Thứ Năm, 06/04/2017, 06:56 (GMT+7)
.

Vang vọng ngàn đời Giỗ Tổ Hùng Vương

Hùng Vương là tên gọi chung của các đời Vua Hùng ở nước ta thuộc thời đại kim khí, cách đây đã mấy ngàn năm. Do nhu cầu trị thủy, chống giặc ngoại xâm và việc trao đổi kinh tế, văn hóa ngày được đẩy mạnh, nên các bộ lạc do thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đứng đầu có xu hướng tập hợp, thống nhất, đoàn kết với nhau và dựng lên nước Văn Lang, mở ra thời đại các Vua Hùng kéo dài hơn 2.000 năm trong lịch sử nước ta.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã thể hiện tình cảm sâu đậm, máu thịt đối với tổ tiên, nòi giống, trở thành biểu tượng cao đẹp trong cộng đồng, của mỗi người Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, mọi trái tim dù ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng - Đền Hùng. Đây là dịp khắc sâu thêm vào tâm khảm mỗi chúng ta sự nghiệp to lớn và truyền thống tốt đẹp, quý báu của tổ tiên, của thời đại các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ông cha ta luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; chấp nhận đương đầu và vượt qua mọi gian lao, thách thức để xây dựng và bảo vệ giang sơn.

Mọi người dân Việt dù đang sinh sống ở miền xuôi hay miền ngược, nông thôn hay thành thị, trong nước hay nước ngoài đều nêu cao đạo lý “lá rụng về cội”, tưởng nhớ đến Giỗ Tổ Hùng Vương, nhớ về cội nguồn: “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca đã được lưu truyền bao đời nay chính là lời nhắc nhở để con Lạc cháu Hồng đất Việt luôn luôn nhớ rằng chúng ta cùng một tổ tiên, cùng chung một cội nguồn.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) đã trở thành ngày hội lớn ở khắp mọi miền đất nước, ngày hội tinh thần trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ và mong ước làm sao để xứng đáng với tổ tiên, với công lao của các vua Hùng.

Cả nước đang hướng về vùng đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: “Ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển”. Lời di huấn này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội Giỗ Tổ Hùng Vương, mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn - trống thiêng của dân tộc, gửi gắm trong biểu tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng.

Từ thời đại Hùng Vương, trải qua hàng ngàn năm, dân tộc ta vượt qua bao thăng trầm lịch sử với nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng đầy khí phách anh hùng. Ngày nay, chúng ta đang sống trong giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc: Thời đại Hồ Chí Minh, phấn khởi, tự hào và luôn nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”...

Tôi đến viếng Đền Hùng vào giữa tháng 7-2016. Sau Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia căng thẳng, hiệu trưởng thưởng cho cả trường bằng một chuyến du lịch hướng về đất Tổ Phú Thọ, nơi có Đền Hùng. Thực ra kế hoạch cho chuyến đi này trường đã tính từ năm 2014, nhưng vì có nhiều lý do khách quan, kể cả kinh phí nên một năm sau mới thực hiện được. Ai cũng háo hức, bởi nhiều người chỉ biết Đền Hùng qua sách báo, truyền hình, chứ chưa được mãn nhãn. Nay được tận mắt thấy thì vui sướng là lẽ tất nhiên, nhất là với các thầy cô dạy bộ môn Sử. Chuyến đi ngoài trải nghiệm, còn phục vụ cho việc dạy học.

Quần thể di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm 4 đền chính là: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Từ cổng đền (đại môn) dưới chân núi, du khách bước qua nhiều bậc đá lên thắp hương các đền, kết thúc tại đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh - nơi có lăng mộ Vua Hùng thứ 6, tức Hùng Huy Vương.

Tương truyền, đời Vua Hùng thứ 6 đã đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Cảnh sắc nơi đây hữu tình, hài hòa: Có sông, núi, rừng và chim hót không ngơi nghỉ. Dù leo lên rất nhiều bậc đá, càng lên cao càng mỏi chân, nhưng hầu như gương mặt ai cũng rạng ngời. Đứng trước những ngôi đền, thắp nén hương thành kính tri ân những người có công dựng nước mà lòng thanh thản vô cùng. Ngoài những ngôi đền chính, một di tích mà tôi đặc biệt chú ý là Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ, có kiến trúc hình lục giác với 6 mái.

Trong này đặt tấm bia đá khắc dòng chữ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19-9-1954. Quần thể Đền Hùng còn có các di tích lôi cuốn khác như: Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, cột Đá Thề, chùa Thiên Quang… Do đã chuẩn bị từ trước, nên những cuộc trò chuyện với người bản địa, lời hướng dẫn viên đều được tôi ghi âm, viết vào sổ tay để góp phần cho bài giảng sinh động của mình sắp tới.

Quần thể di tích Đền Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 6-12-2012. Chia tay Đền Hùng, lòng nhớ mãi hai câu ca dao mà hầu như tất cả người con Việt Nam đều nhớ: “Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.

THANH HOÀNG - TRUNG THÀNH

.
.
.