Thứ Tư, 20/06/2018, 09:03 (GMT+7)
.

Nhà báo Trần Bửu - cây bút chính luận sắc sảo

Tôi vừa được nhà báo Trần Liêm (con nhà báo Trần Bửu) tặng cuốn sách Nghĩ suy thời cuộc của nhà báo Trần Bửu. Trần Liêm cho biết, các đồng nghiệp ở Báo Ấp Bắc đã hỗ trợ cha anh sưu tầm và quan hệ với cơ quan chức năng thực hiện ấn phẩm di cảo của cha anh theo tâm nguyện của ông trước khi qua đời.

Tác phẩm Nghĩ suy thời cuộc do Nhà Xuất bản Trẻ phối hợp với Báo Ấp Bắc xuất bản năm 2018. Tác phẩm gồm 88 bài báo, 1 bài thơ “Côn Đảo giải phóng” và 2 truyện ngắn “Hai lần về phép”, “Rước vợ” được nhà báo Trần Bửu viết, sáng tác trong khoảng hơn 50 năm. Các tác phẩm báo chí trong tác phẩm Nghĩ suy thời cuộc được tác giả tuyển chọn từ hàng trăm bài báo, chủ yếu đăng trên Báo Ấp Bắc với bút danh Trường Hưng và Trần Quân.

Đọc Nghĩ suy thời cuộc của nhà báo Trần Bửu, tôi cảm nhận được tấm lòng và cái tâm của một nhà báo trọn đời đi theo cách mạng, tận tụy, dấn thân vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Ông đã trải qua các công việc từ phóng viên, biên tập viên cho đến công việc quản lý, lãnh đạo báo chí. Dù làm công việc nào, Trần Bửu vẫn luôn say mê và thầm lặng viết báo, sáng tác văn học. Hầu hết tác phẩm báo chí của Trần Bửu viết theo thể loại chính luận (bình luận, trao đổi, đối thoại). Thông qua những góc nhìn độc đáo, thể hiện tư duy sắc sảo và quan điểm, chính kiến của một đảng viên, nhà báo Trần Bửu đã thể hiện tính tiên phong, tính chiến đấu của một nhà báo cách mạng. Tác phẩm báo chí của ông đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc, ca ngợi con người mới, cuộc sống mới; đồng thời, lên án cái ác và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tác phẩm báo chí của Trần Bửu mang tính chính luận, đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ những vấn đề về chính trị, như: Tấm gương đạo đức của Bác Hồ, công tác xây dựng Đảng, các hoạt động của Quốc hội, vấn đề hội nhập và dân chủ, vai trò nêu gương của người lãnh đạo, cho đến những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của đời sống xã hội như: Xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, vấn đề bệnh tật và sức khỏe…

Nhà báo Trần Bửu sinh năm 1936 ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông từng công tác ở Báo Giải Phóng (năm 1967), Tiểu ban Văn nghệ Mỹ Tho (năm 1971) và giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc (năm 1982). Mặc dù thích sáng tác văn học nhưng vì nhiệm vụ cách mạng và nhận thức sâu sắc tính tiên phong về thiên chức của một nhà báo cách mạng nên Trần Bửu dành nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc báo chí.  Nhà báo Trần Bửu từng chia sẻ: “Đối với tôi, văn học và báo chí không phân biệt rạch ròi, như nhiều người nói, báo chí luôn là bà đỡ của văn học. Trong sự nghiệp của mình, hai lĩnh vực này lúc nào cũng đan xen với nhau…”. Nhà báo Trần Bửu từng bị địch bắt và đưa đi tù đày ở Côn Đảo. Trong nhà tù Côn Đảo, ông cùng các đồng chí của mình đã làm một tập san mang tên “Niềm tin”. Đầu tháng 5-1975, Côn Đảo giải phóng. Trong niềm hân hoan, tự hào về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Trần Bửu đã sáng tác bài thơ “Côn Đảo giải phóng”:

“Côn Đảo căm thù
Côn Đảo hiên ngang
Ôi! Hòn đảo thiêng
Đã từng in dấu chân Bác Tôn, anh Hùng,
anh Duẩn
Hôm nay đã hoàn toàn giải phóng
Rửa sạch nhục nhằn, sáng lộng ánh cờ sao
Vinh quang Tổ quốc tự hào
Ngàn năm Côn Đảo hát chào tự do”.

Nhà báo Trần Bửu là cây bút chính luận tiên phong của báo chí cách mạng tỉnh Tiền Giang hơn nửa thế kỷ qua. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương và bài học lớn cho các nhà báo và văn nghệ sĩ. Thời gian như dòng nước trôi nhanh, các tác phẩm báo chí, văn học có thể chìm vào lãng quên, nhưng vẻ đẹp của tấm lòng, trí tuệ và nhân cách của nhà báo Trần Bửu vẫn sống với thời gian và hồn người.

VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
Liên kết hữu ích
.