Thứ Sáu, 17/01/2020, 15:46 (GMT+7)
.

Tết là dịp để hướng về tổ tiên...

Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Việc đón tết cổ truyền đã trở thành sự kiện lớn hằng năm trong mỗi gia đình, họ hàng. Người Việt Nam đón tết không chỉ để vui chơi, mà còn là cách thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ xưa để lại.

Tổ chức Hội thi Bánh dân gian, nấu ăn ngày tết mừng Xuân Canh Tý 2020, góp phần giữ gìn nét văn hóa tết cổ truyền dân tộc.
Tổ chức Hội thi Bánh dân gian, nấu ăn ngày tết mừng Xuân Canh Tý 2020, góp phần giữ gìn nét văn hóa tết cổ truyền dân tộc.

Tết cổ truyền là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, có ý nghĩa thiêng liêng, đó là ngày đoàn viên của mọi gia đình, là dịp để tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên. Chính ý nghĩa sâu sắc đó mà tết đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.

NÉT ĐẸP VĂN HÓA NGÀY TẾT

Câu thành ngữ “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” phản ánh phong tục tốt đẹp của dân tộc trong ngày tết cổ truyền. “Mùng 1 tết cha” có nghĩa là sáng mùng 1 tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội cúng bái gia tiên và chúc tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. Sang mùng 2 tết, vợ chồng con cái sẽ “khởi hành” sang thăm hỏi và chúc tết bên nhà ngoại với các nghi thức cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội. Đến mùng 3 tết, dành riêng để đi “Tết Nhà giáo” thể hiện tinh thần “Tôn sư, trọng đạo”, tri ân công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người...

Mỗi khi tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. “Về quê ăn tết”, không phải là khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc “hành hương” về với cội nguồn “nơi chôn nhau cắt rốn”, cùng nhau trang trí nhà cửa, bàn thờ gia tiên sạch đẹp, trang nghiêm để đón tết.

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY

Trong cuộc sống hiện đại, cùng với tiến trình giao lưu và hội nhập quốc tế, tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam hiện nay đã có nhiều sự thay đổi, với những quan niệm về tết cũng khác nhau. Hiện nay, nhiều người quan niệm “nghỉ tết”, “chơi tết” thay vì “ăn tết” như trước đây. Những ý nghĩa và giá trị thiêng liêng của tết cổ truyền cũng như những đẹp nét văn hóa truyền thống của Việt Nam trong ngày tết cũng đang dần bị mai một bởi yếu tố ngoại lai. Đối với nhiều người hiện nay, đặc biệt là giới trẻ thích khám phá cái mới, cái đẹp nên thường tổ chức đi du lịch hay đi chơi với bạn bè trong những ngày tết cổ truyền thay vì trở về sum họp với gia đình.

Việc chuẩn bị tết cổ truyền của không ít gia đình không còn như xưa như tụ hợp các thành viên trong gia đình, cùng nhau tráng bánh, làm kẹo, mứt… thật sôi động và ấm áp không khí tết. Ngày nay, việc sắm tết trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều, mọi thứ đều được thị trường cung ứng, nhiều gia đình chọn cách mua thực phẩm chế biến sẵn theo sở thích của các thành viên gia đình. Mâm cỗ ngày tết hiện nay cũng phong phú và đa dạng hơn, tuy nhiên các món ăn truyền thống của người Việt như: Bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng, khổ qua hầm… vẫn không thể thiếu trong 3 ngày tết.

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến rất gần, trên địa bàn tỉnh đang tổ chức nhiều hoạt động vui xuân ý nghĩa, sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở như: Tổ chức các hội thi trò chơi dân gian; chưng nghi, chưng mâm ngũ quả; làm bánh dân gian, gói bánh tét, nấu ăn ngày tết; viết thư pháp; trang trí cổng chào… thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo không khí vui xuân ấm áp tại các khu dân cư. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền vận động nhân dân duy trì các giá trị văn hóa truyền thống tết cổ truyền dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức trong giới trẻ về ý nghĩa tết cổ truyền; qua đó, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống kinh tế ổn định và phát triển thì việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp của ngày tết cổ truyền cần được trân trọng và phát huy. Việc giữ gìn vẻ đẹp tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội.

Dù đi trăm ngã ngàn phương
Ai cũng có một quê hương để về
Dù cho cuộc sống bộn bề
Tết là dịp để hướng về tổ tiên.

NGỌC QUỲNH

.
.
Liên kết hữu ích
.