Thứ Tư, 20/12/2017, 21:37 (GMT+7)
.

Vũ Tuấn và lối rẽ với thể thơ văn xuôi

Vũ Tuấn mê thơ và luôn đau đáu đi tìm cái riêng của mình trong thơ. Hiếm thấy có người đam mê thơ đến mức dám dấn thân và phải đánh đổi nhiều thứ để được sống với thơ như thế. Đang học phổ thông, anh bỏ học, “lang bạt” lên TP. Hồ Chí Minh để được hòa nhập, được hít thở trong môi trường thơ đầy sôi động và đa sắc màu. Rồi sau này, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh vẫn dành tâm huyết cho thơ. Anh viết mọi lúc, mọi nơi. Lênh đênh trên sông nước với nghề buôn bán lúa gạo, anh viết. Khi bận bịu suốt ngày với công việc chăn nuôi, mua bán, anh vẫn viết. Dường như cuộc sống không có gì có thể cản trở được niềm đam mê của anh dành cho thơ.

Nhưng có lẽ, Vũ Tuấn còn thiếu một chút may mắn, thiếu một chút duyên vì cuộc dấn thân, tìm kiếm khá dài mà vẫn thấy anh cứ loay hoay với các thể thơ truyền thống: Lục bát, năm chữ, sáu chữ... Có lúc, anh nghiêng hẳn về thể thơ tứ tuyệt. Một số bài thơ tự do của anh trong giai đoạn này cũng còn nhập nhằng giữa thơ truyền thống và hiện đại, chưa dứt khoát được với ngôn từ, hình ảnh, cấu tứ… của thơ truyền thống:

… Đừng ngăn dòng suối tình em chảy
Anh làm biển đựng những chơi vơi


Mơ gió thổi lên buồm căng mộng
Cho thuyền khao khát vụt ra khơi…

                                                    (Khát)
Đọc lại những tác phẩm đầu tay khi Vũ Tuấn mới dấn thân đến với thơ, tuổi còn rất trẻ và những bài sau này, khoảng cách thời gian được tính bằng hàng thập kỷ, nhưng không thấy sự bứt phá rõ nét, hay sự dịch chuyển về tư duy, tứ thơ, ngôn ngữ, hình tượng, cảm xúc… Cảm nhận Vũ Tuấn vẫn đứng mãi một chỗ với tuổi 20, vẫn cứ như chàng trai trẻ bỏ ruộng đồng ở vùng Hậu Mỹ (huyện Cái Bè) lên thành phố để “nhập cuộc” và đi tìm chỗ đứng cho mình trong thế giới thơ đầy biến ảo và cuốn hút. Nếu hơn 20 năm trước Vũ Tuấn đã viết những câu thơ đầy suy tư như:

Khoét vào đêm một nhát dao
Tiếng chuông sâu hoắm tự nơi nào
Ngọt ngào hoa nở dâng hương ngát
Anh đợi chờ em, em ở đâu?

                                            (Tiếng chuông)
Thì hơn 20 năm sau, Vũ Tuấn vẫn không thể vượt qua “cái bóng” tuổi 20 của mình:
Thiếu em như bút không còn mực
Câu thơ đột hứng lúc tàn canh
Lửa tình truyền nhiệt qua tâm cảm
Em cứ âm thầm đốt cháy anh!

(Tâm cảm)

Công bằng mà nói, khi mới đọc các bài thơ đậm đặc chất truyền thống của Vũ Tuấn, nhất là thơ tứ tuyệt, cũng mang đến cho người đọc những bất ngờ thú vị, gây được ấn tượng mạnh mẽ bởi cái tứ sâu lắng, hàm chứa triết lý và chiêm nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, khi cứ phải đọc đi đọc lại nhiều bài như thế, cho thực khách ăn mãi một món như thế thì món ăn dù có ngon mấy cũng phải khiến thực khách… ngán vì bội thực. Vì vậy, một cảm nhận khác lại đến mà không người đọc nào mong muốn, đó là sự lặp lại và thấy dường như thơ của anh “lý trí” quá, còn thiếu gia vị rất quan trọng, đó là cảm xúc.

Đôi khi đọc thơ Vũ Tuấn cảm thấy “tức” vì sự dồn nén theo kiểu “quy nạp” một cách khuôn mẫu. Biên độ cảm xúc rộng hay hẹp, anh đều đổ vào một cái khuôn đúc như nhau, mà đáng lẽ cần phải được mở rộng biên độ, giới hạn để cảm xúc được thỏa sức tuôn trào. Chợt nhận ra, với thơ, nếu chỉ có cái tứ sâu lắng của “lý trí” thì chưa đủ, mà đòi hỏi còn phải có cảm xúc từ trái tim với những ngôn từ giàu hình ảnh để chuyển tải các cung bậc cảm xúc thì mới dễ dàng chạm đến xúc cảm của người đọc.

