Thứ Hai, 07/12/2020, 11:18 (GMT+7)
.
ĐỘC ĐÁO NGHỀ ĐÚC CHẬU VÀ CHẾ TÁC HÒN NON BỘ:

Góp phần làm đẹp cho đời

Nghề đúc chậu và chế tác hòn non bộ không phải ai yêu thích cũng có thể làm được, bởi nó đòi hỏi ngoài sự tỉ mỉ, khéo tay, còn phải có một tâm hồn nghệ thuật phong phú, đặc biệt là tình yêu thiên nhiên sâu đậm thì mới có thể tạo được vẻ đẹp cho tác phẩm, góp phần làm đẹp cho đời.

Dọc theo Quốc lộ 50, ngang qua địa bàn ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) có Cơ sở Phước Lộc, chuyên đúc chậu xi măng, chế tác hòn non bộ, nắn các con vật tiểu cảnh trang trí nghệ thuật đẹp mắt, thu hút nhiều khách hàng gần xa, do chị Trần Thị Ai làm chủ. Chị đã tìm tòi học hỏi, thêm khéo tay, có óc thẩm mỹ, cùng với nhóm thợ lành nghề của mình mỗi ngày tạo ra nhiều sản phẩm trang trí nghệ thuật làm đẹp cho đời.

Chị Ai đang tạo  hình tiểu cảnh.
Chị Ai đang tạo hình tiểu cảnh.

Chị Ai cho biết, không phải ai yêu thích cũng có thể làm được, bởi nó đòi hỏi người thợ ngoài sự tỉ mỉ, khéo tay, còn phải có một niềm đam mê và tâm hồn nghệ thuật phong phú, đặc biệt là tình yêu thiên nhiên sâu đậm thì mới có thể tạo được vẻ đẹp cho tác phẩm. Mặt khác, phải nắm bắt được tâm lý của mỗi khách hàng để “thổi hồn” vào tác phẩm. Vì lẽ đó, mỗi hòn non bộ, hay những con vật do cơ sở của chị làm ra có những vẻ đẹp riêng, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Với các sản phẩm chậu xi măng, khi đúc ra đều trơn láng, tròn đều… Cơ sở của chị còn nhận trang trí đắp tranh, vẽ vân mây cho các đình, chùa…

Chính vì yêu cầu của nghề này không chỉ đòi hỏi sự khéo tay, có óc sáng tạo, mà còn phải kiên trì, tỉ mỉ, đam mê, nên không nhiều người bám trụ với nghề được lâu dài. Còn với chị Ai, đã có trên 20 năm, hầu như suốt ngày chị “làm bạn” với cát, đá, xi măng, vôi vữa… và đã không quản ngại khó khăn, vất vả.
Khi chúng tôi hỏi cái duyên đến với nghề, chị Ai chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống của ông bà để lại. Nhìn thì tưởng dễ, nhưng bắt tay làm mới thấy rất khó khăn, phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo tay, kiên nhẫn, niềm đam mê, óc sáng tạo mới tạo ra cho đời những tác phẩm đẹp…”.

Cơ sở của chị không có nhiều thợ, nhưng đều là thợ tay nghề cao, thu nhập của mỗi thợ trên 8 triệu đồng/tháng. Chị còn nhiệt tình hướng dẫn, truyền dạy nghề cho tất cả những ai có nhu cầu học nghề.
Anh Trần Văn Tám là một trong những người thợ làm việc tại cơ sở của chị Ai, cho biết: “Tôi làm việc ở đây đã 2 năm, khá vất vả, nhưng với niềm đam mê với công việc này, tôi sẽ tiếp tục sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm đẹp, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng…”.

Những tiểu cảnh, chim công, chim hạc, hươu, nai, hòn non bộ được trưng bày tại các khoảng sân nhà, không gian ở quán cà phê, khách sạn… góp phần làm cho tâm hồn con người ngày càng gần gũi và sống chan hòa với thiên nhiên hơn. Những người làm ra những sản phẩm trên đã tô điểm thêm cho đời, kiếm thêm thu nhập, đó là niềm vui, hạnh phúc của chị Ai và những người quyết tâm bám trụ với nghề đúc chậu, tạo hình…

 KIM LAN - QUỐC NAM

.
.
Liên kết hữu ích
.