Thứ Sáu, 15/02/2019, 16:26 (GMT+7)
.

Xe ngựa Gò Công

Xe ngựa xuất hiện ở Gò Công khoảng cuối thập niên 20 của thế kỷ trước. Xe ngựa thường được sử dụng trong việc vận chuyển người đi lại và hàng hóa. Bến xe ngựa Gò Công (nay là khu vực UBND phường 1, TX. Gò Công) là địa điểm tập trung chở khách chạy các tuyến cầu Nổi, Tăng Hòa...

Người dân Nam bộ gọi xe ngựa là thổ mộ, nguyên do cái thùng xe có cái mui khum khum có hình dáng rất giống nấm mồ bằng đất. Tuy nhiên, xe ngựa Gò Công khác xe thổ mộ miệt Hóc Môn - Bà Điểm ở chỗ xe không mui, bánh xe bằng gỗ được niềng một vành cao su.

Bộ đồ bắt kế gồm: Ba vá (miếng da che hai mắt ngựa cho nó đi thẳng), lục lạc, chuông, tay kèn (có hình dạng tựa như cây đèn măng xông, xung quanh dán kiếng, đốt bằng dầu).

Về thiết kế, xe ngựa gọn gàng, nếu được trang trí sẽ đẹp mắt, xinh xắn. Nếu đạt yêu cầu về kỹ thuật, xe chở được cả đằng trước, đằng sau và hai hông xe mà không sợ bị lật. Khách ngồi dưới thùng hoặc trên hai miếng ván ve ra khỏi thùng xe, gặp lúc xe chật, khách cũng có thể ngồi quay mặt về phía sau xe, cọ lưng với người ngồi trước.

Xe ngựa là một trong những phương tiện sơ khai nhất, gần gũi nhất giữa con người và con vật. Con ngựa hiền lành, có sức mạnh, lại hiểu được ý người, nó nghe theo nhịp roi và tiếng hò la của bác xà ích điều khiển.

Xe ngựa đưa đón khách đến chợ, trong khi chờ khách mãn chợ, xế ngựa cho ngựa nghỉ ngơi lấy lại sức, còn xế ngựa thư giãn bằng cờ tướng với nhau, đọc sách báo, tự học văn hóa, nghiệp vụ và có cả dân xế ngựa tận dụng thời giờ này để viết báo, viết văn.

Do đặc điểm nghề nghiệp, từ lâu đã hình thành tính cách của làng xế ngựa Gò Công là ham sách báo, ham hiểu biết, giỏi cờ tướng, vui vẻ, phóng khoáng, trọng nghĩa. Ngày xưa, người hành nghề đánh xe ngựa phải đủ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe tốt và phải trải qua một kỳ thi lấy giấy phép cầm cương như thi bằng lái xe bây giờ.

Hình ảnh xe ngựa luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân Gò Công. Vào mỗi ngày rằm trong tháng, từng cỗ xe ngựa trông như xe hoa kéo nhau đi trẩy hội, hai bên hông thành xe treo từng đôi quang gánh đầy bông cúng, như vạn thọ vàng rực hay huệ trắng nõn nà, có khi là thúng sen hồng treo lủng lẳng.

Cỗ xe ngựa là một bản hợp tấu, bao gồm âm điệu nền là tiếng vó ngựa cộc cộc giòn giã nện xuống đường, tiếng khua cốc cốc của cây ví (thanh thép nằm giữa trục bánh xe), tiếng lục lạc reng reng, tiếng cốc keng ngân vang và thỉnh thoảng lại có tiếng hí vang dội của những con tuấn mã sung mãn.

Tất cả phải được thưởng thức trong đêm khuya mới cảm nhận hết cái hay của nó. Xe ngựa tự nhiên trở thành một hình ảnh đẹp trong đời sống và đi vào sáng tác của nhà thơ Hoàng Tố Nguyên:

“Quê tôi đó mặt trông ra bể
Đóm hải đăng tắt lóe đêm đêm
Con đê cát đỏ cỏ viền
Leng keng nhạc ngựa
            đường lên chợ Gò”.
(Gò Me)

Ngày đó xe ngựa có sứ mệnh nối liền mối quan hệ dòng họ, bà con giữa kẻ chợ và người quê. Bức tranh đầy màu sắc của cỗ xe ngựa thật đẹp, nó trở thành ký ức khó phai mờ trong quá trình phát triển của xã hội.

Ngày nay, xe ngựa không còn hoạt động ở trung tâm TX. Gò Công, mà bị thu hẹp dần, lui về hoạt động ở các xã vùng ven. Sự hiện diện của xe ngựa trên đường quê không chỉ phục vụ cho giao thông, kinh tế phát triển, mà còn mang lại nét đẹp văn hóa dân dã vùng Gò Công.

LÊ HỒNG QUÂN

.
.
.