Thứ Sáu, 20/11/2020, 13:22 (GMT+7)
.

Kể chuyện lịch sử qua ngôn ngữ múa

Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-2020), nghe lại những giai điệu viết về sự kiện này, đặc biệt là được thưởng thức những tiết mục kể chuyện lịch sử bằng nghệ thuật múa càng hun đúc niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước.

Những ngày này, được nghe những giai điệu hào hùng của dân tộc, những bài ca cảnh hay những tác phẩm dàn dựng về trận chiến năm xưa thông qua nghệ thuật  hát, múa, giúp người xem như được sống trong hào khí của những năm 1940.

Tiết mục múa “Ngược dòng ký ức” tái  hiện lại bối cảnh lịch sử tỉnh Mỹ Tho những năm 1940.
Tiết mục múa “Ngược dòng ký ức” tái hiện lại bối cảnh lịch sử tỉnh Mỹ Tho những năm 1940.

Chúng tôi có mặt tại đình Long Hưng (xã Long Hưng, huyện Châu Thành) - “cái nôi” của cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) thưởng thức Hội thi “Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa”, do Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang tổ chức vào đêm 3-11 vừa qua. Trong nhiều tiết mục biểu diễn của các đơn vị đến từ các tỉnh: Tuyên Quang, Bình Phước, Bến Tre và Tiền Giang, chúng tôi ấn tượng nhất tiết mục múa “Ngược dòng ký ức” của đơn vị tỉnh Tiền Giang. Bởi việc thể hiện một tác phẩm lịch sử qua hình thức chữ viết, ca từ trong các tác phẩm biểu diễn vốn đã rất khó, việc thể hiện bằng ngôn ngữ múa càng khó gấp nhiều lần.

Chia sẻ với chúng tôi, Biên đạo Phan Thanh Tuấn, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang - người biên đạo tiết mục múa này, cho biết: “Tiết mục múa “Ngược dòng ký ức” dàn dựng lại cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân tỉnh Mỹ Tho tháng 11-1940 tại đình Long Hưng, trong đó có hình ảnh người đảng viên Nguyễn Thị Thập, đang mang thai, gần ngày sinh nở, vẫn thắt khăn nịt bụng chỉ huy trận đánh “tiến công lên trời”, cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở đình Long Hưng - nơi được chọn làm tổng hành dinh cách mạng của cuộc khởi nghĩa.

Theo chia sẻ của Biên đạo Phan Thanh Tuấn, để thể hiện cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trên sân khấu bằng hình thức múa là điều không dễ, biên đạo phải miệt mài tìm tòi và chắt lọc những nội dung sâu sắc, đắt giá nhất của cuộc chiến; cũng như cuộc đời của đảng viên Nguyễn Thị Thập, để nắm bắt được “cái thần”, từ đó sáng tạo các chi tiết mà ngôn ngữ múa cần thể hiện. Ngoài ra, để có tác phẩm múa hay, có sức lôi cuốn, thì cần những diễn viên múa diễn được “thần thái” của nhân vật lịch sử…

Thật vậy, theo những biên đạo múa có thâm niên trong nghề, đề tài lịch sử xét từ góc độ nghệ thuật biên đạo là một đề tài khó. Dàn dựng một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trước hết phải xác định nội dung tư tưởng phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu đẹp. Để dựng một tác phẩm múa khá tốn kém, ngoài việc đầu tư cho công tác biên đạo múa, cần lồng ghép với âm nhạc, mỹ thuật, nhất là khi dựng tiết mục đề tài lịch sử đòi hỏi sử dụng kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng, đạo cụ và hình ảnh.. sao cho phù hợp. Nghệ thuật múa khó ở chỗ, phải thể hiện thông qua động tác hình thể của diễn viên múa. Biên đạo phải am hiểu sâu sắc lịch sử của mảng đề tài lựa chọn ở cả 3 khâu: Hoàn cảnh lịch sử, sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Từ đó sáng tạo bảo đảm tính chân thật lịch sử, rồi trao đổi, hướng dẫn diễn viên múa tìm cách thể hiện bằng ngôn ngữ múa…

Đỗ Ngọc Tú My là diễn viên múa chính trong tiết mục múa “Ngược dòng ký ức”, cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống theo nghề múa, dù là diễn viên múa nhiều năm, nhưng múa về đề tài nhân vật lịch sử thì đây là lần đầu tiên tôi đảm nhận. Sau khi được biên đạo hướng dẫn, tôi tìm tài liệu đọc về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, về đảng viên Nguyễn Thị Thập, nhất là những chi tiết đắt giá về đồng chí Nguyễn Thi Thập, tập đi tập lại nhiều lần rất công phu, mới thể hiện được thần thái nhân vật lịch sử. Khi tiết mục múa “Ngược dòng ký ức” kết thúc, tôi đã nhận được nhiều lời khen ngợi, là động lực để tôi tiếp tục rèn luyện thêm đối với mảng đề tài lịch sử, góp phần tuyên truyền các giá trị lịch sử - văn hóa đến với công chúng…”.

GIA TUỆ

.
.
.