Thứ Hai, 06/01/2020, 10:54 (GMT+7)
.

Một thoáng cù lao Rồng

Phường Tân Long nhìn từ trên cao. 	Ảnh: NGUYỄN MINH TÂN
Phường Tân Long nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN MINH TÂN

Cù lao Rồng là tên gọi xưa của phường Tân Long (TP. Mỹ Tho), trong nhóm cù lao tứ linh:  “Long - Lân - Quy - Phụng” nằm giữa dòng sông Tiền. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, cù lao Rồng bắt đầu nổi lên từ năm 1788, có dáng như hình con rồng, nên khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) qua đây đặt tên là Long Châu.

1. Nổi lên nhưng phải đến 156 năm sau (năm 1944) mới có người ở, đó là những bệnh nhân cùi (bệnh phong) do thực dân Pháp đưa đến, dùng cù lao Rồng làm chỗ cách ly chữa trị. Chúng xây dựng phía Đông cù lao một nhà thương cùi, lúc đó gọi là trại cùi. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, chúng đưa những bệnh nhân cùi về trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn), cù lao Rồng bỏ trống.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhiều người dân ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre đã tìm đến sinh cơ lập nghiệp, cù lao Rồng chính thức có tên trên bản đồ với tên gọi ấp Phú Long, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cù lao Rồng trở thành căn cứ cách mạng của xã Xuân Đông và sau đó là thị xã Mỹ Tho.

Mặc dù thành lập muộn nhưng những người dân cù lao Rồng vẫn luôn tự hào đã góp một phần công sức, xương máu vào công cuộc giải phóng đất nước. Sau ngày miền Nam giải phóng, cù lao Rồng chính thức được thành lập đơn vị hành chính với tên gọi là xã Tân Long gồm 4 ấp: Long Thuận, Long Hà, Long Hòa, Long Bình (nay là các khu phố Tân Thuận, Tân Hà, Tân Hòa, Tân Bình thuộc phường Tân Long).

Theo lời kể của những bậc cao niên từng gắn bó với cù lao này, ngày ấy cù lao Rồng vẫn còn hoang sơ lắm, toàn xã chỉ có một con đường đá đỏ nhỏ hẹp xuyên suốt từ đầu đến cuối cù lao, mà ngày xưa gọi là lộ Cùi và những lối mòn bằng đất cắt ngang cù lao như hình xương cá nối từ ấp này qua ấp kia. Đời sống nhân dân lúc bấy giờ chủ yếu tự cung, tự cấp; chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, manh mún; thương mại, dịch vụ hầu như chưa phát triển, hơn 70% dân thuộc diện hộ nghèo.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Long vào thời kỳ đầu thành lập Thái Ngọc Hổ kể rằng, hoạt động của chính quyền lúc bấy giờ chủ yếu là giải quyết các vấn đề về hành chính, còn chủ trương của chi bộ là tập trung vận động nhân dân khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt và đánh bắt thủy hải sản. Là xã cù lao bốn bề sông nước, mặc dù cách đô thị Mỹ Tho chỉ một nhánh sông Tiền chừng hơn 300 m nhưng Tân Long không khác gì vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử; trải qua bao khó khăn, gian nan, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Long từng bước vững vàng phấn đấu vươn lên. Một cán bộ trưởng thành từ ngày đầu thành lập xã, Bí thư Đảng ủy xã từ năm 1993 đến năm 2003 Võ Thị Hớn phấn khởi: Xuất phát từ nền kinh tế thấp, lạc hậu, kém phát triển, Tân Long thực sự có bước tiến đáng kể từ khi Đảng đề ra đường lối đổi mới.

Được sự quan tâm, giúp đỡ của Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho, nhiều công trình phúc lợi công cộng, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng mới. Nổi bật nhất là tuyến đường Bắc lộ xuyên suốt từ đầu đến cuối cù lao được mở rộng, song song với đường Nam lộ được đầu tư xây dựng mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các tuyến đường ngang được mở ra và bê tông hóa làm cho bộ mặt xã Tân Long đổi mới từng ngày.

2. Tuy nhiên, phải đến năm 1990, khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Long quyết tâm, đồng lòng đóng góp công sức, tiền của kéo đường điện cao thế vượt sông Tiền về cù lao Rồng thì nơi đây mới thực sự “cất cánh”. Có điện, giá trị sản xuất, kinh doanh tăng 12%, GDP tăng 10,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng lên từng năm. Đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh, nhà máy sản xuất nước đá, các cơ sở sửa chữa, đóng mới ghe tàu hình thành và đi vào hoạt động song song với nghề nuôi cá bè trên sông Tiền được đầu tư mạnh, ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên đà phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Long vô cùng phấn khởi cùng đồng lòng thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và trở thành Xã văn hóa đầu tiên của TP. Mỹ Tho vào năm 2001. Năm 2004, xã Tân Long được chuyển lên thành phường Tân Long.

Ngày ấy đã xa rồi, giờ đây nếu có điều kiện đến thăm phường Tân Long sẽ không ai còn nghĩ rằng nơi đây một thời được coi là vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh mặc dù chỉ cách TP. Mỹ Tho qua một nhánh sông chừng hơn 300 m. Bí thư Đảng ủy phường Lê Văn Nghiệp tự hào: “Dân cù lao sợ nhất là “bên bồi bên lở”, nhưng nay đã an tâm rồi; bởi bờ kè đầu phía Tây và bờ kè cuối phía Đông cù lao đã được xây dựng hoàn thành với kinh phí trên 36 tỷ đồng. Mới đây, bờ kè 2 bên bờ phía Bắc và Nam tiếp tục được xây dựng với kinh phí trên 50 tỷ đồng. Không chỉ vậy, Trung tâm hành chính và Nhà Văn hóa được xây dựng mới với kinh phí 10 tỷ đồng; Trường Mầm non và Trường Tiểu học Tân Long được xây dựng mới với kinh phí mỗi trường 5 tỷ đồng. Còn đường Bắc, đường Nam xuyên suốt từ đầu đến cuối cù lao cùng với 7 tuyến đường ngang đã được bê tông hóa rộng rãi, phẳng lì. Phường đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và đạt chuẩn quốc gia về y tế, trở thành Phường Văn minh đô thị vào năm 2014. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,8%.

Để minh chứng cho sự đổi thay của cù lao Rồng, đồng chí Lê Văn Nghiệp dẫn chúng tôi tham quan một vòng. Cù lao bây giờ đường dal phẳng lì, thoáng mát; cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; Trung tâm hành chính và Nhà Văn hóa bề thế, rộng rãi; vườn cây ăn trái chuyên canh xanh tươi, trĩu quả; ghe thuyền tấp nập; nhiều biệt thự thi nhau mọc lên; sóng vỗ vào bờ kè ngân nga như khúc hát.

Để thay cho lời kết, chúng tôi xin trích lời của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Long (nay phường Tân Long) Lê Văn Minh (nay ngoài 90 tuổi): “Ngày xưa có nằm mơ cũng không ai nghĩ rằng, trên mảnh đất cù lao Rồng lại nổi lên nhiều căn biệt thự và các công trình công cộng bề thế như ngày hôm nay”.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.