Thứ Hai, 07/01/2019, 14:03 (GMT+7)
.
ĐỒNG CHÍ TRẦN THANH ĐỨC, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH:

Lễ hội đi vào thực chất, không mang tính hình thức

 

Lễ hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang năm 2019 (gọi tắt là Lễ hội) là sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Tiền Giang, chào mừng năm mới 2019.

Nhấn mạnh về ý nghĩa cũng như công tác chuẩn bị các hoạt động của Lễ hội, đồng chí Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn 2016 - 2020 cho biết:

Các thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như có đặc điểm chung là đều phát triển bên cạnh những con sông, nên văn hóa sông nước là nét đặc trưng.

Tại Lễ hội lần này, tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng phát huy thế mạnh văn hóa đặc trưng của vùng sông nước nên việc biểu diễn thuyền hoa, thả hoa đăng trên sông Tiền sẽ là một trong những điểm nhấn.

Kế đến, các tỉnh miền Tây có văn hóa ẩm thực độc đáo riêng, Tiền Giang nói chung và TP. Mỹ Tho nói riêng cũng có nhiều món ăn, các loại bánh được đánh giá là ngon. Vì vậy, Lễ hội lần này, tỉnh tiếp tục giới thiệu văn hóa ẩm thực thông qua Hội thi “Ẩm thực du lịch, làm bánh dân gian”.

Tiền Giang đang trên đà phát triển, hướng tới tỉnh phấn đấu nằm trong tốp đầu của vùng thông qua những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, Lễ hội là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tiền Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Qua đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Tiền Giang phát triển. Cụ thể, trong năm 2018, tỉnh tổ chức rất thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hướng tới, Tiền Giang sẽ tổ chức một số Hội nghị Xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tại một số nước có xu hướng đầu tư vào Việt Nam, trong đó có thể đầu tư vào Tiền Giang như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đặc biệt, Nhật Bản rất thích đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long nhờ đặc điểm người lao động nơi đây hiền hòa, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Cho nên, tỉnh đang xúc tiến, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và các nước; đồng thời, báo cáo Chính phủ để ngoài quảng bá, thu hút du lịch còn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Lễ hội là cơ hội thúc đẩy du lịch Tiền Giang phát triển.
Lễ hội là cơ hội thúc đẩy du lịch Tiền Giang phát triển.

* Phóng viên (PV): Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức những Lễ hội như Tiền Giang sắp tổ chức. Vậy đâu là nét riêng của Lễ hội của Tiền Giang tổ chức lần này?

* Đồng chí Trần Thanh Đức: Tiền Giang không có chủ trương tổ chức Lễ hội mang tính hình thức. Tỉnh tổ chức Lễ hội lần này nhằm phát huy những lễ hội riêng lẻ trước đây mà Tiền Giang đã từng tổ chức như: Festival trái cây, các hoạt động thể thao, du lịch, ẩm thực...

Việc tổ chức Lễ hội gần Tết Nguyên đán là phù hợp với xu thế chung, trùng với kỳ nghỉ của người dân nhiều nước, do đó Tiền Giang sẽ dễ dàng quảng bá hình ảnh với du khách. Khi tỉnh tập trung tổ chức Lễ hội đi vào thực chất, không phô trương, hình thức, hy vọng các hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, người dân quan tâm đến Tiền Giang.

Trên tinh thần đó, tỉnh sẽ tổ chức Lễ hội đảm bảo được tính thực chất, giúp ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có cơ hội để phát triển. Đặc biệt, với bộ sản phẩm du lịch thông minh, tỉnh có thể giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm du lịch trên mạng phù hợp với xu hướng phát triển trong nước và quốc tế.

Du khách đến tham quan Khu du lịch Thới Sơn (TP. Mỹ Tho).
Du khách đến tham quan Khu du lịch Thới Sơn (TP. Mỹ Tho).

* PV: Lễ hội có phải là một trong những điểm nhấn để khai thác Quảng trường Trung tâm (QTTT) tỉnh?

* Đồng chí Trần Thanh Đức: QTTT tỉnh là nơi tập trung để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí của tỉnh. Năm nay, tỉnh đưa QTTT tỉnh vào khai thác và Lễ hội sẽ là cơ hội để giới thiệu đến nhân dân trong tỉnh và các tỉnh bạn.

* PV: Đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng của QTTT tỉnh đã đảm bảo cho việc tổ chức Lễ hội?

* Đồng chí Trần Thanh Đức: Về cơ bản, QTTT tỉnh đã có thể tổ chức Lễ hội. Đến nay, Dự án Sân lễ và phần nhạc nước đã hoàn thành. Tỉnh hy vọng qua dịp Lễ hội, người dân có thể được xem biểu diễn nhạc nước. Nếu nói về nhạc nước công cộng thì Tiền Giang là tỉnh thứ hai (sau TP. Hồ Chí Minh) có biểu diễn nhạc nước.

Tỉnh đã đầu tư hạng mục này gần 20 tỷ đồng, dù không quá lớn như TP. Hồ Chí Minh, nhưng vào những ngày cuối tuần, người dân có thể đến QTTT tỉnh để thưởng thức nhạc nước, âm thanh, ánh sáng... Đó là một điều tương đối hay. Đến thời điểm này, dù cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ lắm, nhưng cơ bản có thể tổ chức các hoạt động của Lễ hội ở khu vực QTTT tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

A.P - M. THÀNH (thực hiện)

.
.
.