Thứ Hai, 02/10/2017, 15:33 (GMT+7)
.

Nghề "giữ hồn" cho Tết Trung thu

Khu vực sản xuất là vô số đầu lân, quần áo lân rực rỡ sắc màu, cánh phụ nữ cùng những thanh niên miệt mài “thổi hồn” vào những con lân đang làm. Để tạo nên những con lân bắt mắt, có hồn, người làm nghề phải thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Gia đình chị Hồ Thị Liễu, xã Nhị Bình (huyện Châu Thành) là một trong những nơi hiếm hoi ở tỉnh sản xuất lân. Nằm sâu trong con đường trải dal, gia đình chị Liễu ngày ngày cần mẫn tạo ra những con lân cung cấp cho thị trường.

Trang trí cho lân.
Trang trí cho lân.

Nói về cơ duyên đến với nghề, chị Liễu bộc bạch: “Trước đây, gia đình bên chồng tôi buôn bán lân ở khu vực Chợ Lớn (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) nên biết đôi chút về nghề làm lân. Tôi là thợ may nên sau khi lấy chồng đã kết hợp với ông xã sản xuất lân. Tôi phụ trách may các vật dụng cho lân như đuôi, quần áo, còn chồng đảm nhận khâu tạo hình, trang trí. Công việc coi vậy mà không phải dễ làm đâu. Lúc đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đầu lân làm ra không được cứng. Khâu vẽ mắt, mũi phải thuê thợ nên nhiều lúc không như mong muốn. Sau thời gian đầu khó khăn ấy, tôi đã thử vẽ mắt, mũi cho lân rồi quen tay, từ đó việc sản xuất dần đi vào nền nếp”.

Để tạo ra con lân hoàn chỉnh, thu hút người chơi phải trải qua nhiều công đoạn và từng công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó để tạo nên một sản phẩm bắt mắt, sống động. Có như thế con lân làm ra mới truyền tải được ý niệm mà người chơi mong muốn. Bước đầu tiên là khâu tạo hình (còn gọi là đắp sườn), những miếng giấy bìa được thoa lên một lớp hồ rồi dán vào khuôn mẫu. Sau khi dán xong, khuôn mẫu sẽ được mang đi phơi nắng để cho cứng (tùy nắng nhiều hay ít mà thời gian phơi dài hay ngắn). Sau khi phơi nắng xong, lớp giấy bìa đã cứng sẽ được lấy khỏi khuôn mẫu để cắt, tạo hình. Hoàn thành bước này, đầu lân sẽ được vẽ và dán kim sa. Chị Liễu chia sẻ: “Nét vẽ quyết định đến độ bắt mắt của con lân. Chính vì vậy, trong từng nét vẽ phải thật khéo léo và tỉ mỉ. Ở đây tôi là người đảm nhận công đoạn này. Thông thường, khách hàng ưa chuộng lân vẽ bằng tay hơn so với dán bằng kim sa”.

Khuôn hình được mang đi phơi để tạo độ cứng.
Khuôn hình được mang đi phơi để tạo độ cứng.

Sau bước tạo “hồn”, đầu lân được mang đi trang trí. Đầu lân sẽ được gắn đèn led để tạo nên sự lung linh khi biểu diễn vào ban đêm. Bên cạnh đó, đầu lân còn được trang trí thêm những chi tiết như mắt, mũi, đường viền. Hoàn thành công đoạn này, người làm chỉ cần kết phần đuôi (bằng vải) với phần đầu là đã có một con lân hoàn chỉnh. Chị Liễu chia sẻ thêm: “Do tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công nên đòi hỏi sự chăm chút trong từng chi tiết. Mỗi sản phẩm làm ra mang đậm dấu ấn của người thợ”.
Trong dịp Trung thu, những con lân luôn tạo nên sự thích thú cho trẻ em.

Để chuẩn bị lân cho Tết Trung thu, cơ sở của chị Liễu bắt đầu sản xuất từ tháng giêng cho đến tháng 8 âm lịch, trong đó cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch. Hiện nay, cơ sở chị Liễu đang sản xuất lân với nhiều kích cỡ khác nhau (từ trẻ em cho đến người lớn đều có thể múa được). Trong đó, loại lân nhỏ thường tạo được sức hút vào dịp Tết Trung thu, được khách nước ngoài ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Liễu đưa ra thị trường khoảng 3.000 con lân các loại, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh.

Theo chị Liễu, hiện nay, việc sản xuất lân có sự thay đổi so với trước đây nhưng con lân vẫn giữ được hình dáng truyền thống ban đầu. Đặc biệt hơn là giá trị tinh thần, quan niệm về sự may mắn vẫn còn vẹn nguyên nét đẹp.

MINH THÀNH

.
.
.