Thứ Hai, 03/02/2020, 10:21 (GMT+7)
.
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH:

Nhà cổ ông Phạm Ngọc Thành

Nhà cổ ông Phạm Ngọc Thành tọa lạc ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cách thị trấn Cái Bè 2 km về hướng Tây Bắc. Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 109 m2, được bao bọc bởi vườn cây ăn trái sum sê rộng trên 4.000 m2. Do nằm trên bờ một nhánh của sông Cái Bè (rạch Bà Nhì) và trong khu vực dân cư, nên đường đến nhà rất thuận lợi.

Nhà ông Phạm Ngọc Thành được xem là một trong những ngôi nhà có kiến trúc đẹp và giữ được gần như nguyên hiện trạng. Để bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi nhà theo lối kiến trúc dân gian Nam bộ và góp phần thu hút khách tham quan du lịch, ngày  7-1-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 21 công nhận nhà cổ ông Phạm Ngọc Thành là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nhà ông Phạm Ngọc Thành được xem là một trong những ngôi nhà có kiến trúc đẹp và giữ được gần như nguyên hiện trạng. Để bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi nhà theo lối kiến trúc dân gian Nam bộ và góp phần thu hút khách tham quan du lịch, ngày 7-1-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 21 công nhận nhà cổ ông Phạm Ngọc Thành là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Theo lời kể của ông Phạm Ngọc Thành, ngôi nhà do ông Phạm Văn Chương (ông nội ông Thành) xây dựng năm 1964, được làm bằng bộ khung gỗ căm xe mua lại từ một ngôi nhà cũ. Ngôi nhà khi mới xây dựng theo kiểu chữ đinh, gồm nhà chính (nhà trên) và nhà phụ (nhà dưới). Nhà chính gồm có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói móc (ngói Tây), nền lót gạch tàu.

Mặc dù ngôi nhà có sửa chữa nhỏ vào các năm 1980, 2000, 2005, tháo dỡ phần nhà dưới bằng gỗ, xây lại tường gạch và lót lại gạch bông hàng ba nhà trên, thay vách lụa trước gian thờ, nhưng hiện vẫn giữ được như dáng xưa của ngôi nhà. Do ngôi nhà ở trung tâm thửa đất nên không gian sân trước nhà rất rộng.

Nhà chính có 5 hàng cột đỡ mái; 2 hàng cột cái gồm 8 cột gỗ; 2 hàng cột hàng nhì được làm bằng 8 cột bê tông cốt thép vuông và 4 cột hàng ba. Do là nhà 3 gian, kiểu xiên trính nên chính giữa ngôi nhà không có cột, vì các thanh trính nối với các đầu cột cái đỡ mái bởi các cột trốn.

Bên dưới xiên trang trí bao lam gỗ chạm trổ rất công phu. Cửa võng của bao lam chạm đề tài cúc điểu, thân bao lam chạm hoa mẫu đơn và chim trĩ rất tinh xảo. Trên cột cái phía trước gian giữa trang trí đôi liễn khảm xà cừ 2 bài thơ chữ Hán (tứ tuyệt), trúc điểu, hoa mai, hoa hồng, bướm và dây lá.

Hàng cột cái bên trong gian giữa trang trí đôi liễn khảm xà cừ 2 bài thơ chữ Hán với đề tài chim, hoa, bướm, dây lá. Trên cột cái 2 gian hai bên trang trí đôi liễn khảm xà cừ, mỗi tấm 27 chữ Hán với hoa văn chim công, trúc, mai, tùng lộc, hoa mẫu đơn và chim trĩ…

Bên trong bao lam là bàn thờ Phật được khảm xà cừ rất công phu các đề tài song hỷ, tùng, trúc, dây lá và 3 chữ Hán “Phước, Lộc, Thọ”. Trước cửa gian giữa, cửa 2 gian hai bên và vách tường hai bên đầu hồi nhà đều trang trí 1 biển đại tự và 4 bức tranh phong cảnh được trang trí cân đối hài hòa rất độc đáo. Ở bên dưới 3 gian nhà trang trí 3 bàn nghi chạm các đề tài trái cây lê, lựu rất tinh xảo.

Bên trong bàn nghi bố trí bộ trường kỷ gỗ chạm các đề tài lê, lựu, hoa mai, song hỷ, dấu triện ở mặt dựa, để làm nơi tiếp khách. Đằng sau là bàn thờ tổ tiên, sau tủ thờ là bàn thờ cơm, phía trên trang trí bức tranh kiến “cửu huyền thất tổ”. 2 gian hai bên kê 2 bộ ván gỗ. 2 bên buồng là phòng ngủ, bên trái dành cho đàn ông, còn phía bên phải dành cho phụ nữ, có kê đầy đủ giường ngủ.                  

       NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.