Thứ Tư, 25/04/2018, 09:58 (GMT+7)
.

"Chợ chiều" hoạt động biểu diễn thời @

Đã qua rồi cái thời khán giả nườm nượp kéo đến ngồi chật sân UBND xã, trường học… để chờ xem chương trình biểu diễn phục vụ của các đội thông tin lưu động (TTLĐ) cấp tỉnh, huyện. Trong những năm gần đây, hoạt động biểu diễn của các đội TTLĐ, thậm chí của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh, các đoàn chuyên tổ chức các chương trình tạp kỷ ở TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang biểu diễn (có bán vé) cũng thưa thớt khán giả đến xem. Vì sao?

Thế hệ “vàng” của phong trào văn nghệ quần chúng nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. 				                 Ảnh: Tư liệu
Thế hệ “vàng” của phong trào văn nghệ quần chúng nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Ảnh: Tư liệu

KHÁN GIẢ NGÀY CÀNG VẮNG

Những năm của thập niên 90 thế kỷ trước, mỗi khi có chương trình văn nghệ phục vụ của các đội TTLĐ huyện, tỉnh là khán giả ùn ùn kéo đến xem, ai cũng chăm chú thưởng thức đến khi kết thúc tiết mục cuối cùng mới về. Thế nhưng, đó là chuyện của quá khứ.

Còn hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, trong những lần đội TTLĐ của tỉnh hay của TP. Mỹ Tho biểu diễn phục vụ tại một số điểm trên địa bàn TP. Mỹ Tho thì khán giả đến xem luôn trong tình cảnh “chợ chiều”.

Nhiều lần chúng tôi thấy, khi đội TTLĐ của tỉnh tổ chức biểu diễn phục vụ ở sân khấu ngoài trời tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, dù chương trình được dàn dựng khá công phu, chất lượng tốt, nhưng khán giả chỉ dừng xe lại xem một vài tiết mục rồi đi; đến những tiết mục cuối thì chỉ còn lèo tèo một số khán giả xem.  

Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Nguyễn Văn Tăng cho biết: Hoạt động chiếu phim ở Rạp Định Tường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, nếu trong năm 2016 doanh thu của Rạp Định Tường đạt 120 triệu đồng, thì sang năm 2017 giảm chỉ còn 9 triệu đồng. Hiện nay, 1 suất chiếu chỉ bán được 5 - 7 vé, có khi đến suất chiếu mà không có khán giả nên không thể chiếu được. Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, Rạp Định Tường chiếu 7 suất, chỉ bán được khoảng 40 vé, doanh thu khoảng 1,6 triệu đồng.

Nguyên nhân là do rạp chiếu bằng máy HD công nghệ cũ. Dòng phim chiếu máy HD phát hành thường trễ hơn so với dòng phim chiếu máy 2D khoảng 1 tháng, nên không thể thu hút khán giả đến xem.
 

Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hải xuất thân từ diễn viên của Đội TTLĐ tỉnh bùi ngùi nhớ lại: Vào những năm 1980, khi Đội TTLĐ của tỉnh diễn phục vụ, khán giả đến xem rất đông, có đêm cả ngàn khán giả. Trong những năm gần đây, khi các đội TTLĐ của tỉnh, huyện diễn phục vụ thì ngày càng ít khán giả, đêm nào được 200, 300 khán giả đến xem là mừng.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lý Thiện Hoàng cho biết, mỗi năm chỉ tiêu của Đội TTLĐ tỉnh biểu diễn 100 buổi phục vụ khán giả, với 3 chương trình mới, trong đó có nhiều buổi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa.

Khi dàn dựng chương trình mới, diễn viên tập dợt rất công phu, nhưng khi biểu diễn phục vụ thì khán giả đến xem thưa thớt, đêm nào đông thì được khoảng 200 khán giả, hầu hết chỉ khoảng từ 40 đến 50 người xem.

Không chỉ có hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng ngày càng vắng khán giả, mà hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp lượng khán giả đến xem cũng trong cảnh “chợ chiều”.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang Đặng Thanh Liêm cho biết: Chỉ tiêu của Đoàn mỗi năm biểu diễn 100 buổi, trong đó có 70 buổi biểu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa không doanh thu.

Hiện nay, khán giả đã giảm rất nhiều so với trước kia, trung bình mỗi đêm diễn chỉ khoảng 100 đến 200 khán giả, nhiều đêm dưới 100 khán giả.

Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, Đoàn ca nhạc Phương Tường về TP. Mỹ Tho biểu diễn 2 đêm, nhưng cả 2 đêm đều phải trả vé vì khán giả quá ít (chỉ bán được vài chục vé mỗi đêm).

NGUYÊN NHÂN VÌ SAO?

Giải thích nguyên nhân hoạt động biểu diễn ngày càng vắng khán giả, Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hải cho biết: Ngày nay, chỉ cần một cái click chuột hay thực hiện một vài thao tác trên chiếc smartphone là tha hồ lựa chọn các loại hình nghệ thuật để xem, từ trong nước đến quốc tế, được đầu tư dàn dựng chuyên nghiệp, với âm thanh, màu sắc sống động, tính giải trí rất cao nên hấp dẫn, lôi cuốn đến mức khó có thể rời khỏi màn hình.

Bên cạnh đó, các chương trình giải trí trên các kênh truyền hình quá phong phú, đa dạng, nhất là các gameshow truyền hình. Vì vậy, ngày nay khán giả có nhiều sự lựa chọn để thưởng thức các loại hình văn hóa - văn nghệ, nên họ không còn hứng thú đến với các đêm biểu diễn phục vụ của các đội TTLĐ, vì chương trình chưa được phong phú, tính giải trí chưa cao, diễn viên, ca sĩ… năng lực cũng chỉ dừng lại ở “cấp huyện”, “cấp xã” nên chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Ngoài ra, thế hệ “vàng” của phong trào văn nghệ quần chúng cấp tỉnh như Tấn Lộc, Cẩm Thanh, Lệ Quyên, Ngọc Sánh, Ngọc Sương, Hoàng Ly, Mai Hoan, Thu Thủy… được đào tạo bài bản sau năm 1975, với các đại học chuyên ngành như: Văn hóa, đạo diễn sân khấu, phân ban sân khấu, âm nhạc, biên đạo múa…, đã phát huy được trong một giai đoạn dài, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả trong những thập niên 1980 và 1990.

Thế hệ “vàng” này nay đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, trong khi lực lượng trẻ chưa đủ chín để thay thế. Ở cấp huyện cũng tương tự, nhiều diễn viên “gạo cội” nay cũng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Kinh phí cũng là một trong những nguyên nhân khiến khán giả “quay lưng” với các hoạt động biểu diễn của phong trào văn nghệ quần chúng. Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lý Thiện Hoàng cho biết, hiện nay kinh phí để dàn dựng 1 chương trình mới chỉ từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, còn chi phí để biểu diễn phục vụ chỉ gần 3 triệu đồng/đêm.

Bên cạnh đó, do kinh phí hạn hẹp nên âm thanh, ánh sáng, cảnh trí… cũng chưa được đầu tư đúng mức. Hiện nay, phương thức thông tin - tuyên truyền còn chuyển biến chậm, tuân thủ theo lối mòn, trong khi khán giả luôn đòi hỏi phải mới, hấp dẫn.

Kịch bản cho hoạt động thông tin lưu động còn hạn chế về chất lượng và số lượng, trong khi kịch bản giữ vai trò rất quan trọng. Chế độ chính sách bồi dưỡng cho diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhạc công… còn thấp.

Cụ thể, mỗi đêm biểu diễn chỉ được bồi dưỡng 80 ngàn đồng, tập chương trình được bồi dưỡng 50 ngàn đồng/buổi, nhưng không được quá 10 buổi, trong khi tập 1 chương trình mới chỉ trong 10 buổi chưa chắc đã nhuần nhuyễn để biểu diễn.

Chưa kể, do biên chế ít, đòi hỏi diễn viên trong các đội TTLĐ phải “đa năng”, phải biết hát, diễn, múa…, trong khi chế độ, lương bổng thấp nên khó tuyển được người thật sự có năng lực. Hiện nay, trang thiết bị cho hoạt động TTLĐ cấp tỉnh chỉ ở mức tương đối, còn cấp huyện thì hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu.

Giải pháp nào để thu hút khán giả đến với các đêm diễn văn nghệ quần chúng? Xem ra câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ, khi mà các đội TTLĐ chưa được đầu tư đúng mức, kinh phí hoạt động hạn hẹp, thiếu trang thiết bị, thiếu con người. 

NG. CHƯƠNG  

.
.
.