Thứ Năm, 09/11/2017, 20:08 (GMT+7)
.

Viết giữa những ngày miền Trung bão lũ

1. Thuở đi học, tôi từng chép vào sổ tay bài ca dao “Mười cái trứng” của miền Trung. Những câu ca ấy đã gợi trong tôi suốt từ ấy cho đến bây giờ, và chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa, cho đến khi nào trên con đường đời chẳng còn gặp khó khăn, trở ngại. Con người miền Trung trong bài ca dao ấy ở thời điểm khó khăn nhất, những “tháng khốn tháng nạn” đã dồn hết những đồng bạc cuối cùng trong nhà, không phải để mua gạo, mua thức ăn, mà là “ra chợ Kẻ Diên mua một con gà mái về nuôi”. Bao hy vọng, chờ đợi, gà đẻ 10 trứng. Rồi thấp thỏm ngóng trông ngày trứng nở. Tiếc thay, 7 trứng ung. Còn 3 trứng nở ra 3 con, nhưng “con diều tha, con quạ bắt, con cắt xơi”. Tưởng chừng người dân miền Trung ấy sẽ giận dữ hoặc tuyệt vọng mà chết. Nhưng không, họ vẫn kiên gan bền chí để hy vọng, tin tưởng mà sống: “Chớ than phận khó ai ơi - Còn da lông mọc, còn chồi lên cây”. Thật đáng khâm phục cho ý chí, nghị lực của người miền Trung. Có lẽ hằng ngày phải đối đầu với những khó khăn, thử thách “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nên họ mới có sức mạnh tinh thần đến vậy!

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

2. Chẳng biết tự bao giờ trong dân gian lưu truyền câu chuyện “Cá gỗ”. Chuyện có nhiều dị bản, nhưng nội dung chính là vì hoàn cảnh nghèo khổ, không có thức ăn, một người ở miền Trung (cụ thể là tỉnh Nghệ An) đã đẽo con cá bằng gỗ, để vào nồi, kho lên, mỗi bữa cơm nhìn con cá gỗ mà tưởng tượng ra cá thật để đưa cơm. Có thể nhiều người nhân câu chuyện này chế giễu, đùa cợt người dân xứ Nghệ và gọi “chết danh” họ là dân “cá gỗ”. Còn tôi, mỗi lần nghĩ về câu chuyện này, lòng trào dâng nỗi niềm thương xót và trân trọng. Thiên nhiên không ưu đãi nhân dân miền Trung. Cuộc sống ngày xưa luôn gặp cảnh “Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ - Những đồi sim không đủ quả để nuôi người”, đến “con chim cũng bỏ trời đi xứ khác”, bởi “Đất không nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất”, phải làm “phép thắng lợi về mặt tinh thần” như vậy trong cả bữa ăn. Và cũng thật trân trọng tinh thần vượt qua gian khổ của người dân miền Trung.

3. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó một thống kê, rằng tỷ lệ người miền Trung có học vị tiến sĩ làm việc, công tác trong Nam so với các vùng, miền khác là khá cao. Phải chăng do cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt đã hun đúc nên khát vọng, ý chí vượt khó trong lao động, học tập, rồi dần dần trở thành truyền thống hiếu học của người miền Trung? Chẳng có thế núi hình sông nào hình thành nên “địa linh nhân kiệt” cả, mà đó là một quá trình kết tinh của ý chí, khát vọng của con người. Dải đất miền Trung mỗi năm hứng chịu hơn chục cơn bão dữ, những cơn lũ hung hãn cuồn cuộn nhấn chìm làng mạc, mùa màng đã tạo nên tính cách đẹp đẽ ấy của người miền Trung.

4. Tôi viết những dòng này giữa lúc miền Trung đang bão lũ. Thương lắm miền Trung - “khúc ruột” thân thương của Tổ quốc. Bão rồi cũng sẽ đi qua, nhân dân miền Trung bằng sức mạnh tinh thần của mình sẽ khắc phục khó khăn để ổn định cuộc sống. Người miền Trung chẳng bao giờ “than phận khó”, nhưng những tấm lòng khắp mọi vùng, miền trên đất nước vẫn luôn hướng về dải đất “như chiếc đòn gánh gánh hai đầu Tổ quốc”.

PHAN NGỌC THANH

.
.
.