Thứ Năm, 11/01/2018, 15:30 (GMT+7)
.

Tang lễ và một số việc nên hạn chế

Đến nay tròn 20 năm, Tiền Giang triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 27 ngày 12-1-1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Công văn 217 ngày 10-4-1998 của Tỉnh ủy về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã đạt được nhiều kết quả rất thiết thực, góp phần giảm bớt các hủ tục lạc hậu và tiết kiệm được kinh phí, thời gian cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Trong đó, về việc tang, có những tiến bộ rất rõ như:

Người chết được tẩn liệm sớm, không tổ chức lễ viếng dài ngày, không tổ chức đãi tiệc linh đình và người chết được đưa đi hỏa táng... Tuy nhiên, nếu xem xét một cách toàn diện và nghiêm túc thì trong lễ tang ngày nay vẫn còn một số vấn đề không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cần được tiếp tục vận động để hạn chế như sau:

* Khắc phục tình trạng sử dụng âm thanh gây tiếng ồn quá to

Theo tập tục, thầy cúng đứng trước quan tài tụng kinh để “cầu siêu” cho linh hồn người chết sớm siêu thoát về nơi “an lạc”, là lời cầu siêu riêng cho người chết thì thầy tụng chỉ cần tụng bằng tiếng thật và nhỏ, không cần phát loa sẽ tạo được sự sâu lắng, thiêng liêng để tiễn đưa linh hồn người chết về cõi vĩnh hằng. Dàn nhạc lễ hòa nhạc để phụ họa nhằm tạo cho các hình thức lễ nghi trong đám tang thêm phần trang trọng, chỉ cần sử dụng một số loại nhạc cụ truyền thống như: Kèn lá, đờn cò, chập chả, trống cơm và hòa nhạc đúng với những bài nhạc lễ truyền thống; không được đàn những bài nhạc mới, nhạc trẻ, nhạc không phù hợp với tang lễ...

Hiện nay, có những đám tang, thầy tụng kinh để cầu siêu và dàn nhạc lễ sử dụng khuếch đại âm thanh quá to, làm mọi người dự tang lễ không nói chuyện với nhau được, không nghe được; người cao tuổi thì mệt mỏi, khó chịu... nên cúng viếng xong là tranh thủ ra về ngay, dù trong lòng không muốn thế; còn trẻ con hàng xóm không học bài được, người lớn thì mất ngủ...

Lễ tang là việc buồn “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên thiết nghĩ, chủ tang nên dành một không gian yên tĩnh và nghiêm túc để gia đình, bà con chòm xóm, đồng nghiệp, bạn bè gần xa đến thăm hỏi, chia buồn và động viên gia đình.

* Không nên rải vàng mã dọc đường lúc di quan

Đường đi công cộng có nhiều phương tiện giao thông, hộ kinh doanh và cư dân sinh sống, cần giữ gìn vệ sinh và cảnh quan chung để không gây ảnh hưởng đến người khác và ít tốn kém cho gia đình có tang lễ. Thế nên, chỉ rải vàng mã tại gia đình khi di quan và tại nơi an nghỉ cuối cùng của người chết. Hiện nay, vẫn còn một số trường hợp di quan rải rất nhiều vàng mã (tiền âm phủ) bay tung tóe nhiều ngày, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

* Nên tổ chức hỏa táng cho người chết

Từ xưa đến nay, theo quan niệm của cư dân các nước nông nghiệp (trong đó có Việt Nam), khi đến tuổi già yếu, người ta thường có nguyện vọng được chết và được chôn cất tại nơi chôn nhau cắt rốn, trên đất vườn của gia đình - nơi có mồ mả của tổ tiên, để được “đoàn tụ ông bà”, nên sau khi chết, được gia đình chôn cất gần nhà để hằng năm tiện việc thăm viếng.

Ngày nay, nhiều trường hợp chỗ ở của người chết xa quê hoặc không còn nhiều diện tích đất để chôn; có trường hợp không có đất để chôn, chưa kể đến yếu tố có thể gây ra ô nhiễm môi trường về sau. Vì thế, ngày nay, việc hỏa táng cho người chết là phù hợp và cần thiết. Sau khi hỏa táng, gia đình có thể mang tro cốt về thờ cúng tại nhà. Đôi khi do cuộc sống phải dời chỗ ở thì rất thuận tiện “thỉnh” theo để tiếp tục thờ cúng hoặc đưa vào các chùa để thờ cúng.

Cũng cần nhớ rằng, đất không sinh nở thêm, còn người thì ngày càng đông, nếu tình hình chôn cất, xây dựng mồ mả to lớn thì sau này con cháu của chúng ta không còn đủ đất để sinh sống. Cá biệt, có một số ít gia đình giàu có mua đất xây dựng khu mộ cho người thân cả ngàn mét vuông.

Xin được đề xuất: Nhà nước nên có quy hoạch và quy định cụ thể hơn đối với việc chôn cất người chết. Mỗi phần mộ được bao nhiêu mét vuông? Có khuôn viên không, nếu có thì tối đa là bao nhiêu mét vuông? Quy hoạch thêm các nghĩa trang nhân dân để vận động mọi người từng bước thực hiện...

Việc tổ chức tang lễ cho người chết là cần thiết, là truyền thống và là trách nhiệm của người còn sống đối với người qua đời, là một trong những hình thức tạ ơn những người đã có công lao trong gia đình, là cách giáo dục cho con cháu tưởng nhớ công ơn của ông bà, cha mẹ... Tuy nhiên, việc tang cần tổ chức cho thật phù hợp với nếp sống văn minh của xã hội, đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình và phong tục, tập quán của từng địa phương.

NGUYỄN NGỌC MINH

.
.
.