Thứ Năm, 29/10/2020, 13:54 (GMT+7)
.

Nước nổi Trà Sư

Mưa tạnh, cũng là lúc lũ đầu nguồn bắt đầu đổ về dồn dập và trù phú trên khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong cái tiết trời tháng 10 giữa mùa nước nổi ấy, ta lại động lòng tha thiết với biết bao cảnh sắc hữu tình, lưu luyến với món tình cảm đượm nồng mà thiên nhiên đã ưu ái cho rừng tràm Trà Sư những ngày nhiễm màu phù sa. Chỉ khi ở trong khoảnh khắc giao thoa kỳ diệu giữa tâm hồn và khung cảnh chim trời cá nước, ta mới vội vã khắc khoải về những ký ức đã xa…

Năm nay nước từ thượng nguồn Mekong đổ về lại “trễ hẹn” với bà con nông dân vùng ĐBSCL khi đã quá rằm tháng 7 âm lịch mà mãi đến đầu tháng 10, con nước mới tràn bờ. Đối với đồng bào nông ngư quanh năm lam lũ với cái chài, cái lưới thì mùa nước nổi là khoảng thời gian cải thiện đời sống kinh tế của bà con. Còn ở tại rừng tràm đẹp nhất Việt Nam, mùa nước nổi lại mang đến “nguồn thu” sinh học rất đỗi đa dạng.

Vào khoảng thời gian này, rừng tràm ướt sũng màu của nước. Với những ai yêu thích cảnh sơn thủy hoang sơ và nguyên bản, thì Khu du lịch Trà Sư vào mùa đầy cá tôm là một điểm đến tuyệt vời. Được đắm mình trong khoảnh khắc giao mùa ăm ắp nước giữa cánh đồng bèo bạt ngàn, trôi dạt theo tiếng khua mái chèo xé thảm xanh xuyên rừng, du khách mới có thể đem lòng mình hành hương về với thuở ban sơ, về lại với những buổi hồng hoang khởi thủy của tạo hóa.

Rừng tràm yên bình và nên thơ mùa trĩu nặng phù sa.
Rừng tràm yên bình và nên thơ mùa trĩu nặng phù sa.

An Giang trong mùa nước nổi luôn là địa điểm long lanh ánh ngọc trong khung ảnh của giới xê dịch. Những hình ảnh có thể thấy được còn lại chỉ là những ngôi nhà ngập trong màn nước bạc, chỉ còn lại hàng cây thốt nốt và rừng tràm xanh thẳm lặng lẽ, yên bình và còn lại đó từng đám bèo trôi dạt khắp nơi như mảnh đời người dân miền sông nước lam lũ với phận mình. Cuộc sống dân dã của người dân miền sông nước luôn gắn bó với mặt sóng gập ghềnh, di chuyển và sinh hoạt trên những chiếc xuồng, ghe, tắc ráng… đã sản sinh ra nét văn hóa đặc trưng không đâu có được - chợ nổi miền Tây.

Về thưởng ngoạn Trà Sư mùa nước nổi, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn “thành phố nổi Venice” ngay tại miền Nam Việt Nam. Lối kiến trúc xanh cổ kính được thiết kế bởi bàn tay thiên nhiên, chấm phá nét sôi động của hơn 70 loài chim, 23 loài cá, 11 loài thú cùng 25 loài bò sát cư ngụ đã tạo nên một “đô thị” sinh thái sầm uất bậc nhất của vùng. Tất cả điều này làm nên sự huyền diệu vào mùa nước nổi, để bước chân ai cũng muốn đặt đến, chẳng ngại ngần, chẳng âu lo.

Tại thành phố kinh đào của Ý, người ta quan niệm rằng, cầu không chỉ là nơi để những đôi uyên ương hẹn hò, nó còn là nơi để mọi người có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ quan của thành phố, ngắm nhìn cái thi vị của từng khung cảnh cổ kính và cầu kỳ, hoàn mỹ. Và cũng tại đó, “vãn cảnh đài” cầu kiều Trà Sư mới có cơ hội được trình làng với du khách. Theo nhà đầu tư chia sẻ, cầu kiều được xây dựng với chất liệu chủ yếu từ gỗ nhập châu Phi, cùng lối thiết kế mang phong cách châu Âu và được nhà đầu tư chiến lược người Đông Nam Á chọn làm công trình chào mừng đại lễ Quốc khánh 2-9 của nước nhà vừa qua. Công trình Tam Châu được nhà đầu tư An Giang Tourimex đưa vào khai thác ngay lập tức đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, dậy sóng cộng đồng mạng.

Khu du lịch Trà Sư mùa nước nổi luôn có những góc check-in đốn tim thu hút du khách tham quan.
Khu du lịch Trà Sư mùa nước nổi luôn có những góc check-in đốn tim thu hút du khách tham quan.

Kinh đào Vĩnh Tế trong khoảng thời gian nước lớn là đẹp nhất bởi nơi đây chảy đều giá trị văn hóa của đồng bào người Khmer. Mặc dù lúc xưa kinh được đào xuất phát từ mục đích quân sự là chính nhưng đến bây giờ, nó chỉ đơn thuần là nơi người dân nương tựa mưu sinh. Dòng kinh đặc biệt này không chỉ vang danh trong chính sử, mà nó còn gắn bó với vô vàn những câu chuyện dã sử của đồng bào vùng biên thùy. Chính vì thế mà tiềm năng về kinh tế, xã hội và du lịch của con kinh đào vệ quốc này dần chiếm được thiện cảm từ nhiều nhà đầu tư chiến lược.

“Thông qua chuyến dã ngoại trên dòng kinh Vĩnh Tế, chúng tôi mong muốn đem lại những giá trị của cội nguồn, của văn hóa bản xứ và nét đặc trưng nơi miền sông nước đến với du khách, để những người con đất Việt có thể trải nghiệm hết thảy những giá trị đậm đà bản sắc của miền Tây. Sắp tới đây chúng tôi sẽ hoàn thiện khu chợ nổi Trà Sư để du khách có thể trải nghiệm rõ hơn nét thương hồ nơi vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam” - đại diện chủ đầu tư Khu du lịch Trà Sư cho biết.

Khu du lịch Trà Sư, điểm du lịch sinh thái giăng lưới tình du khách mỗi khi đến độ cá linh về.

TUNA

.
.
.