Thứ Tư, 03/02/2021, 10:39 (GMT+7)
.

Tảo mộ ngày xuân nét đẹp "uống nước nhớ nguồn"

Ông cha ta thường ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Ca dao xưa cũng có câu: “Con người có tổ có tông / Như cây có cội, như sông có nguồn”, thăm viếng phần mộ ông bà tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền dân tộc, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn đã có từ lâu đời. Dù tất bật trong cuộc mưu sinh, nhưng mỗi năm đến ngày tảo mộ thì con cháu dù bôn ba làm ăn ở nơi xa cũng quay về tảo mộ ông bà tổ tiên, hướng về nguồn cội.

Nhiều họ tộc, con cháu tập trung về làm cỏ, vệ sinh phần mộ ông bà tổ tiên.
Nhiều họ tộc, con cháu tập trung về làm cỏ, vệ sinh phần mộ ông bà tổ tiên.

Không biết tự bao giờ đã có tục tảo mộ ngày xuân, chỉ biết đây là phong tục được lưu truyền từ ông bà tổ tiên để lại. Tảo mộ nghĩa là sửa sang mộ phần của người đã khuất và để cho con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên. Đến ngày tảo mộ, con cháu trong họ dù đi đâu xa, làm ăn nơi nào cũng quay về đất tổ để dự ngày tảo mộ. Sáng sớm, phụ nữ thì ở nhà lo mâm cỗ; còn đàn ông, con trai mang cuốc, xẻng, chổi, thùng, dao... ra khu nhà mồ tổ tiên tu sửa mộ, quét dọn, làm cỏ trong khu mộ.

Thường thì mỗi họ có một trưởng họ chỉ huy việc tảo mộ, nhưng trưởng họ không phải là người dẫn đường, chỉ việc, mà con cháu tự giác tìm mộ và tu sửa, quét dọn, làm cỏ.... Trưởng họ vừa trực tiếp tham gia tảo mộ vừa giải thích thêm cho con cháu nhớ, biết là đang tảo mộ của ai, quan hệ thế nào và rồi vừa làm, vừa kể cho nhau nghe những kỷ niệm về người đã khuất...

Theo lời ông bà xưa kể, người Việt từ ngàn xưa đã có phong tục hễ trong nhà có người thân qua đời là phải nhờ thầy địa lý coi đất. Đất hợp chỗ nào thì táng nơi đó, nên người trong một họ mà mộ phần có thể cách xa nhau. Nhiều họ tộc lớn chia ra nhiều nhánh, một nhánh mai táng ở nơi này, một nhánh mai táng ở chỗ khác. Vì thế, nếu con cháu về không đông đủ thì việc tảo mộ có thể kéo dài từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau. Nhưng có một điều là, dù bận việc đến đâu, làm ăn khấm khá thì cũng tuyệt đối không được thuê người tảo mộ, bởi đó được xem là việc làm bất hiếu của kẻ hậu sinh. Việc tảo mộ phải do chính con cháu trong họ thực hiện thì mới mang ý nghĩa của ngày tảo mộ.

Mỗi từ đường có một ngày tảo mộ quy định, thường là từ 20 đến 25 tháng Chạp, tức trước tiết lập xuân, hằng năm con cháu tụ họp về tảo mộ ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, cũng có một số gia đình đã làm cỏ, sơn lại mộ phần ông bà tổ tiên từ đầu tháng Chạp, tùy theo điều kiện việc làm của mỗi gia đình mà có thể chọn ngày tảo mộ sao cho phù hợp. Tất cả con cháu phải cùng lần lượt tảo mộ từng khu vực để tường tận nguồn cội của mình.

Chú Nguyễn Văn Khoa, ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Hằng năm, tôi và con cháu về quê nội và quê ngoại để tảo mộ ông bà tổ tiên. Con cháu ở xa thì ngày 19 đến trước làm cỏ, quét dọn, sơn lại mộ phần ông bà tổ tiên. Qua ngày 20 thì nấu cơm canh cúng cầu nguyện tổ tiên gia hộ cho gia đạo bình an và mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng gia đình. Mỗi lần tảo mộ gia tộc tập trung từ 50 - 60 người, vừa làm vừa chỉ cho con cháu, dâu rể biết mộ phần của gia tộc, để con cháu hiểu và về sau tiếp nối truyền thống gia tộc. Tảo mộ xong, con cháu trong họ về từ đường bày lễ dâng lên tổ tiên, cùng nhau xem phả hệ đồ, để biết nguồn cội và cùng nhau dùng bữa cơm sum họp họ hàng. Đây cũng là dịp bà con, anh em gặp gỡ, tâm sự những công việc trong năm và qua đó có thể giúp đỡ những người còn khó khăn trong dòng họ…

Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Về tảo mộ ông bà tổ tiên là trách nhiệm của con cháu. Năm nào cũng vậy, dù bận công việc, tôi cũng tranh thủ về dự được ngày tảo mộ của tộc họ, đây là bổn phận của thế hệ con cháu đối với ông bà tổ tiên. Tôi cũng sẽ truyền dạy lại cho thế hệ con cháu của mình noi theo”.

Đến hẹn lại lên, nhiều năm chúng tôi tháp tùng cùng đoàn anh em dòng tộc họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê... đi tảo mộ. Có chứng kiến cảnh họ hàng, con cháu sửa sang, chăm sóc mộ phần của người đã khuất mới cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa cao đẹp của việc tảo mộ. Tôi còn nhớ, trong quyển sách “Khảo luận về tết” của Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, viết về tết với một chuỗi nghi lễ kết thúc năm cũ và đón mừng năm mới, trong đó có đoạn: Việc tảo mộ ngày xuân là nét đẹp của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời là dịp con cháu tụ họp để tái lập và củng cố lại giềng mối, cấu kết của cộng đồng tộc họ. Về mặt tín ngưỡng, tâm linh thì việc nhớ tới người đã khuất còn là bổn phận của con cháu, phải lo cho ông bà mình tử tế, để cho vong hồn ông bà mình được thảnh thơi, được đủ đầy, được vui vẻ và từ đó ông bà phù hộ cho công việc, sức khỏe, làm ăn, học hành của con cháu. Việc tụ họp con cháu vào ngày tảo mộ là việc quan trọng, giúp các thế hệ trẻ biết nơi chốn mồ mả ông bà tổ tiên, để sau này tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dòng tộc mình.

GIA TUỆ

.
.
.