Chủ Nhật, 18/10/2020, 21:16 (GMT+7)
.

Phát triển thị trường du lịch sau COVID-19: Biến thách thức thành cơ hội

Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 2, có thể nói, cả ngành du lịch Việt đã “ngấm đòn”. Thời điểm này, toàn ngành đang rục rịch khởi động chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2. Nhiều chuyên gia nhận định, đây sẽ là “đòn bẩy” giúp phục hồi ngành “công nghiệp không khói” hậu COVID-19.
 
a
Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đại dịch cho chúng ta nhiều bài học về xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng, về định hướng phát triển “đi cả bằng hai chân”, phát triển thị trường du lịch quốc tế và nội địa. Để phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh hiện tại, trước mắt của chúng ta là phải tập trung cho thị trường du lịch nội địa với các sản phẩm hấp dẫn, độc đáo.
 
Đây là ý kiến của PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
Đại dịch COVID-19 giáng “đòn chí mạng” lên ngành du lịch
 
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu. Ngành du lịch là ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất do lượng du khách từ nước ngoài, cũng như du lịch nội địa bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch COVID-19.
 
Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), số liệu thống kê sơ bộ cho thấy khi dịch COVID-19 quay lại, đến nay đã có hàng triệu khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch. Đơn cử, một số trung tâm như Hà Nội có khoảng 32.000 khách hủy tour nội địa; TP. Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) đã bị huỷ.
 
Riêng trong tháng 8, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, homestay xác nhận tỉ lệ khách huỷ phòng đến hơn 90%, còn các đơn vị lữ hành cho biết hơn 80% khách huỷ tour và yêu cầu hoàn lại tiền 100% do tình hình diễn biến bệnh quá phức tạp…
 
Cũng theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại trong “khoảng từ 6 đến 7 tỷ USD” trong 2 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc giảm 90% đến 100%. Ngoài Trung Quốc, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng giảm mạnh.
 
Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 quay trở lại, có thể nói, cả ngành du lịch Việt đã gần như “kiệt sức”.
 
PGS.TS. Phạm Hồng Long phân tích, con số thiệt hại ước tính trên mới chủ yếu dựa trên những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, chứ chưa tính đến thiệt hại từ việc “kiệt sức” của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chính là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay. Đó là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (cơ sở lưu trú như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí,...). Đồng thời, ngành du lịch có tác động đa ngành, nên nếu phát triển mạnh thì có thể kéo theo rất nhiều ngành nghề khác đi lên. Ngược lại, nếu du lịch “hắt hơi” thì các lĩnh vực khác sẽ “sổ mũi” theo.
 
“Nên thiết nghĩ, sẽ không thể tính được tất cả những thiệt hại của ngành du lịch và chắc chắn sẽ vượt hơn nhiều con số 7 tỷ USD mà Tổng cục Du lịch ước tính. Không những thế, con số thiệt hại này được đưa ra khi dịch COVID-19 mới chủ yếu hoành hành ở Trung Quốc (khoảng đầu tháng 2), còn nay nó đã lan rộng thành đại dịch toàn cầu”, ông Long nói.
 
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, Việt Nam đã ngưng vận chuyển hàng không (tạm mở lại một số đường bay từ ngày 15/9/2020) và tạm ngừng xuất nhập cảnh, thì tác động và thiệt hại của ngành du lịch còn lớn hơn rất nhiều. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu COVID-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp du lịch sẽ phá sản. Trên bình diện thế giới, theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế giảm 65% trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch mất đi 440 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 460 tỷ USD doanh thu từ du lịch quốc tế.
 
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở du lịch TP. Đà Nẵng chia sẻ, Đà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau đợt dịch COVID-19 lần thứ hai. Là tâm dịch, du lịch Đà Nẵng gần như đóng băng.
 
Bắt đầu từ 28/7, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng mọi phương tiện vận chuyển đến và đi từ Đà Nẵng để phòng chống dịch bệnh COVID-19, toàn bộ các doanh nghiệp du lịch gồm 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955/1080 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh.
 
Một số cơ sở lưu trú đã thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ. Theo thông tin sơ bộ vừa qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 250 đến 260 khách sạn/căn hộ/biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24.7% tổng số khách sạn (1080 khách sạn).
 
Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố Đà Nẵng khoảng 26 nghìn tỷ đồng, trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng. Tổng số lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 8/2020 đến nay ước khoảng 31.874 người/50.963 người, chiếm 62.5% tổng số lao động.
 
