Thứ Bảy, 10/02/2018, 08:24 (GMT+7)
.
Năm tuất:

"Giải mã" những bí mật về chó

Chó sống gần gũi và là người bạn trung thành của con người. Bằng khả năng quan sát tinh tế qua hàng ngàn năm, cha ông ta đã tổng kết những đặc tính quý báu có ở loài chó qua những câu tục ngữ, thơ ca rất hay. Với góc nhìn khoa học, chúng ta thử tìm hiểu tại sao chó có những đặc điểm tuyệt vời như vậy.

1. “CON KHÔNG CHÊ CHA MẸ KHÓ, CHÓ KHÔNG CHÊ CHỦ NGHÈO” (tục ngữ)

Con chó là loài vật nuôi trung thành tuyệt đối với chủ của nó, giống như cách đối xử của một người con hiếu thảo với cha mẹ. Điều này được giải thích do bộ não của chó có cấu trúc giống hệt chúng ta, chúng thậm chí còn sở hữu cả hormone oxytocin - một hormone liên quan đến tình cảm và tình yêu. Não người chứa trên 100 tỷ tế bào thần kinh.

Não chó ít hơn con người 200 lần, tầm khoảng 530 triệu tế bào thần kinh, nhưng chó cũng có những trải nghiệm về cảm xúc tương tự con người, tuy rằng ở mức độ đơn giản hơn. Theo các chuyên gia, một con chó trải qua các giai đoạn phát triển nhanh hơn con người bình thường, não hoàn thiện khi được 4 - 6 tháng tuổi. Khi đó, não của chó có được những xúc cảm tương đương với một đứa bé 2 tuổi rưỡi. Ở tuổi ấy, đứa bé đã có những tình cảm cơ bản: Vui, sợ hãi, giận dữ, hứng thú, đau khổ, thậm chí là tình yêu...

Đối với loài chó thì không thể đạt được những cảm xúc ở mức độ phức tạp hơn, chỉ xuất hiện ở loài người như tội lỗi, tự hào, xấu hổ hay khinh miệt. Chính sự phong phú và đa dạng cảm xúc trong não của chó khiến chúng có những hành động không phải động vật nào cũng có, đó là sự trung thành với con người, hiểu được tình cảm của con người, hiểu được tiếng nói của con người.

Nhà khoa học Atila Andics và nhóm cộng sự của ông đã nghiên cứu hoạt động của não chó bằng cách chụp hình não của chó qua máy quét cộng hưởng từ, đã kiểm tra, so sánh những phản ứng thần kinh của chó và người đối với khoảng 200 âm thanh cảm xúc khác nhau.

Những hình ảnh cho thấy, khu vực phản ứng với giọng nói ở cả não của chó và người đều nằm ở một vùng tương tự, cách xử lý và tiếp nhận âm thanh tình cảm của não bộ của chó rất giống con người.

Vùng âm thanh gần vỏ não phản ứng mạnh với những âm thanh vui vẻ phấn khích, chó hoàn toàn hiểu được mọi cung bậc, sắc thái tình cảm của loài người, để từ đó chúng sẽ điều chỉnh cách hành xử đối với con người không khác gì một đứa bé đối với cha mẹ.

Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều người xem chó là một thành viên chính thức của gia đình, như một đứa trẻ lên ba ngoan ngoãn, thông minh và mạnh mẽ.

2.  “LẠC ĐƯỜNG NẮM ĐUÔI CHÓ, LẠC NGÕ NẮM ĐUÔI TRÂU”

Ngoài trí thông minh, chó còn biết vận dụng khả năng khứu giác tuyệt vời để biết đường về nhà. Theo các nhà nghiên cứu, hệ thần kinh khứu giác của chó lớn hơn con người rất nhiều, thể tích vùng nhận tín hiệu ngửi của chó ở bán cầu đại não là 150 cm3, trong khi con người chỉ có 3 cm3.

Tế bào thần kinh khứu giác của chó cao gấp 40 lần số tế bào thần kinh khứu giác của con người, cho nên chó có khả năng nhận mùi vị và phân biệt các mùi khác nhau nhanh gấp một triệu lần khả năng nhận biết mùi của con người.

Chó có thể nhận ra được một mùi hấp dẫn xa tầm 3 cây số, nhất là mùi của chó cái trong thời kỳ động dục: “Rạo rực như chó tháng bảy” (tục ngữ). Người ta tận dụng khả năng ngửi tuyệt vời của chó để huấn luyện trong việc phát hiện ma túy, thuốc nổ, cấp cứu thảm họa...