Có lẽ Vũ Tuấn cũng đã nhận ra điều đó. Nhiều bài thơ tự do và cả những bài viết theo lối truyền thống của anh trong thời gian gần đây đã khai thác nội tâm, khiến bài thơ da diết, giằng xé, có hồn, tạo được chiều sâu trong tứ thơ. Tuy nhiên, dù có nhiều cách tân, dữ dội hơn, giằng xé hơn, phóng khoáng hơn, nội tâm hơn, thế sự hơn và biên độ cảm xúc được mở rộng hơn, nhưng có cảm giác Vũ Tuấn vẫn chưa hoàn toàn giải phóng được năng lượng, chưa thoát ra được cái vỏ bọc của chính mình. Một số bài thấy Vũ Tuấn cố tình “gia công” về hình thức như xuống dòng, ngắt câu… để tạo sự mới mẻ, nhưng lại thấy khá gượng, không cần thiết:

… Cung thanh thánh thót tơ mành
Cung trầm
             lặng
                   lắng
                         nước
                                 ngân
                                        đáy hồ…
(Ngẫu khúc trăng)

Vẫn còn thấp thoáng đâu đó trong một số bài thơ tự do của anh được sáng tác gần đây một đôi chỗ còn bị “kiềm lại”, đôi từ khiến người đọc bị khựng và cảm thấy tiếc, giá như anh chịu đầu tư đẩy cảm xúc lên hơn một chút, phóng khoáng hơn một chút thì trọn vẹn hơn. Nhưng phải khẳng định rằng, thơ tự do của Vũ Tuấn đã có một bước chuyển khá mạnh mẽ, điều này thể hiện rất rõ trong tập thơ “Lửa thức” của anh chuẩn bị in trong thời gian tới.

Đến năm 2015, 2016, Vũ Tuấn mạnh dạn khám phá tiềm năng trong bản thân mình và đã có bước đột phá mạnh mẽ, đầy nội lực với thể thơ văn xuôi. Nếu thơ tự do của Vũ Tuấn còn một vài chỗ khiến người đọc bị khựng, thì với thơ văn xuôi của anh mượt hơn và thuyết phục hơn. Có cảm giác thơ văn xuôi của anh không có giới hạn, phá bỏ hết mọi rào cản trước đây mà anh tự áp đặt cho mình, khai thác đến tận cùng chiều sâu của cảm xúc, đưa người đọc đến với cái đẹp của những câu từ co duỗi một cách linh hoạt; hình ảnh, tứ thơ hoàn toàn phóng khoáng. Còn nhớ lần đầu Vũ Tuấn viết thơ văn xuôi, đó là bài “Rước phấn về cho hoa”. Khi đọc, tôi đã bất ngờ đến mức phải à lên: Đây mới thật sự là Vũ Tuấn mà tôi chờ!

Anh không biết em sẽ đợi anh bao nhiêu mùa xuân còn lại trong cuộc đời, nhưng anh quyết tìm em trong cuộc đời với những mùa xuân còn lại, khi hoa anh đào, hoa tam giác mạch, hoa mimosa, hoa tú cầu và ngàn hoa rộ nở...


Em,
Khi mùa xuân đến hãy gửi nụ hôn có mùi nhựa thông tình ái vào cánh gió trực chỉ hồn anh, bằng trực giác của con tim đang dò tìm sóng, theo cánh bay trực cảm của loài ong khát mật anh sẽ đến bên cánh cửa khép hờ trong giờ phút giao thừa để rước phấn về cho hoa...!
 (Rước phấn về cho hoa)

Đọc thơ văn xuôi của Vũ Tuấn, tôi cảm thấy thích thú vì “mạch nước ngầm” của anh đã được khoan trúng, tuôn trào. Trong gần 3 năm qua, Vũ Tuấn liên tục tung ra các bài thơ văn xuôi mới, đọc bài nào cũng cảm thấy đã, thấy thấm. Tuy nhiên, tiềm lực quá dồi dào nên đôi khi thấy “mạch nước ngầm” của Vũ Tuấn tuôn trào một cách thiếu kiểm soát, một số từ ngữ làm người đọc bị hẫng, bởi nó thiếu sự kiềm chế trong cảm xúc. Giá như anh tiết chế bớt những từ như “thổ huyết” (người nông dân thổ huyết vì giá cả khi thăng khi giáng như con ngựa trở chứng) trong bài “Mùa hạ nhớ mùa thu”, “Cuồng si” (trong một số bài)… thì sẽ hoàn hảo hơn. Tôi chờ đọc những bài mới của Vũ Tuấn ở thể thơ văn xuôi. Và tôi có niềm tin rằng, Vũ Tuấn sẽ khẳng định chỗ đứng của mình bằng chính thể thơ này.

NG. CHƯƠNG

.
.
.