đối hiệu quả như: TTVH-TT Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo), TTVH-TT Phường 1 (TX.Gò Công) thì vẫn còn không ít TTVH-TT, NVH trên địa bàn tỉnh không thu hút được người dân, hoạt động cầm chừng. Xa khu dân cư, ít được sinh hoạt, nên NVH cửa đóng thường xuyên, xung quanh cỏ mọc um tùm. Một số TTVH-TT, NVH xuống cấp trang thiết bị đa số đã hỏng, không đáp ưng nhu cầu sinh hoạt nên người dân cũng ngại đến… 

HOÀI THU

.
.
.