Ngày nay, chó còn được huấn luyện phát hiện bệnh tiểu đường, ung thư... Phương pháp đơn giản là cho chó ngửi mùi của các chất cần phát hiện, sau đó nếu chó phát hiện ra mùi giống như vậy nơi chỗ cất giấu sẽ được chủ thưởng một mẩu thức ăn, khiến chó thích thú, người ta gọi là “phản xạ có điều kiện”, một hoạt động phản xạ thần kinh cao cấp.

Phản xạ này còn giải thích hành động của chó khi nhìn thấy hình dáng một người vào nhà, nếu đó là chủ thì vẫy đuôi mừng rỡ, nếu là người lạ là nó sủa, cắn. Như vậy, cũng là hình dáng của người, nhưng con chó có những phản xạ khác nhau.

Người ta đã làm thí nghiệm cắt bỏ vỏ não của con chó, sau khi phục hồi thì nhận thấy hành vi của chó khác hẳn trước, nó trông thấy chủ nhưng không mừng, trông thấy người lạ nhưng không sủa, không cắn.

Đối với khả năng nhớ đường về nhà, ngoài việc dựa vào trí nhớ tốt, chó còn biết làm dấu đường di chuyển của mình để đảm bảo không bao giờ lạc đường, đó là nó ngửi theo mùi nước tiểu của mình.

Tục ngữ có câu “Lắt nhắt như chó đái”, nghĩa bóng là mô tả tâm trạng và hành động một người đứng ngồi không yên do lo lắng, sợ hãi, thiếu tập trung; còn nghĩa đen là hành vi các chú chó đi trên đường thỉnh thoảng ghé vào gốc cây, bụi rậm, hay thậm chí trên bánh xe của chủ để “tè” một chút.

Đây là bản năng sinh tồn đánh dấu lãnh thổ của chó khi chúng còn sống hoang dã, để khẳng định khu vực này là của nó với đầy đủ mùi vị, giới tính, tuổi đời..., cảnh báo con chó nào muốn xâm phạm phải đối đầu với nó. Vì vậy, khi muốn trở về nhà, chúng chỉ cần ngửi mùi... nước tiểu của mình là sẽ về tới nhà ngay thôi.

Xin nói thêm một chút về bệnh tiểu đường liên quan đến những chú chó. Ứng dụng khả năng ngửi của chó, người ta huấn luyện chó có thể xác định được khi nào đường huyết của chủ nhân họ xuống dưới mức cho phép - một dấu hiệu có thể dẫn tới cơn hạ đường huyết cấp.

Ở những bệnh nhân tiểu đường, khi nồng độ đường huyết bị hạ xuống có thể dẫn tới các cơn run tay, mất phương hướng và mệt mỏi, lúc này nồng độ isoprene đã tăng đáng kể trong quá trình hạ đường huyết.

Chó có thể nhận ra hóa chất này khi người bệnh thở. Nếu tình hình trở nên xấu đi, bệnh nhân có thể bị ngã hoặc bất tỉnh. Phát hiện chủ nhân của chúng đang có vấn đề, chó sẽ thông báo bằng cách thực hiện những hành động đã được dạy trước, chẳng hạn như sủa, nằm xuống...

Và điều đặc biệt nữa, chính những chú chó góp phần quan trọng cho con người tìm ra được chất insuline - một loại hoóc môn tuyến tụy để trị bệnh tiểu đường.

Năm 1922, Fred Banting và Charles Best thuộc Trường Đại học Tổng hợp Toronto (Canada) thông báo họ đã tìm ra insulin và ứng dụng thành công chất này trong điều trị bệnh tiểu đường ở người.

Banting và Best đã cắt bỏ tuyến tụy của những chú chó, những chú chó không có tụy này sau đó đều mắc bệnh tiểu đường.

Kế tiếp, họ đã chiết xuất ra một hoóc môn hóa học từ tuyến tụy, đó là chất insuline. Sau đó, chất này được tiêm vào chó bị bệnh tiểu đường và họ nhận thấy bệnh tiểu đường đã bị đẩy lùi. Ứng dụng này vẫn còn hiệu quả tới ngày nay.

3. “ĐEM LÒNG KHUYỂN MÃ ĐỀN NGHÌ NÚI SÔNG” (tác phẩm thơ Hán Nôm Việt Nam “Nhị độ mai”)

Chó không những là người bạn trung thành của con người, mà chó còn hy sinh mạng sống của mình cho khoa học. Trước khi trở thành thầy thuốc, tất cả sinh viên y khoa đều trải qua những bài học thí nghiệm về bệnh học và thực hành trên chó.