Với sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 đợt 2, dự kiến cả năm 2020, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 2,7 triệu lượt, giảm 68,6% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 686 nghìn lượt, giảm 80,5% so với năm 2019, khách nội địa ước đạt hơn 2,03 triệu lượt, giảm 60,6% so với năm 2019. Tổng thu du lịch ước đạt 10.788 tỷ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019.
 
Có thể nói, Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn chí mạng lên ngành du lịch Việt Nam và thế giới. Thời điểm này, xác định bao giờ để du lịch Việt Nam và thế giới mở cửa trở lại bình thường như trước vẫn là một dấu hỏi rất lớn, bởi điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào tìm được vaccine phòng ngừa căn bệnh này hoặc khi các nước dần khống chế được đại dịch như Việt Nam.

 

a
Nhiều bài học về phục hồi du lịch được rút ra sau đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Tuấn Trần
 
Phát triển du lịch – phải “đi bằng cả hai chân”
 
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, đại dịch COVID-19 cho ngành du lịch bài học về sự cân bằng giữa thị trường du lịch trong nước và quốc tế; bài học về việc mở rộng, đa dạng thị trường khách; bài học về xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng; bài học về liên kết hợp tác trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; bài học về biến thách thức thành cơ hội...
 
Nhưng khi bước đầu khống chế được dịch, thì đó cũng là thời điểm để du lịch nội địa phát triển, do vậy mọi chính sách và hành động của ngành du lịch sẽ phải tập trung cho thị trường du lịch nội địa. Làm tốt du lịch nội địa, ngành du lịch Việt Nam cũng sẽ tạo thêm được dấu ấn cho thị trường du lịch quốc tế biết đến.
 
Cũng cần nhìn nhận, sự hồi phục của ngành du lịch nội địa sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác, vì bản thân ngành du lịch đã là một ngành kinh tế tổng hợp, nó liên quan đến hàng không, thương mại, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải…
 
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch nên nhiều cơ sở lưu trú phải đóng cửa, nhất là các cơ sở lưu trú lớn- vốn lâu nay hay dành để phục vụ khách du lịch cao cấp người Việt, hoặc là khách nước ngoài. Khi thực hiện kích cầu du lịch nội địa thì khách du lịch Việt với mức chi phí trung bình khá cũng có thể nghỉ ở những cơ sở lưu trú hạng sang.
 
Các cơ sở vui chơi giải trí, các hoạt động mua sắm đều được kích hoạt. Ngoài ra, việc kích cầu du lịch nội địa mang lại nhiều ý nghĩa xã hội khác, như tạo công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động; du lịch nội địa cũng góp phần làm tăng thêm niềm tự hào của người Việt - thế giới cũng biết đến Việt Nam là một điểm đến an toàn; mang lại các giá trị trải nghiệm giao lưu văn hóa vùng miền…
 
Lâu nay, chúng ta hay xem trọng thị trường quốc tế và đúng là du lịch quốc tế là một hợp phần rất quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, khách du lịch người Việt đi du lịch và tiêu tiền không phải ít và lượng khách nội chiếm số lượng lớn, gấp 4 đến 5 lần khách du lịch quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đã tương đối an toàn, việc kích cầu du lịch nội địa là giải pháp giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi ít nhiều, chứ chưa thể nói là phục hồi hoàn toàn.
 
PGS.TS. Phạm Hồng Long cho rằng, về lâu dài cần phải “đi bằng cả hai chân” là du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Do vậy, giải pháp thúc đẩy du lịch quốc tế cũng phải được ngành du lịch, các ngành và doanh nghiệp liên quan xem xét. Chúng ta bàn nhiều đến câu chuyện tại sao khách du lịch đến Việt Nam chưa nhiều, vì còn gặp nhiều khó khăn: Về thị thực hạn chế cho các nước, về số ngày miễn phí ghi trong thị thực còn hạn chế, rồi về kinh phí đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá, về sản phẩm du lịch chưa đa dạng và chất lượng dịch vụ chưa tốt, tình trạng chèo kéo, buôn bán chộp giật với khách nước ngoài…
 
Thời điểm này cũng là thời điểm chúng ta phải nghĩ tới các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đó, xóa đi các rào cản để sau khi mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại, chúng ta giải quyết triệt để những khó khăn nêu trên. Hướng đến một điểm đến Việt Nam cởi mở, an toàn và thân thiện.
 
(Theo chinhphu.vn)
.
.
.