Ngay năm thứ hai của trường đại học y, các thầy thuốc trẻ tương lai một phen xót xa khi dùng búa tạ đập thật mạnh vào cơ đùi một con chó khỏe mạnh. Tiếng la ăng ẳng chói tai của con vật trên bàn mổ khi bị những nam sinh viên thay phiên nhau đập vào đùi con chó, tiếng gào thét của con chó tội nghiệp mới đầu thật ác liệt, thảm thiết, sau đó tắt dần, tắt dần... chỉ còn tiếng rên khe khẽ kéo dài một lúc rồi mọi âm thanh đều chìm vào im lặng.

Cả nhóm 10 sinh viên mới đầu còn lao xao đùa giỡn, rồi sau đó tất cả đều trầm mặc, lặng yên, bối rối, thở dài. Nhiều lần thầy kêu dừng lại để lấy các chỉ số sinh tồn trên chó, sau đó lại đập tiếp, cuối cùng con chó “ra đi”. Tất cả chỉ để giải đáp cho các sinh viên y khoa biết cơ chế bệnh sinh của bài học thực hành sốc chấn thương.

Cái chết của con chó giúp thầy thuốc tận mắt chứng kiến một sinh linh sống đang trải qua quá trình tổn thương dẫn đến sốc chấn thương như thế nào, tử vong ra sao, để sau này họ có kiến thức cứu những người lâm nạn.

Năm thứ ba đại học y khoa, sinh viên học môn phẫu thuật thực hành, những bàn tay lọng cọng dùng các dụng cụ thông thường trong phẫu thuật như kim, chỉ phẫu thuật, kìm, kéo, các loại ống thông, ống dẫn lưu; mở và đóng thành bụng, thăm dò ổ bụng, khâu ống tiêu hóa, mở ống tiêu hóa, khâu lỗ thủng ổ loét dạ dày, tá tràng và ruột non....

Tất cả đều thực hành trên chó, nhưng lúc ấy các chú chó đã được gây mê nên sinh viên ít có bối rối, động lòng trắc ẩn như các năm đầu.

Trong thí nghiệm nổi tiếng của Petrovich Pavlov (sinh ngày 14-9-1849, mất ngày 27-2-1936), là một nhà sinh lý học, tâm lý học và thầy thuốc người Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Peterburg (năm 1907), Pavlov đã tiến hành thí nghiệm trên chó về sự tiết dịch vị ở bao tử.

Con chó được dẫn lưu dạ dày để hứng dịch vị chảy ra, bình thường mỗi phút khoảng 25 giọt. Bỗng ngoài cửa vọng vào tiếng bước chân của  nhân viên nuôi chó, rồi nhân viên này bê thức ăn của chó đi qua cửa phòng thí nghiệm, bước chân xa dần rồi mất hẳn.

Lúc đó nhân viên thí nghiệm phát hiện dịch vị của chó tiết ra tăng lên, mỗi phút khoảng 100 giọt. Pavlov nghĩ: “Tiếng bước chân của người nuôi chó gắn liền với sự xuất hiện thức ăn, lâu dần nó và thức ăn có một mối quan hệ đặc biệt thông qua cái đầu của con chó, tức là bước chân của người nuôi chó có thể thay thế cho thức ăn. Tiếng bước chân ấy vang lên là chó biết ngay thức ăn sắp được đưa tới, thông qua thần kinh đại não ra mệnh lệnh làm cho dạ dày tiết nhiều dịch vị”.

Pavlov cho rằng, đây là một loại phản ứng đối với sự kích thích từ bên ngoài, ông gọi nó là “phản xạ có điều kiện” của động vật và đã xây dựng nên định luật cơ bản phản xạ có điều kiện. Vì những thành tựu này, Pavlov nhận được giải thưởng Nobel.

Ngày nay, chúng ta hy vọng việc thực hành trên chó còn sống đã được giảm thiểu rất nhiều nhờ vào sự phát triển của mô hình bằng nhựa, môi trường thực tế ảo và công nghệ thông tin giúp người thầy thuốc tránh được những thí nghiệm thiếu nhân đạo trên chó sống.

Tóm lại, trong cuộc sống của con người, có lẽ không động vật nào thân thiết, gần gũi với con người hơn loài chó. Phía sau bộ lông xù xì của chó là một trái tim kim cương rực sáng lòng trung thành mà không đòi hỏi bất cứ điều gì, dù là người chủ giàu có hay nghèo khổ. Chó giúp con người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công việc hằng ngày, đến bảo vệ tài sản, sức khỏe cho gia chủ, nhất là hy sinh cho nghiên cứu khoa học, giúp đời sống tình cảm của con người thêm phong phú, đa dạng, tự tin.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.